Nhạc sĩ Phạm Tuyên và cuộc tình sóng gió với người vợ quá cố

“Dù không nói ra, nhưng sau khi mẹ mất, bố tôi sống lặng lẽ hơn. Ông quanh quẩn ở nhà, ngại ra ngoài, sợ mọi người hỏi thăm, lại nhắc đến bà, lại buồn..."

Cuộc tình sóng gió và lãng mạn…

Phu nhân của nhạc sĩ Phạm Tuyên là cố PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, ít hơn ông 6 tuổi là chủ nhiệm đầu tiên của Khoa Giáo dục mầm non Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng giáo dục mầm non, người từng đào tạo hướng dẫn nhiều cử nhân thạc sĩ tiến sĩ về tâm lý học và giáo dục mầm non, là tác giả và đồng tác giả của 34 cuốn sách về tâm lý học, giáo dục mầm non, giáo dục cái đẹp trong gia đình…

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và cố PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết quen nhau và bén duyên từ những năm tháng học tập tại Khu học xá ở Trung Quốc- nơi giáo dục, đào tạo con em Việt Nam thành tài để trở về tham gia kháng chiến và sau này xây dựng đất nước.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên thời trẻ. (Ảnh: Hồng Tuyến)

Dù trong cuốn hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế”, bà Ánh Tuyết miêu tả mối tình giữa mình và nhạc sĩ Phạm Tuyên là “cuộc tình đầy sóng gió” vì những rào cản về “chủ nghĩa lý lịch”, vì bệnh lao phổi… nhưng vượt lên tất cả, người đọc lại cảm nhận về tình cảm trong sáng và nhiệt thành. Một chuyện tình đẹp giản dị, e ấp và cũng rất lãng mạn…

Lời tỏ tình của Phạm Tuyên chính là cuốn nhật ký, món quà tặng người yêu chính là… bản nhạc. “Một hôm anh tìm gặp tôi, không quên đưa cho tôi bản nhạc “Em bé chăn trâu” của nhạc sĩ Văn Chung kèm theo là một lá thư viết cho tôi và rủ tôi đi chơi. Thật tội nghiệp! Nhạc sĩ chỉ có bảy nốt nhạc nên quà tặng cho người yêu cũng chỉ có vậy. Nhưng đối với tôi thì đây là món quà vô giá”, bà Ánh Tuyết viết trong cuốn hồi ký.

Ngoài những lo lắng, rơi nước mắt vì bị người thân cấm đoán nhưng đôi bạn trẻ cũng có những khoảnh khắc lãng mạn đến xao lòng: “Chiều ấy, sau buổi nghe báo cáo xong, anh chờ tôi ở cổng trường, tôi bẽn lẽn theo anh đi ra Hồ Tây. Ngồi bên bờ hồ dưới gốc cây liễu, bóng liễu rủ xuống mặt nước, gió thổi làm mặt hồ gợn sóng lung lay bóng liễu như lòng tôi đang bị xáo động. Cầm tay tôi, anh nói nhỏ nhẹ: Anh chỉ mong đến ngày hôm nay để được ngồi bên em và được nghe em nói lời yêu anh”. Tôi không nói gì, chỉ biết nép vào người anh. Im lặng là bằng lòng. Chúng tôi cứ ngồi với nhau như thế, không dám nói với nhau một câu gì nữa, cũng không dám nhúc nhích, cựa quậy, chỉ muốn giữ mãi giây phút thiêng liêng này…”.

Bà Ánh Tuyết và con gái, chị Phạm Hồng Tuyến. (Ảnh: Hồng Tuyến).

"Sau khi vợ mất, nhạc sĩ Phạm Tuyên sống lặng lẽ hơn..."

Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn hồi ký "Chúng tôi đã sống như thế" chiều ngày 17/12 tại Hà Nội, chị Phạm Hồng Tuyến, con gái út của vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên, người “ép” bố viết ca khúc “Trường cháu là trường mầm non” cho biết, suốt mấy chục năm sống bên nhau, bố mẹ chị luôn đối xử với nhau ân cần, tình cảm. “Dù tuổi cao, con cháu đã lớn nhưng bố mẹ tôi đều xưng hô anh- em rất nhẹ nhàng, tình cảm. Bố mẹ tôi hầu như không to tiếng với nhau bao giờ. Lúc nào, ông bà cũng chăm chút cho nhau”, chị Tuyến nói.

Khi được hỏi rằng, nhạc sĩ Phạm Tuyên tài hoa, đẹp trai như thế hẳn có nhiều nữ giới hâm mộ. Khi còn sống, liệu có khi nào bà Ánh Tuyết… ghen không? Chị Hồng Tuyến thẳng thắn trả lời: “Bố tôi được nhiều người quý, trong đó có phụ nữ. Có người rất hâm mộ bố tôi, luôn gửi thư và thể hiện tình cảm yêu đương, nhung nhớ cuồng nhiệt. Nhưng hình như người phụ nữ này có bệnh. Nếu là người vợ khác chắc chắn sẽ ghen nhưng mẹ tôi lại khác. Bà thổ lộ ý định đón người phụ nữ ấy cho họ gặp mặt bố tôi, biết đâu họ… khỏi bệnh. Trước sự ngăn cản của tôi và chị Tuyền nên mẹ tôi thôi ý định đó. Mẹ tôi là như vậy, một người phụ nữ chu toàn và nhân hậu!”.

Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên và các cháu. (Ảnh: Hồng Tuyến).

Là người hiền lành, ít khi chia sẻ chuyện riêng tư nhưng tình cảm của nhạc sĩ Phạm Tuyên đối với người vợ tảo hiền vô cùng sâu nặng. “Hơn 700 ca khúc tôi dành tặng nhà tôi vì trong đó đều có nét, bóng dáng của nhà tôi”, chỉ một lời như thế cũng đủ cảm tình riêng của ông dành cho bà.

“Dù không nói ra, nhưng sau khi mẹ mất, bố tôi sống lặng lẽ hơn. Ông quanh quẩn ở nhà, ngại ra ngoài, sợ mọi người hỏi thăm, lại nhắc đến bà, lại buồn. Cả nhà tôi đã không ai nghĩ mẹ ra đi vào thời điểm đó, quá nhanh, quá đột ngột…” chị Tuyến bộc bạch.

Chị cho biết, thực ra những năm tháng cuối đời, cả nhà cũng đã biết bà Ánh Tuyết đang cặm cụi viết cuốn hồi ký. Tuy nhiên, sau khi thành cuốn sách hoàn chỉnh, cả nhà đọc lại mới thấm thía hết, mới thấy bất ngờ trước trí nhớ và sự tỉ mỉ vô cùng của bà. Đọc lại từng chặng đường đời gắn bó bên nhau, từ những ngày đi học xa nhà, gợi nhớ lại những kỷ niệm về mối tình lãng mạn đầy sóng gió…, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã rơi nước mắt!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Không chỉ là việc riêng của nhạc sĩ Phạm Tuyên
Không chỉ là việc riêng của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Ứng xử văn hóa của trí thức, văn nghệ sĩ ở Huế được thể hiện qua nhiều hoạt động tưởng niệm cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh.

Không chỉ là việc riêng của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Không chỉ là việc riêng của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Ứng xử văn hóa của trí thức, văn nghệ sĩ ở Huế được thể hiện qua nhiều hoạt động tưởng niệm cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh.

Chuyện về nhạc sĩ Phạm Tuyên và 'cỗ xe tam mã'
Chuyện về nhạc sĩ Phạm Tuyên và 'cỗ xe tam mã'

Nói như nhà phê bình lý luận âm nhạc Thụy Kha: “Ba bài hát về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là cỗ xe tam mã hướng người ta về một lý tưởng cao đẹp…”.

Chuyện về nhạc sĩ Phạm Tuyên và 'cỗ xe tam mã'

Chuyện về nhạc sĩ Phạm Tuyên và 'cỗ xe tam mã'

Nói như nhà phê bình lý luận âm nhạc Thụy Kha: “Ba bài hát về Đảng của nhạc sĩ Phạm Tuyên là cỗ xe tam mã hướng người ta về một lý tưởng cao đẹp…”.