Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó" 3 - "Chúc mừng năm mới"

VOV.VN - "Chúc mừng năm mấy” – những đứa cháu của ông bà Nguyễn Văn Thông ở Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon, bang California, Mỹ) chúc mừng năm mới ông bà, cha mẹ, cô chú… mình khi chưa sõi tiếng Việt tối 30 Tết Quý Mão 2023 như vậy.

Cũng nên thông cảm, chúng sinh ra bên Mỹ, ra khỏi nhà, đến trường là nói tiếng Mỹ. Nhưng cũng yên tâm, cơ bản là về nhà, chúng nghe cha mẹ, ông bà nói tiếng Việt và hiểu rành rọt vì chúng cũng nói toàn tiếng Việt. Cô bé Gianna, tên Việt là Nguyễn Thiên Ân, cháu nội ông Thông năm nay mới ba tuổi đã được ông bà, cha mẹ dạy tiếng Việt, bắt đầu từ số đếm: một, hai, ba, bốn…

Vui Tết cùng nhau

Ông Thông vốn là trùm phó họ An Hòa, chánh văn phòng xứ đạo nghèo An Lạc - Ông Tạ. Ông và bảy anh chị em xưa ở cùng bố mẹ trong một hẻm nhỏ, ngắn của hẻm An Lạc. Nhà đầu hẻm nhỏ vô nhà ông xưa là nhà ông “cò Hiếu”, tức Dương Văn Hiếu, chỉ huy Đoàn Công tác đặc biệt miền Trung thời Ngô Đình Diệm. Ông học với Thuận, con trai cả ông Hiếu ở trường An Lạc (sau 1975 là Âu Lạc, nay là chi nhánh của trường trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên).

Gia đình ông Bắc 54 Hải Phòng. Khi vào Nam, tám anh em ông ở cùng bố mẹ là cụ trùm Mai xứ An Lạc. Ngoài xã hội, ông trùm Mai làm nhân viên Tòa đại sứ Mỹ thời Việt Nam Cộng hòa, nuôi vợ và tám con. Cụ Mai sống đạo đức, kính Chúa yêu người; luôn dạy các con: “Dù giàu dù nghèo, sống phải cho ra Con Người”.

Ông bà cụ trùm Mai đều lành tính. Hàng xóm bảo: “Chả bao giờ thấy ông bà Mai đánh con chửi cháu”. Bà con nói vậy thôi chứ khi Thông, thằng con thứ sáu của ông bà lúc ấy mười bốn, mười lăm tuổi đánh nhau với bạn, ông nghe chuyện giận lắm, kêu về lên giường nọc ra đánh đòn. Thật ra cũng chỉ đánh một, hai roi. Trước khi đánh, ông trùm Mai nhịp nhịp roi kể tội, phân tích tội của con. Gần sáu mươi năm sau, đã thành ông bà, con đàn cháu đống, “thằng con” ấy nhớ mãi ngọn roi yêu thương của bố mình.

“Thằng con” tên Nguyễn Văn Thông lớn lên, lập gia đình, cũng làm ông trùm như bố mình; phụ trách lớp giáo lý hôn nhân cho các bạn trẻ sắp kết hôn của giáo xứ. Thanh niên nam nữ trong xứ tin ông vì họ thấy ngay: gia đình ông “trên thuận dưới hòa”, bảo ban nhau “sống cho ra con người”, trước là trong nhà, sau là hàng xứ, xóm ngõ.

Định cư bên Mỹ theo diện đoàn tụ từ 1996, ông bà Thông nay đã lên hàng cụ, sáu con, mười bốn cháu, đủ trai lẫn gái. Con cháu, dâu rể hầu hết sống quây quần gần nhau ở Sài Gòn Nhỏ, chỉ một đứa bên Boston, bang Massachusetts, phía đông nước Mỹ, xa California mấy ngàn cây số. Tết nhất, năm nào cũng vậy, cả ông bà, con cháu cùng chăm lo Tết cho nhau, vui Tết cùng nhau.

Vài tuần trước, ông bà đã chuẩn bị dưa hành, tai heo, thịt heo bó giò... Chị dâu cả tự may đồ Tết cho hết thảy anh em, con cháu trong nhà, cùng một kiểu dáng, rất đẹp và trang nhã. Vợ chồng, con cháu trước Tết đã rôm rả gọi nhau, hẹn hò ngày giờ về chúc Tết ông bà nội. Ông bà nội như trẻ hẳn ra, chuẩn bị phong bao lì xì như nhau: mỗi con 100 USD, mỗi cháu 50 USD, đều từ dành dụm lương hưu của ông bà.

Nếp nhà Ông Tạ

Lịch mùng một Tết: ông bà, cha mẹ, con cháu hơn hai mươi người cùng kéo nhau ra viếng, thắp hương ở mộ ông cố (ông trùm Mai). Về nhà, đọc kinh cầu nguyện ngày đầu năm, mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà lì xì con cháu, con cái mừng tuổi lại ông bà. Tụ họp ăn uống những món Việt ông bà nấu: dưa hành, giò thủ, thịt đông, gà xé phay, gỏi đu đủ - khô bò… Rồi gầy sòng lô tô, cười đùa, trửng giỡn… quả vui như Tết.

Mùng hai con cháu sẽ chia nhau về chúc Tết bên họ ngoại. Năm nay, mùng hai, có đứa phải đi làm. Buổi họp mặt bên nội làm sớm, từ chiều 30 Tết, dành ngày mùng một cho bên ngoại. Nội ngoại đề huề, cháu con sum họp…

Như khi ông bà Thông hồi thanh thiếu niên sum vầy anh chị em ngày Tết bên cha mẹ – ông bà cụ trùm Mai, trong hẻm nhỏ xứ An Lạc, kể cả lúc kinh tế thời bao cấp khó khăn vô tận. Bữa cơm Tết những ngày ấy chỉ vài khoanh giò bở rở, miếng bánh chưng cắt ra, nhân chỉ vài miếng thịt. Vậy mà ngập một trời Tết chia sẻ, yêu thương gia đình.

Bữa Tết đầu năm ấy cũng sau buổi đọc kinh cả nhà, như buổi đọc kinh bên Mỹ Tết này mà ông Thông đã chia sẻ với con với cháu: “Gia đình cùng quây quần tạ ơn Chúa, cảm ơn Đức Mẹ, Thánh cả Giuse vì những hồng ân Chúa ban cho gia đình chúng con trong năm 2022. Trước thềm năm mới, xin Chúa Thánh hóa và luôn đồng hành với chúng con trong mọi sự”.

Viếng mộ bố sáng mùng hai, ông Thông khoanh tay thưa bố: “Hôm nay mồng hai Tết Quý Mão. Kính nhớ tổ tiên, vợ chồng chúng con ra viếng mộ bố tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành. Tất cả các con cháu của chúng con do bận lịch việc công ty sẽ ra viếng ông nội, ông cố trong ngày Chúa nhật này. Xin mẹ thứ lỗi. Gia đình chúng con chưa có thể về để viếng hài cốt mẹ, bà nội, bà cố tại Nhà chờ Phục sinh giáo xứ An Lạc”.

Trong Nhà chờ ấy, không chỉ có mẹ, bà nội, bà cố của ông mà còn có cha mẹ ca sĩ Giang Tử, cha mẹ MC Nguyễn Ngọc Ngạn… cùng với bao đấng bậc tiền nhân “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mở xứ An Lạc từ những ngày đầu tiên đến Ông Tạ; chỉ mong cuối đời gửi nắm tro tàn nơi đây – quê hương mới của họ.

Vậy nên khi ông cố đi định cư bên Mỹ năm 1986, bà cố không chịu đi, lấy cớ này cớ kia như “tôi sẽ đi sau với con út”. Bà không muốn rời An Lạc, rời Ông Tạ của bà và cố bình tĩnh sắp xếp cho ông đi. Tới lúc ra sân bay, bà mới bàng hoàng, bật khóc: “Ông bỏ tôi đi thật à?!”. Ông cầm tay bà, đỏ hoe mắt: “Tôi chỉ đi vài năm và sẽ về với bà”.

Công việc mưu sinh trên đất mới chộn rộn, ông chưa về được. Năm 1994, bà đành phải sang theo. 1998, cảm thấy sức khỏe yếu, bà đòi về ngôi nhà cũ ở Ông Tạ với những con cháu còn lại. Và bà đã ra đi yên lành trong tay Chúa quan phòng ở An Lạc vài tháng sau. Nửa năm sau, ông trùm Mai cũng đi bên Mỹ, bên con cháu mình bên Mỹ, nhưng đứa nào cũng nhớ về An Lạc, nhất là những ngày Tết Ông Tạ đùm húm bên nhau, bên cha mẹ, bên ông bà, bên chị bên anh…

Nếp nhà Ông Tạ ấy vẫn còn đây, dù bên xứ lạ quê người. Gia đạo, gia phong “truyền tử lưu tôn” nghe to tát quá, tôi không dám nói. Chỉ xin nói: nếp nhà Ông Tạ dù có đi đâu, ở đâu, may mắn thay, vẫn được lặp lại ở thế hệ con cháu. Và nếp nhà ấy vẫn còn đây ở bao nhiêu gia đình, dòng tộc còn ở Ông Tạ, đã rời Ông Tạ, bên xứ người.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó!" 3: Những lát cắt dọc của vùng Ông Tạ
Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó!" 3: Những lát cắt dọc của vùng Ông Tạ

VOV.VN - Với Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó!" tập 3, "nhà Ông Tạ học" Cù Mai Công đã "xẻ dọc" vùng đất trung tâm Ông Tạ để thiết đãi bạn đọc gần xa những ký ức ngõ hẻm dào dạt hương thơm và mùi vị.

Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó!" 3: Những lát cắt dọc của vùng Ông Tạ

Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó!" 3: Những lát cắt dọc của vùng Ông Tạ

VOV.VN - Với Sài Gòn một thuở - "Dân Ông Tạ đó!" tập 3, "nhà Ông Tạ học" Cù Mai Công đã "xẻ dọc" vùng đất trung tâm Ông Tạ để thiết đãi bạn đọc gần xa những ký ức ngõ hẻm dào dạt hương thơm và mùi vị.

Nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân – Dưới trời này sao sáng cũng vì nhau
Nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân – Dưới trời này sao sáng cũng vì nhau

VOV.VN - Trong các tác giả thơ nữ đương đại thuộc thế hệ 8x sinh sống và làm việc tại khu vực TP HCM khoảng 15 trở lại đây, Nguyễn Thiên Ngân là một cái tên gây được nhiều sự chú ý đặc biệt.

Nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân – Dưới trời này sao sáng cũng vì nhau

Nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân – Dưới trời này sao sáng cũng vì nhau

VOV.VN - Trong các tác giả thơ nữ đương đại thuộc thế hệ 8x sinh sống và làm việc tại khu vực TP HCM khoảng 15 trở lại đây, Nguyễn Thiên Ngân là một cái tên gây được nhiều sự chú ý đặc biệt.

Văn học thiếu nhi - Tín hiệu lạc quan từ tư duy viết mới
Văn học thiếu nhi - Tín hiệu lạc quan từ tư duy viết mới

VOV.VN - Sáng tác văn học cho thiếu nhi là công việc công phu. Ngoài phẩm chất cần có của một người viết, thì họ còn là người am hiểu tâm lý phát triển của trẻ em, để xây dựng truyện linh hoạt, hấp dẫn, góp phần dung dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Văn học thiếu nhi - Tín hiệu lạc quan từ tư duy viết mới

Văn học thiếu nhi - Tín hiệu lạc quan từ tư duy viết mới

VOV.VN - Sáng tác văn học cho thiếu nhi là công việc công phu. Ngoài phẩm chất cần có của một người viết, thì họ còn là người am hiểu tâm lý phát triển của trẻ em, để xây dựng truyện linh hoạt, hấp dẫn, góp phần dung dưỡng tâm hồn trẻ thơ.