Rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ tăng cường quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương?

VOV.VN - Mỹ đang thay đổi chiến lược quân sự toàn cầu, bên cạnh Afghanistan, Mỹ có thể sẽ gia tăng quân sự ở những nơi khác.

Tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố ý định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan vào cuối năm 2016. Trong một tuyên bố từ Nhà Trắng, ông Obama cho biết ông hy vọng sẽ làm giảm số lượng quân Mỹ từ khoảng 32.000 xuống còn 9.800 vào cuối năm nay, và cắt giảm 9.800 binh sỹ còn một nửa vào cuối năm 2015.  

Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: Reuters)

Mỹ đang thay đổi chiến lược quân sự toàn cầu

Hiện quân đội Mỹ ở Afghanistan sẽ chỉ được sử dụng để tập huấn cho quân đội Afghanistan có thể tự mình chống lại các hoạt động khủng bố của lực lượng al-Qaeda trong thời gian tới, ông Obama cho biết. Tổng thống Obama nêu rõ, Mỹ sẽ rút quân khỏi Afghanistan trong bối cảnh chuyển đổi chiến lược quân sự toàn cầu của Washington.

Tờ Asian Times dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Điểm mấu chốt là, đã đến lúc Mỹ bước sang một trang mới sau khi hơn 1 thập kỉ qua, chính sách đối ngoại của Mỹ đã tập trung quá nhiều vào cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Khi tôi nhậm chức, chúng ta đã có gần 180.000 quân ở Afghanistan. Đến cuối năm nay, số quân mà chúng ta giữ lại ở nước này sẽ ít hơn 10.000 người”. 

Ông Obama cho rằng đã đến lúc Afghanistan tự lo cho số phận của mình. “Tôi nhận ra là Afghanistan, như mọi nơi khác, sẽ không phải là một đất nước hoàn hảo. Tuy nhiên, chuyện đó không phải là trách nhiệm của Mỹ”, ông nói.

Tuy nhiên vị Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh, Washington sẽ không rời khỏi Afghanistan cho đến khi hoàn thành tất cả các mục tiêu được đề ra dưới thời George W Bush vào tháng 10/2001, một vài tuần sau ngày lịch sử 11/9 - ngày mà lực lượng khủng bố al- Qaeda đưa quân tấn công tòa Tháp đôi New York và Lầu Năm Góc.

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kế hoạch rút quân của Mỹ

Đảng Cộng Hòa nhìn hành động này của ông Obama bằng con mắt nghi ngờ và e ngại. Họ chỉ trích đây có thể là hành động sai lầm, bởi sau khi rút quân, các tổ chức khủng bố tại đây sẽ lại trỗi dậy, cũng giống như sự bạo lực đã quay trở lại với Iraq chỉ sau khi lính Mỹ quay gót không bao lâu.

Hai Thượng nghị sỹ hàng đầu của đảng Cộng hòa tại Thượng viện là John McCain và Lindsey Graham ra thông cáo báo chí chung cho rằng quyết định của Tổng thống Obama ấn định thời gian cụ thể cho việc rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Afghanistan là sai lầm, coi trọng yếu tố chính trị năm tổng tuyển cử 2016 hơn là các góc độ chiến lược và quân sự.  

Mỹ sẽ rút hết quân vào năm 2016 (Ảnh: AP)

Gary Schmitt, một nhà phân tích an ninh quốc gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ đã viết trong blog của mình: “Bỏ qua thực tế chúng ta cần duy trì 10.000 quân là số lượng thấp nhất được ước tính để duy trì huấn luyện chống khủng bố ở Afghanistan, quyết định giảm một nửa số quân và sau đó rút hết toàn bộ quân vào năm 2016 là lời tuyên bố có thể khiến người khác hoài nghi về sự nghiêm túc của Mỹ trong những vấn đề quan trọng”.

Tướng David Barno, một cố vấn quân sự của Mỹ nói: “Công bố công khai kế hoạch nhanh chóng rút quân trong thời điểm hiện tại sẽ gieo nghi ngờ về việc ủng hộ Afghanistan của Mỹ".

Tuy nhiên giới chức NATO lại bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định rút quân của Tổng thống Obama. Những vị quan chức này cho rằng  rằng quân đội và cảnh sát của Afghanistan đã đủ mạnh để đối mặt với bất kỳ thách thức nào của Taliban. 

Giới chức NATO nhấn mạnh, việc đào tạo cho các lực lượng Afghanistan kết hợp ngăn chặn tổ chức khủng bố al-Qaeda tái thiết lập vẫn sẽ là 2 trọng tâm chính của quân đội Mỹ và NATO trước khi chuyển giao toàn bộ trách nhiệm cho các lực lượng Afghanistan vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, ngày 29/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng tán thành kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Theo ông Kerry, Afghanistan đã có cuộc bầu cử thành công và chính họ đã lên các kế hoạch an ninh và thực hiện chúng. Điều này đã cho thấy khả năng của Afghanistan trong việc đảm bảo an ninh quốc gia. Chính vì vậy, Mỹ cũng không cần phải quá chú tâm vào Afghanistan nữa.

Rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ tăng cường quân sự ở châu Á- Thái Bình Dương? 

Trong bài phát biểu ngày 27/5, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Ngoài việc đưa binh sỹ của chúng ta về nhà, chính sách đối ngoại mới của Mỹ sẽ linh hoạt cho phép chúng ta vừa giữ một số lượng quân đội nhất định để đối phó với chủ nghĩa khủng bố, vừa có thể tập hợp quân lính lúc cần thiết cho những mối ưu tiên khác trên toàn cầu”.

“Những mối ưu tiên khác” của Mỹ hiện tại là gì? Phải chăng Tổng thống Mỹ đang nhắc tới bất ổn chính trị của Ukraine với sự liên quan của Nga và những động thái mới của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở vùng Biển Đông trong thời gian gần đây?

Ngay sau khi công bố kế hoạch rút quân, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu quan trọng về định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới, nhân lễ tốt nghiệp năm 2014 của các học viên Học viện Quân sự West Point. 

Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama nhận định, nếu không kiềm chế các hành động gây hấn tại Biển Đông hoặc tại những khu vực khác, sẽ ảnh hưởng tới các đồng minh của Washington và có thể kéo quân đội Mỹ vào cuộc.

Còn nhớ, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Nhật Bản vào tháng trước, ông Obama tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với chính sách tái cân bằng toàn diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tổng thống Obama cho hay, Mỹ sẽ can dự vào an ninh của Nhật Bản căn cứ theo Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ để bảo vệ tất cả lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản bao gồm cả quần đảo Senkaku.  

Tổng thống Mỹ (trái) và Thủ tướng Nhật (Ảnh: Getty)

Ngày 30/5, trả lời các phóng viên trước khi lên đường tới Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel một lần nữa nhắc lại, các cam kết của Mỹ với châu Á hiện đang “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”. Bất chấp những mối đe dọa khác thì không gì có thể cản trở Mỹ tăng cường sức mạnh ở châu Á.

Qua những động thái trên, có thể cho thấy Mỹ ngày càng quan tâm tới hành vi gây hấn và khiêu khích của Trung Quốc trên biển. Trung Quốc đang vi phạm với những gì nước này đã cam kết trước đó là “trỗi dậy trong hòa bình”.

Nếu như Trung Quốc vẫn ngang nhiên thực hiện yêu sách đường lưỡi bò, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, lợi ích của đồng minh Mỹ và của nước Mỹ nhất định sẽ bị ảnh hưởng. Đấy còn chưa kể ngôi vị số 1 của Mỹ sẽ bị lung lay.

Những bước đi của Trung Quốc được nhiều chuyên gia nhận định là rất khó dự đoán bởi nước này không theo một cách hành xử thông thường (common sense) nào. Bởi vậy, ngay lúc này Mỹ cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa để kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Nhưng Mỹ sẽ thực hiện lời hứa của mình đối an ninh vùng châu Á- Thái Bình Dương đến đâu, liệu Mỹ có làm tròn trách nhiệm vai trò của một nước lớn trên thế giới, có lẽ chúng ta vẫn sẽ phải chờ đợi câu trả lời ở tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên