Quản lý ngoại hối và lộ trình chống đô la hoá

Các giao dịch lớn thực hiện trong nội địa thanh toán bằng ngoại tệ đang gây khó khăn cho Nhà nước trong kiểm soát ngoại tệ trôi nổi

Nằm trong những biện pháp quyết liệt để kiềm chế lạm phát, những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tiếp có những động thái siết chặt thị trường ngoại hối mà cao điểm là đợt phối hợp với các cơ quan chức năng truy quét thị trường đô la chợ đen tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ chí Minh. Những động thái này đã tạo được hiệu ứng tức thời khiến thị trường ngoại hối tự do trở nên trầm lắng, thậm chí bị đóng băng. Tuy nhiên, trạng thái này có phản ánh đúng nhu cầu thực sự của thị trường ngoại tệ tự do hay không và sẽ kéo dài bao lâu, là những băn khoăn cần được giải đáp.

Đây không phải là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những động thái siết chặt thị trường ngoại tệ tự do. Những trải nghiệm trước đây cho thấy, mỗi khi cơ quan quản lý nhà nước tăng cường biện pháp quản lý thì thị trường này lập tức trở nên im ắng, mà nếu chỉ quan sát hiện tượng bên ngoài, người ta dễ có ảo tưởng là đã “dẹp” được thị trường ngoại tệ tự do.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những số liệu thống kê và những diễn biến giao dịch trên thực tế mới thấy hiện tượng im ắng chỉ là giả tạo. Thực chất, giới kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do chỉ rút vào hoạt động bí mật với những giao dịch ngầm, một hình thức giao dịch càng dễ cho giới kinh doanh thao túng thị trường và càng khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý và thu thuế.

Thực ra những biện pháp mạnh này là cần thiết trong những hoàn cảnh cấp thiết. Tuy nhiên, cần phải nhận thức một cách rõ ràng rằng, đây không phải là những biện pháp đem lại hiệu quả dài hạn mà chỉ có tác động ngắn hạn cấp thời. Còn về cơ bản, biện pháp truy quét thị trường bất hợp pháp chỉ đạt hiệu quả bền vững một khi các cơ chế về quản lý ngoại hối giải quyết được hai yêu cầu cơ bản của thị trường: Đáp ứng được nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và của người dân trong sử dụng ngoại hối; Nhà nước quản lý được dòng ngoại hối ra - vào qua biên giới cũng như qua hệ thống tài khoản thanh toán giao dịch vốn hoặc giao dịch vãng lai của hệ thống ngân hàng thương mại.

Trên thực tế, hiện nay, Pháp lệnh 28 về quản lý ngoại hối được ban hành ngày 13/12/2005 và có hiệu lực thi hành từ 1/6/2006 đã bộc lộ những bất cập cần được chỉnh sửa. Một trong những bất cập rõ nhất của Pháp lệnh này là cho phép người dân được trực tiếp nhận ngoại hối từ nước ngoài chuyển về dưới hình thức kiều hối, và cho phép tổ chức, cá nhân gửi và rút ngoại tệ tại ngân hàng dưới hình thức gửi tiết kiệm. Đây chính là hai chỗ “trú ẩn” hiệu quả và an toàn nhất của giới đầu cơ kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do.

Mỗi khi thị trường ngoại tệ xuất hiện cung lớn, cầu nhỏ thì họ gửi ngoại tệ vào ngân hàng để bảo toàn giá trị và vẫn được hưởng lãi. Khí có sốt nóng, cầu lớn hơn cung mà hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh không đáp ứng kịp (vì nhiều nguyên nhân), lập tức lượng ngoại tệ đang “nằm nghỉ” trong các ngân hàng sẽ được huy động để tham gia thị trường tự do, với hành vi thao túng giá, chặt chém người có nhu cầu sử dụng ngoại tệ thực sự như chữa bệnh ở nước ngoài, du lịch, du học, thanh toán xuất nhập khẩu…

Không chỉ bất cập trong qui định của pháp luật về quản lý ngoại hối, mà hệ thống những biện pháp đồng bộ khác liên quan hoặc có tác động dây chuyền đến quản lý ngoại hối cũng cần phải được rà soát. Ví dụ chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho dòng kiều hối của thân nhân người Việt ở nước ngoài gửi về trong nước là cần thiết trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Nhà nước còn hạn chế; chưa thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Còn một khi dự trữ ngoại hối của Nhà nước đã dồi dào, dòng ngoại tệ từ đầu tư nước ngoài đổ vào các dự án trong nước mỗi năm đã đạt con số trên 20 tỷ USD, cần xem xét bỏ quy định cho phép nhận bằng ngoại tệ.

Năm 2010, lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về cho tiêu dùng và cho mục đích đầu tư của thân nhân ở trong nước đạt 8 tỷ USD - một con số không nhỏ. Nhưng hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh chỉ thu hút được khoảng 30% số ngoại tệ này.

Một thực tế không thể không nhìn nhận là, một khi tâm lý của người dân còn bị ám ảnh nặng nề bởi tình trạng lạm phát cao vượt khỏi tầm kiểm soát của Nhà nước, thì hành vi găm giữ ngoại tệ như một phương tiện tích trữ vẫn được coi là cần thiết để bảo toàn tài sản của mình. Không chỉ người dân mà cả doanh nghiệp và ngân hàng cũng găm giữ ngoại tệ, gây ra sự khan hiếm giả tạo là cơ hội cho thị trường tự do tự tung tự tác.

Một khi Pháp lệnh 28 về Quản lý ngoại hối vẫn giữ qui định “các đối tượng được tham gia thị trường ngoại tệ gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng được phép, các bàn đổi ngoại tệ, và các tổ chức, cá nhân là người cư trú, người không cư trú tại Việt Nam…, thì tình trạng ngoại tệ trôi nổi và được giao dịch ngoài hệ thống ngân hàng không kiểm soát được. Và một khi có tới 70% số lượng các giao dịch lớn như mua bán bất động sản, xe ô tô, máy móc thiết bị mặc dù thực hiện trong nội địa nhưng vẫn dùng ngoại tệ để thanh toán mà không bị kiểm soát, thì nhà nước vẫn không thể kiểm soát nổi số lượng ngoại tệ đang trôi nổi trong dân và trong các tổ chức kinh tế. Các chuyên gia kinh tế ước lượng số ngoại tệ ngoài luồng” này vào khoảng 10 tỷ USD. Chính lượng tiền khổng lồ này đã và đang tạo ra những vòng xoáy sốt giá quanh 3 trục: Vàng - Đô la - Bất động sản, khiến cho thị trường tiền tệ của nước ta luôn trong tình trạng khó kiểm soát, và cơ quan quản lý Nhà nước luôn bị động dẫn tới những động thái điều hành “giật cục”.

Như vậy, xoá bỏ thị trường ngoại tệ tự do là cần thiết nhưng phải được tiến hành đồng bộ với lộ trình chống đô la hoá gồm hàng loạt các biện pháp từ vĩ mô đến vi mô. Cần chỉnh sửa tổng thể những cơ chế chính sách trực tiếp hoặc liên quan đến quản lý ngoại hối không còn phù hợp với tình hình phát triển hiện nay của nền kinh tế đất nước. Mặt khác phải đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, kiềm chế lạm phát hiệu quả, củng cố niềm tin của người dân vào đồng nội tệ một cách thực tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên