Một số tập tục đón Tết của người Thái Trắng ở Nghệ An

Người Thái Trắng miền tây nam Nghệ An thường chuẩn bị đón Tết rất chu đáo. Rượu cần được cất trước cả tháng trời…

Từ giữa tháng chạp âm lịch dưới gầm sàn các nhà đã chất đầy củi khô, lạt gói bánh chưng đã treo trên chiếc móc ở cột nhà. Từ 22, 23 tháng Chạp mọi nhà đều đã có đầy đủ lá dong để tối 29 Tết gói bành chưng. Một chú lợn béo sẵn trong chuồng để mổ vào sáng 30 Tết.

Chợ  Tết 25 tháng Chạp
Các chợ trung tâm huyện lị thường tấp nập kẻ mua người bán từ 21, 22 tháng Chạp với đủ các mặt hàng Tết đổ về và mỗi buổi họp chợ vô tình biến thành ngày hội của hàng Tết, người đi chợ Tết nườm nượp. Hàng hoá từ miền xuôi lên, từ các làng bản đồng bào dân tộc đổ về. Không khí chợ xuân hết sức vui vẻ. 

Nhưng ngày họp chợ 25 tháng Chạp vẫn được nhiều người háo hức chờ đợi. Đã thành thông lệ, người ta họp chợ trước thời khắc đón năm mới 5 ngày để cầu sự may mắn, an lành, hạnh phúc. Ngoài  mua sắm, chợ huyện còn là nơi gặp gỡ của các đôi lứa và người ta tìm đến bạn bè trút bầu tâm sự cho thoả niềm mong nhớ sau nhiều ngày xa cách. Sáng 25 tháng Chạp mọi người dậy thật sớm, không ai gọi ai nhưng các ngả đường vắt mình theo sườn núi đều rộm ràng tiếng nói câu cười của người các bản xuống chợ. Người đi chợ phiên cuối năm cần niềm vui hơn là mua sắm.

Thăm mộ 29 tháng Chạp
Người Thái Trắng tây nam Nghệ An quan niệm năm mới rồi mọi cái phải được tân trang, tu sửa. Nhà cửa không có rác rưởi, mọi thứ đồ đạc đều được cọ rửa sạch sẽ. Thăm nom phần mộ của người thân đã quá cố cũng là công việc quan trọng.

Ngày 29 Tết, các khu nghĩa địa vốn quanh năm hoang vắng bỗng nhộn nhịp người thăm mộ. Bắt đầu là lễ cúng rượu xin phép tổ tiên cho con cháu sửa sang lại nơi ở của các cụ sau nữa mời các ngài về ăn Tết với bản làng, con cháu. Họ tổ chức nhau phát quang bụi râm, cỏ dại, tôn tạo lại mộ phần ông bà tổ tiên, nguyện cầu năm mới tôt lành. Những ngôi mộ lâu ngày không còn người viếng thăm cũng được tôn tạo lại, được thắp hương để an ủi những linh hồn khi người than của họ vì một lý do nào đó không đến thăm mộ.

Lễ gọi vía về ăn Tết
Trong một năm cũ vừa qu,a mọi người đều phải lên rừng xuống khe vì cuộc mưu sinh. Người lớn phát nương làm rẫy, đốn gỗ trong rừng. Trẻ con chăn trâu, kiếm củi, kiếm rau, săn chim thú… Những phần vía của những người trong gia đình rất có thể đang bị lạc ở con khe, góc núi nào đó chưa tìm thấy lối về.

Lễ gọi vía được tổ chức nhằm dẫn lối cho những phần vía đi lạc về ăn Tết. Ngày làm lễ gọi vía không được ấn định cụ thể, người ta thường chọn một ngày lành của tháng Chạp để tổ chức và không nhất thiết nhà nào cũng phải tổ chức lễ gọi vía. Nhưng nhà còn có trẻ nhỏ và có người hay đau yếu thì gọi vía là một nghi lễ rất quan trọng trước mỗi dịp Tết.

Đồ cúng lễ gọi vía đơn giản, chỉ có một dĩa xôi, một con gà. Đặt cạnh mâm cúng là những chiếc áo của các thành viên gia đình. Sau lễ cúng mỗi người đều được buộc vào cổ tay một sợi chỉ để giữ vía không đi lạc nữa.

Mời nhau ăn cỗ tất niên
Bữa cơm tất niên của người Thái Trắng miền Tây Nghệ An thường vào trưa 30 Tết. Sau lễ cúng mời tổ tiên về ăn Tết mâm cúng được hạ xuống, lúc này con cháu mới được hưởng lộc. Những người hàng xóm thường đến nhà nhau ăn bữa tất niên, luân phiên từng nhà một. Họ quan niệm bữa cơm cuối cùng của một năm cần có những người bạn thân thiết đến vui cùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên