Chuyến thăm Triều Tiên của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter

Chuyến thăm được gắn với sứ mệnh nhân đạo là đàm phán nhằm trả tự do cho Aijalon Mahli Gomes, 1 công dân Mỹ bị CHDCND Triều Tiên kết án lao động khổ sai 8 năm.

Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vừa có chuyến thăm CHDCND Triều Tiên nhằm đưa về nước một công dân Mỹ bị giam giữ ở Triều Tiên vì tội nhập cảnh trái phép.

Đây là động thái ngoại giao không mới trong quan hệ hai nước, vì mục đích chuyến đi này cũng không khác là mấy so với chuyến đi của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Bình Nhưỡng để đưa 2 nhà báo Mỹ về nước hồi tháng 8/2009. Tuy nhiên, điều này lại có ý nghĩa đặc biệt khi nó diễn ra vào thời điểm tình hình bán đảo Triều Tiên đang rất “nóng”.

Chuyến thăm Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter được gắn với sứ mệnh nhân đạo là đàm phán nhằm trả tự do cho Aijalon Mahli Gomes, 1 công dân Mỹ bị CHDCND Triều Tiên kết án lao động khổ sai 8 năm.

Là một giáo viên tiếng Anh tại Seoul, Hàn Quốc, hồi tháng 1/2010, ông Gomes đã vượt biên giới vào CHDCND Triều Tiên và bị cáo buộc có hành động thù địch đối với Bình Nhưỡng.

Cựu Tổng thống Mỹ Carter khẳng định chuyến đi của ông hoàn toàn mang tư cách cá nhân và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh chuyến đi không thể hiện chính sách của Nhà Trắng. Tuy nhiên, dư luận đều hiểu rằng, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng nghiêm trọng sau vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, chuyến đi của nhà cựu lãnh đạo Mỹ có nhiều ý nghĩa đằng sau mục đích bề nổi là giải cứu tù nhân.

Trên thực tế, sự hiện diện của cựu Tổng thống Mỹ Carter tại CHDCND Triều Tiên đã là một thắng lợi đối với cả hai bên. Về phía Washington, họ đã đạt được mục đích tìm lại tự do cho công dân bị bắt giữ mà không phải “nhún mình” khi cựu Tổng thống Mỹ Carter không mang theo thông điệp nào của quan chức Mỹ tới Bình Nhưỡng. Còn đối với Bình Nhưỡng, việc cựu Tổng thống Mỹ Carter đích thân tới Triều Tiên để đón công dân Mỹ bị bắt giữ được xem như một thành công ngoại giao.

CHDCND Triều Tiên đã chứng tỏ được cân nặng trong lời nói của mình bởi dù không thừa nhận là sứ giả cho chính phủ Mỹ, nhà cựu lãnh đạo đã 85 tuổi này vẫn là một người có uy tín lớn trên chính trường Mỹ, đặc biệt là đối với Đảng Dân chủ cầm quyền - nơi ông là một thành viên. Vì thế, tiếng là đàm phán, song sự hiện diện của cựu Tổng thống Carter đổi lấy tự do cho công dân Mỹ là thoả thuận từ trước chuyến đi và ông không thể thất bại trong sứ mệnh nhân đạo này.

Vụ thương lượng thành công của cựu Tổng thống Mỹ Carter được hy vọng sẽ làm dịu lại mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Triều, đồng thời hạ nhiệt sức nóng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong quá khứ, ông Carter đã nhiều lần đàm phán với CHDCND Triều Tiên. Cụ thể là trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng năm 1994, ông Carter đã thuyết phục thành công CHDCND Triều Tiên tham gia đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này. Vì vậy, chẳng có lý do gì mà nhà cựu lãnh đạo Mỹ không nhân cơ hội có mặt tại Bình Nhưỡng để tạo thêm “cú hích” cho tiến trình đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã lâm vào bế tắc từ năm 2008. Đặc biệt, những ngày trở lại đây, cùng với nỗ lực ngoại giao con thoi của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên đã nhất trí sẽ sớm nối lại đàm phán không chính thức theo cơ chế 6 bên. Cử chỉ thiện chí giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên sau chuyến thăm của cựu Tổng thống Jimmy Carter sẽ tiếp sức thêm cho quan điểm tiến bộ này.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, đây vẫn là bước đi nhỏ trên một con đường chưa trông thấy đích. Các bên còn phải cố gắng nhiều nữa mới hy vọng cải thiện được mối quan hệ có quá nhiều hiềm khích hiện nay. Sau vụ chìm tàu Cheonan gây tranh cãi, Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại khu vực biển giáp với CHDCND Triều Tiên, thậm chí không giấu giếm mục đích nhằm vào Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, những lời kêu gọi của Bình Nhưỡng về việc Mỹ rút vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc và thay thế Hiệp định đình chiến liên Triều bằng một Hiệp ước hoà bình cũng chưa nhận được tín hiệu trả lời.

Trong một tuyên bố hồi tháng 3/2010, ông Carter có lý khi cho rằng, CHDCND Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân trừ khi Mỹ và Hàn Quốc làm cho CHDCND Triều Tiên tin rằng, Washington và Seoul không có ý định thù địch nào đối với Bình Nhưỡng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên