Nhức nhối chuyện người Hải Phòng đi cổ vũ bóng đá

Những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin, bình luận về việc một số cổ động viên quá khích của CLB Xi măng Hải Phòng gây rối trên sân Hàng Đẫy và dùng những lời lẽ khiêu khích nhằm vào CĐV đội khác.

Sự việc này gây lo lắng cho Ban tổ chức các sân sẽ tiếp đón Xi măng Hải Phòng và làm cho những cổ động viên chân chính của đội bóng thành phố Cảng phải chịu chung tiếng xấu.

Chỉ trong vòng 1 tuần, 2 lần pháo sáng được đốt trên sân Hàng Đẫy, và phải đến lần thứ 2, trong trận Xi măng Hải Phòng gặp Hòa Phát Hà Nội, với sự cương quyết của lực lượng an ninh, 2 cổ động viên của Xi măng Hải Phòng ném pháo sáng đã bị bắt quả tang ngay tại chỗ.

Có lẽ án tù mà 8 cổ động viên Hải Phòng vừa nhận trước đó mấy ngày vẫn chưa khiến một số cổ động viên quá khích sợ, thậm chí hành vi của các “hooligan” đất Cảng ngày càng manh động hơn.

Trước trận đấu, theo phản ánh của một số người dân sống quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, hàng chục xe máy biển số 16, kẹp 3 và không ai đội mũ bảo hiểm diễu quanh hồ như một sự thách đố.

Những hành vi đó gần như thách thức sự kiên nhẫn của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, và quan trọng hơn, nó làm xấu đi hình ảnh những người hâm mộ bóng đá chân chính của Hải Phòng. Chắc chắn rằng không phải hàng nghìn cổ động viên Hải Phòng đến sân Hàng Đẫy hôm 21/7 đều muốn biến thành hooligan và chắc chắn rằng hàng triệu người dân Hải Phòng cũng không đồng tình với một số con sâu làm rầu nồi canh như vậy.

Chính cựu danh thủ một thời của bóng đá Hải Phòng Bùi Xuân Cơ cũng phải khẳng định điều này. Ông Cơ nói: “Không thể chấp nhận được cách xử sự như thế này. Chính điều này làm cho người Hải Phòng đàng hoàng đi đâu cũng bị thiệt, không chỉ riêng gì bóng đá…”.

Ít có địa phương nào mà sự cuồng nhiệt với bóng đá được như ở Hải Phòng. Để cổ vũ cho CLB tỉnh nhà, Hội CĐV đã được thành lập, để cổ vũ tinh thần cho đội nhà mỗi khi thi đấu ở sân khách, hàng ngàn cổ động viên đất Cảng đã thuê nguyên cả toa tầu, thuê hàng chục chiếc ôtô, thậm chí đèo nhau bằng xe máy đi quãng đường hàng trăm cây số để theo chân đội.

Mỗi người dân Hải Phòng xa xứ đều thấy cảm động khi quay lại sân Lạch Tray chứng kiến biển người mang mầu đỏ rực (mầu áo của CLB Hải Phòng) cổ vũ nhiệt tình cho đội bóng. Người dân Hải Phòng yêu cái đẹp của bóng đá, cùng đến sân để cổ vũ một cách trong sáng, nhiệt tình chứ không muốn đánh đồng với những kẻ thích gây rối.

Ông Bùi Văn Chập, một công nhân về hưu gần 80 tuổi, mỗi khi CLB đi thi đấu vẫn lặn lội đến các sân khách để cổ vũ cho rằng: “Chúng tôi cảm thấy buồn vì bị mang tiếng. Nếu cấm thì rất khó vì chúng tôi đi cổ vũ tự do không theo đoàn đội nào”.

Theo án kỷ luật của VFF và xét theo hoàn cảnh địa phương, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hải Phòng đã giải tán Hội CĐV bóng đá Hải Phòng. Tuy không còn trực tiếp quản lý nhưng lãnh đạo Sở cũng như người dân đều không đồng tình với các hành vi gây rối trật tự của một số CĐV quá khích, ông Ngô Duy Hổ, phó Giám đốc sở VH-TT-DL khẳng định: “Chúng tôi không tán đồng việc đốt pháo, gây rối. Tôi cho rằng các lực lượng an ninh xử lý nghiêm là đúng pháp luật. Lãnh đạo Sở cũng như nhân dân Hải Phòng lên án các trường hợp vừa qua. CLB cũng không chấp nhận điều đó. Chúng tôi đề nghị người dân Hải Phòng cố gắng phát huy truyền thống, xem có văn hóa để hình ảnh Hải Phòng được đẹp hơn”.

Có lẽ, cách duy nhất để các cổ động viên chân chính của Hải Phòng đến sân khách để ủng hộ đội nhà là lặng lẽ ngồi lẫn vào cổ động viên của chủ nhà và âm thầm ăn mừng trong tim. Rõ ràng, điều này đi ngược hoàn toàn với sự cuồng nhiệt, sự say mê với trái bóng tròn của những tín đồ hâm mộ.

Chúng tôi cũng đặt câu hỏi rằng, nếu lực lượng công an của Hải Phòng cùng chung tay giúp đỡ bằng cách cắt cử cán bộ đi cùng các cổ động viên đến sân khách, chắc chắn với nghiệp vụ của mình họ sẽ phát hiện được các cá nhân tiêu biểu gây rối để rồi sau đó phân loại đối tượng và xử lý tại địa phương. Có như thế, cổ động viên Hải Phòng sẽ không còn tiếng xấu mỗi khi đến các sân khách thi đấu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên