Sơn La làm gì để phát huy sức mạnh nền văn hóa?

Giữ hồn cốt dân tộc bằng phong trào quần chúng

VOV.VN - Không chỉ dừng lại ở các công trình nghiên cứu và việc sưu tầm, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống bằng sự đầu tư của Nhà nước, những năm qua, Sơn La đã quan tâm xây dựng và phát huy phong trào văn nghệ quần chúng.

LTS: Xác định không có môi trường nào để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt hơn chính ở không gian văn hóa của mỗi dân tộc. Từ lẽ đó, không chỉ dừng lại ở các công trình nghiên cứu và việc sưu tầm, bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa truyền thống bằng sự đầu tư của Nhà nước, những năm qua, Sơn La đã quan tâm xây dựng và phát huy phong trào văn nghệ quần chúng.

Đến nay, Sơn La đã có hơn 3.300 đội văn nghệ ở khắp các thôn, bản, tổ dân phố – là một trong những địa phương có nhiều đội văn nghệ quần chúng nhất cả nước. Mỗi năm, Sơn La đều trích hàng tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở; nhiều địa phương trong tỉnh cũng ban hành những chủ trương với cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Những nỗ lực này đã, đang góp phần tăng sức mạnh nội sinh và hồn cốt của dân tộc, của quốc gia, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, “Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc, nên mất văn hóa là mất dân tộc”...

Loạt bài “Sơn La làm gì để phát huy sức mạnh nền văn hóa?” của nhóm PV VOV Tây Bắc đề cập nội dung này. Bài viết đầu tiên có nhan đề “Giữ ‘hồn cốt’ dân tộc bằng phong trào quần chúng”.

Mặt trời khuất dần sau dãy núi, nhà văn hóa sáng ánh đèn, giai điệu “Mùa lên rẫy” thân quen vang lên dìu dặt... cũng là lúc chị Lèo Thị Hương, người đã hơn 10 năm gắn bó với đội văn nghệ và các thành viên đội văn nghệ tổ 3, phường Chiềng An, TP Sơn La say sưa hòa mình vào từng điệu múa.

"Nói chung là vì đam mê, nên tôi cùng các chị em tranh thủ các buổi tối, tập những bài múa mà các thế hệ để lại, đặc biệt là những điệu xoè, những động tác khắc họa lại công việc lao động, đời sống hàng ngày của mình như đi cày, đi cấy, hái quả, hái hoa..." - Chị Lèo Thị Hương nói.

Mỗi giai điệu, lời ca, điệu múa mà đội văn nghệ tập luyện đều tái hiện bức tranh văn hóa sinh động mà đồng bào Thái nơi đây gìn giữ. Không gian thêm sắc màu khi đội văn nghệ chỉn chu đến từng bộ trang phục, đạo cụ biểu diễn như đeo Ếp, cầm quốc, đội khăn Piêu...

Theo chị Lò Xuân Hường, đội trưởng đội văn nghệ tổ 3, phường Chiềng An, các thành viên đều đến với đội bằng niềm đam mê, yêu thích văn nghệ, mong muốn bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân tộc. Đặc biệt, từ khi có các chủ trương, chính sách của tỉnh Sơn La hỗ trợ kinh phí cho hoạt động văn hóa, văn nghệ của bản, đội văn nghệ như có thêm nguồn lực để chăm chút cho những “món ăn tinh thần”.

"Rất tự hào vì được Đảng, Nhà nước quan tâm, có kinh phí của HĐND tỉnh hỗ trợ phong trào văn hóa văn nghệ, mỗi năm được 2 triệu, ngoài ra bản thu 30.000đ/hộ vào quỹ văn hóa, thể thao của bản. Tôi được giao phụ trách thì mình dự toán trong năm cần những gì, cần dàn dựng những tiết mục này, trang phục này, cần đạo cụ này thì mình sẽ thống kê báo cáo với tập thể, để tính toán chi cho đội văn nghệ" - chị Hường chia sẻ thêm.

Ngược dòng sông Đà, bức tranh văn hóa của miền đất Phù Hoa nổi bật với làn điệu dân ca “đang Mường”, “ví Mường”. Nét đẹp độc đáo của đồng bào Mường nơi đây còn được tái hiện qua các điệu múa: vui hội xuân (múa bông), khăn Mợi truyền thống, trồng bông, dệt vải...

Chị Hoàng Thị Hảo, đội văn nghệ bản Tạo, xã Gia Phù, huyện Phù Yên cho biết: Bà con trong bản dành nhiều tâm huyết gìn giữ nét đẹp này qua hoạt động phong trào của 2 đội văn nghệ phụ nữ và văn nghệ người cao tuổi. Chúng tôi thường tập những tiết mục đặc sắc để phục vụ cho bà con nhân dân vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm của địa phương. Qua những tiết mục đó thì chúng tôi muốn truyền tải thông điệp là hãy giữ gìn bản sắc, nét đẹp văn hóa của người Mường.

Cùng với đồng bào Mường, các dân tộc Thái, Mông, Dao... của huyện Phù Yên đã và đang lan toả sắc màu văn hóa qua hoạt động phong trào quần chúng. Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La về hỗ trợ kinh phí hoạt động văn nghệ quần chúng của bản, tiểu khu, tổ dân phố, huyện Phù Yên đã có hơn 200 đội văn nghệ bản, tiểu khu được hưởng kinh phí hỗ trợ.

Ông Phan Quý Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên chia sẻ: 5 năm qua, tổng số kinh phí cấp cho các đội văn nghệ hoạt động thường xuyên là 2 tỷ 108 triệu đồng. Huyện cũng đã vận dụng các chính sách liên quan đến phát triển văn hóa văn nghệ của địa phương, lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình của Trung ương, của tỉnh. Hằng năm, các đội văn nghệ quần chúng đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh Sơn La về phát triển văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; xuất phát từ thực tiễn phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, HĐND tỉnh Sơn La xác định việc hỗ trợ kinh phí đối với hoạt động của văn hóa nói chung, văn nghệ quần chúng nói riêng là việc làm cần thiết.

- HĐND tỉnh Sơn La khóa XIV ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ kinh phí các bản, tiểu khu, tổ dân phố có hoạt động văn nghệ quần chúng: 2.000.000 đ/bản/năm.

- Bình quân mỗi năm, tỉnh Sơn La phân bổ kinh phí gần 8 tỷ đồng để triển khai thực hiện các Nghị quyết về văn hóa.

 

Có thể khẳng định, là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, mức hỗ trợ không được nhiều, nhưng đây là động lực để thúc đẩy phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật quần chúng trong đời sống nhân dân. Theo thống kê, trung bình mỗi bản có từ 2 đến 3 đội văn nghệ duy trì hoạt động, từ thiếu niên, trung niên và cao tuổi... Chưa kể các đội văn nghệ của các đoàn thể, câu lạc bộ, nhóm liên gia tự quản...

Bà Quàng Thị Xuyến, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La cho biết: Để tiếp tục động viên, khuyến khích hoạt động văn hóa, văn nghệ và thúc đẩy phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã giao các Ban của Hội đồng Nhân dân tỉnh rà soát các nghị quyết đã ban hành, cập nhật nội dung hỗ trợ của Trung ương để cụ thể hóa phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, kịp thời sửa đổi, bổ sung các nghị quyết đã ban hành.

"Đến nay, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành 05 nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa dân tộc được lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng giao các Ban của Hội đồng Nhân dân  tỉnh thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ đối với việc phân bổ, giải ngân kinh phí hỗ trợ đối với các nghị quyến liên quan đến văn hóa." - bà Xuyến nhấn mạnh.

Để giữ “hồn cốt” văn hóa bằng phong trào quần chúng, cùng với tiền đề cơ bản từ các chính sách của tỉnh, nhiều địa phương ở Sơn La đã có những chủ trương, cách làm sáng tạo. Như “miền cổ tích” của núi rừng Tây Bắc, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La - một địa phương vùng khó, nhưng có tới 10/77 chủ trương về lĩnh vực này.

15 bản với 45 đội văn nghệ, 51 nghệ nhân đánh đàn tính tẩu, 35 người hát Thái; mời nghệ nhân Cầm Vui sáng tác mỗi bản một bài hát về đời sống văn hóa, sinh hoạt của người dân... Những con số này đã phần nào minh chứng cho bức tranh văn hóa, văn nghệ sôi động của Ngọc Chiến.

Theo ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã, cùng với kinh phí hỗ trợ, trung bình mỗi năm, Ngọc Chiến tổ chức xã hội hóa trong nhân dân hơn 200 triệu đồng, bản nhiều nhất hơn 20 triệu, bản ít nhất hơn 10 triệu đồng... góp phần gìn giữ và phát huy phong trào, đảm bảo các thiết chế văn hóa, khích lệ, động viên bà con.

"Chúng tôi hay nói vui với nhau người Ngọc Chiến ai cũng có thể là nghệ sĩ, có thể múa hát ở mọi không gian, thời gian, sáng, trưa, chiều, tối, múa hát ở mọi địa hình từ sân khấu, ngoài đường, cánh đồng, lưng chừng đồi, con dốc hay cả trên đỉnh núi... Phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng đã trở thành “món ăn tinh thần”, là hoạt động đặc biệt quan trọng trong gìn giữ bản sắc, gìn giữ truyền thống dân tộc của Ngọc Chiến. Du lịch cộng đồng cũng đang hình thành và phát triển trên nền tảng văn hóa, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng riêng biệt, độc đáo phục vụ du khách trong nước và quốc tế, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân xã nhà" - ông Bùi Tiến Sỹ nói.

Phong trào quần chúng đã góp phần đưa những thanh âm mang sắc màu văn hóa của đồng bào La Ha ở bản Kẻ, xã Ngọc Chiến ngày một vươn xa. Từ “món ăn tinh thần” quen thuộc, trở thành niềm tự hào mà đồng bào nơi đây muốn quảng bá, giới thiệu tới du khách có dịp ghé thăm “miền cổ tích”.

Chị Lò Thị Phanh, đội văn nghệ bản Kẻ, xã Ngọc Chiến cho hay: Chúng tôi sẽ tập luyện bài múa này, duy trì, truyền lại đến cho các cháu. Chúng tôi sẽ giữ gìn bản sắc dân tộc La Ha, để du khách qua đây thưởng thức bài múa của dân tộc chúng tôi.

Theo ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng với sự góp mặt của những “hạt nhân” đặc biệt đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình gìn giữ “hồn cốt” văn hóa của tỉnh Sơn La.

"Các đội văn nghệ vừa lưu giữ, vừa sáng tạo giá trị vật chất và tinh thần đối với dân tộc mình, địa phương mình. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Sơn La đã động viên, khuyến khích các đội văn nghệ duy trì, bảo tồn, phát huy và tôn lên những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình" - ông Trần Xuân Việt khẳng định.

Có thể thấy, từ vùng thấp đến vùng cao, từ nông thôn đến thành thị, ở bất cứ bản làng nào trên rẻo cao Sơn La, những giai điệu, lời ca, tiếng khèn, tiếng sáo cứ ngày một lan tỏa, hòa quyện trong bức tranh văn hóa sắc màu của 12 dân tộc anh em. Rồi từ đây, những giá trị văn hóa ấy sẽ được tiếp nối, trao truyền cho các thế hệ, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đây cũng sẽ là nội dung trong bài thứ 2 của loạt bài với nhan đề “Tiếp lửa, trao truyền văn hóa Thái”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xây dựng các tiêu chí xác định dự án ưu tiên của lĩnh vực văn hóa và thể thao
Xây dựng các tiêu chí xác định dự án ưu tiên của lĩnh vực văn hóa và thể thao

VOV.VN - Sáng nay 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng các tiêu chí xác định dự án ưu tiên của lĩnh vực văn hóa và thể thao

Xây dựng các tiêu chí xác định dự án ưu tiên của lĩnh vực văn hóa và thể thao

VOV.VN - Sáng nay 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 44 tỷ USD giai đoạn 2018 - 2022
Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 44 tỷ USD giai đoạn 2018 - 2022

VOV.VN - Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 44 tỷ USD giai đoạn 2018 - 2022

Công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 44 tỷ USD giai đoạn 2018 - 2022

VOV.VN - Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang
Khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang

VOV.VN - Chiều 23/12, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn.

Khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang

Khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang

VOV.VN - Chiều 23/12, tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ khánh thành Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Pà Thẻn.

Những nữ "họa sĩ" tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong nơi non cao
Những nữ "họa sĩ" tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong nơi non cao

VOV.VN - Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Lễ công bố quyết định và trao Chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và Festival trình diễn khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ dày năm 2023.

Những nữ "họa sĩ" tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong nơi non cao

Những nữ "họa sĩ" tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong nơi non cao

VOV.VN - Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đang chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Lễ công bố quyết định và trao Chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn và Festival trình diễn khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ dày năm 2023.

Yên Bái khai mạc Festival trình diễn Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023
Yên Bái khai mạc Festival trình diễn Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023

VOV.VN - Tối 23/12, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai mạc Festival trình diễn Khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023; đồng thời tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật Khèn Mông, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu và huyện Văn Chấn.

Yên Bái khai mạc Festival trình diễn Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023

Yên Bái khai mạc Festival trình diễn Khèn Mông và Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023

VOV.VN - Tối 23/12, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức khai mạc Festival trình diễn Khèn Mông, Lễ hội hoa Tớ Dày năm 2023; đồng thời tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật Khèn Mông, nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu và huyện Văn Chấn.