Nhiều bất cập tại dự án đuổi chim ở sân bay

Bản đề xuất về dự án đuổi chim ở sân bay của Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) khá sơ sài.

Đề nghị Bộ GTVT thông qua chủ trương đầu tư dự án phát hiện vật thể lạ trên đường hạ cất cánh trị giá hơn 1.160 tỷ đồng song Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) lại chỉ trình một bản đề xuất được cho là khá sơ sài và bộc lộ nhiều bất cập.

Máy bay Vietjet bị chim đâm móp đầu hồi cuối năm ngoái

Chi nghìn tỷ chỉ để đuổi chim, phát hiện vật ngoại lai

ACV vừa trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường hạ, cất cánh (FODetect) do CTCP Tiến bộ quốc tế đề xuất. Hai cảng hàng không (CHK) được đề xuất triển khai hệ thống này là Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Dự án trị giá tới hơn 1.160 tỷ bằng vốn xã hội hóa này được ACV “quảng cáo” là: “Có thể đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đường hạ, cất cánh, nâng cao năng lực cho đường hạ, cất cánh, qua đó nâng cao năng lực khai thác của cảng, đảm bảo không gián đoạn khai thác”.

“Đầu tư mới hệ thống phát hiện vật thể lạ FODetect trên đường hạ cất cánh cho phép phát hiện ngay vật thể lạ 24/24h một cách tự động với tọa độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không can nhiễu tới các hệ thống khác của sân bay”, tờ trình do Phó tổng giám đốc ACV Đào Việt Dũng ký nêu rõ và cho biết, trên thế giới hiện có nhiều CHK đã trang bị hệ thống FODetect nhằm đảm bảo an toàn tối đa.

Đề xuất đầu tư hệ thống thiết bị đuổi chim, phát hiện vật ngoại lai trên khu bay được đưa ra trong bối cảnh các sự cố do chim va đập hoặc vật ngoại lai hàng năm lên tới vài chục vụ uy hiếp an toàn bay.

Trong khi đó, việc kiểm tra, đảm bảo an toàn cho đường cất, hạ cánh đang được CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài thực hiện bằng phương pháp kiểm tra trực quan bằng mắt với tần suất tối thiểu 7 lần/ngày cho mỗi đường hạ, cất cánh. Điều này được đánh giá là khó phát hiện chính xác, tuyệt đối được vật thể lạ trên đường hạ, cất cánh do diện tích bề mặt đường lớn, tình trạng thời tiết nhiều lúc rất xấu, hạn chế tầm nhìn, thiếu ánh sáng vào ban đêm…

Quá sơ sài và thiếu thông tin

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện một đề xuất đầu tư dự án trị giá hàng nghìn tỷ đồng với những mục tiêu quan trọng, liên quan đến an ninh, an toàn hàng không nói trên lại quá sơ sài, thiếu hàng loạt các thông tin quan trọng như loại hợp đồng dự án; Phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác và đặc biệt là hiệu quả kinh tế - xã hội của công trình.

Trong công văn gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN - cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng không khẳng định: “Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc xã hội hóa Dự án FODetect cần thiết”. Tuy nhiên, văn bản do Cục trưởng Lại Xuân Thanh ký cũng cho rằng: “Đề xuất của ACV là khá sơ sài khi còn thiếu một loạt nội dung quan trọng như loại hợp đồng dự án; Phương án tổ chức quản lý, chủ thể quản lý khai thác và cung cấp dịch vụ đồng thời chưa nêu được hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án cũng như các điều kiện về an toàn”.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đề xuất dự án thiếu các tài liệu kỹ thuật và thông tin về tính năng thiết bị, vì vậy chưa thể xác định rõ khả năng làm việc tối ưu của hệ thống FODetect trong điều kiện thời tiết xấu, ban ngày, ban đêm; Vùng không gian hệ thống có khả năng phát hiện và xua đuổi chim ở hai đầu tiếp cận khi tàu bay cất, hạ cánh cũng như khả năng tích hợp và mở rộng hệ thống thiết bị.

Về tổng mức đầu tư của dự án, một chuyên gia khá nổi tiếng trong lĩnh vực hàng không (xin được giấu tên) cho biết: Dù chưa được tiếp cận với những nội dung cụ thể trong dự án, song nếu chỉ triển khai ở hai sân bay với bốn đường băng mà tổng số tiền lên tới hơn 1.100 tỷ đồng là quá lớn.

Đầu tư một đằng, thu tiền một nẻo

Một điểm bất cập nữa trong đề xuất của ACV liên quan đến việc hoàn vốn cho dự án. Cụ thể, doanh nghiệp đang quản lý khai thác 22 CHK trên cả nước này đề xuất “thu phí 35 USD đối với các chuyến bay quốc tế và 17 USD đối với các chuyến bay nội địa trên toàn bộ các CHK ACV đang khai thác trong thời gian 6 năm 6 tháng”.

Về vấn đề này, lãnh đạo một hãng hàng không (cũng xin không nêu tên) cho biết, chưa hề nhận được thông tin nào về dự án này. Tuy nhiên, vị này cũng bày tỏ lo ngại khi đứng trước khả năng phải “gánh” thêm một khoản phí mà chưa rõ hiệu quả như thế nào. “Chi cho an toàn không thể tiết kiệm. Nhưng quan trọng là hiệu quả phải rõ ràng”, vị này bổ sung.

Đồng quan điểm, trong văn bản gửi Bộ GTVT, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cũng cho rằng, việc nâng giá dịch vụ hạ, cất cánh phải tham khảo ý kiến của người sử dụng (hãng hàng không), đặc biệt là các hãng hàng không trong nước, đảm bảo công khai, minh bạch.

Về thời gian hoàn vốn, theo ông Lại Xuân Thanh, khoảng thời gian 6 năm 6 tháng như đề xuất là quá ngắn, cần xem xét lại và xây dựng mức thu phù hợp với điều kiện khai thác và khả năng chịu chi trả của các hãng hàng không khai thác đến Việt Nam, không làm tăng mức thu đột ngột ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các CHK Việt Nam.

Hơn nữa, ông Thanh cho rằng, việc chỉ đầu tư tại hai CHK nhưng lại đề xuất mức thu cho mỗi lượt hạ, cất cánh từ các chuyến bay quốc tế và nội địa trên tất cả các CHK là không hợp lý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề xuất đầu tư hơn 1.000 tỷ để đuổi chim ở sân bay
Đề xuất đầu tư hơn 1.000 tỷ để đuổi chim ở sân bay

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất kinh phí lên tới hơn 1.000 tỷ đồng để đuổi chim ở sân bay.

Đề xuất đầu tư hơn 1.000 tỷ để đuổi chim ở sân bay

Đề xuất đầu tư hơn 1.000 tỷ để đuổi chim ở sân bay

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất kinh phí lên tới hơn 1.000 tỷ đồng để đuổi chim ở sân bay.