Thế giới 24h:

Hy Lạp dùng kế hoạch thoát hiểm mới; hé lộ đội “quyết tử” của IS

VOV.VN - Quốc hội Hy Lạp đã thông qua kế hoạch cải cách của nước này, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đe dọa an ninh Mỹ, IS tàn sát không ghê tay...

1. BRICS triển khai những sáng kiến lớn nhất từ trước đến nay

Lãnh đạo BRICS nhóm họp tại thành phố Ufa của Nga (Ảnh Reuters)

Hội nghị BRICS đã triển khai những sáng kiến lớn nhất từ trước tới nay như xây dựng một ngân hàng phát triển và nguồn quỹ ngoại tệ chung của khối.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 7 tổ chức tại thành phố Ufa đã kêu gọi các nước trong khối gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi tăng cường thương mại.

Ông Putin nhấn mạnh, thế mạnh của sự hợp tác trong BRICS sẽ giúp các nước tăng cường sử dụng hiệu quả hơn những nguồn lực, cũng như trữ lượng tài nguyên của mình.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đưa ra quan điểm tương tự, khẳng định BRICS cần xây dựng quan hệ đối tác “tuyệt vời” trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Hiện BRICS đang chiếm 28% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, 1/5 sản lượng sản xuất của nền kinh tế thế giới và 40% dân số trên toàn cầu.

Trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, các định chế tài chính đầu tiên của BRICS là Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ dự trữ ngoại tệ đã được thành lập với tổng trị giá 200 tỷ USD. Trong đó, Ngân hàng Phát triển của BRICS sẽ bắt đầu cấp vốn cho các dự án quy mô lớn từ năm sau.

2. Lệnh ngừng bắn ở Yemen bị phá vỡ sau vài giờ hiệu lực

Một phi cơ của không quân Saudi Arabia (ảnh: afriyadn.com)

Ngày 11/7 giới chức cho biết, chỉ vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, liên quân do Saudi Arabia chỉ huy đã tiếp tục không kích Taiz, Yemen.

Các cuộc tấn công nói trên diễn ra sau khi giao tranh trên bộ giữa phiến quân Houthi với phe đối lập tại thành phố này nổ ra dữ dội. Cả hai phe ngay sau đó đổ lỗi lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. 

Lực lượng Houthi cáo buộc các tay súng đối lập cố đẩy họ khỏi các vị trí đang chiếm giữ trong khi phe kia cho rằng phiến quân Houthi lợi dụng ngừng bắn mở rộng đánh chiếm.

Tuy nhiên, giới chức Yemen cũng cho biết, lệnh ngừng bắn hiện vẫn được duy trì tại thủ đô Sanaa và các thành phố lớn khác.

3.  Hố khổng lồ bí ẩn ở Siberia, Nga ngập đầy nước

Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích nguồn gốc của hố khổng lồ - từ những giả thuyết liên quan đến UFO hay người ngoài hành tình đến những giả thuyết về sự biến đổi khí hậu. (ảnh: правительство.янао.рф)

Hố khổng lồ bí ẩn được cư dân bán đảo Yamal, vùng Siberia phát hiện vào năm ngoái nay đã trở thành một hồ nước lớn.

4. Quốc hội Hy Lạp bật đèn xanh cho kế hoạch “thoát hiểm” mới

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras trình bày kế hoạch cải tổ trước Quốc hội ngày 10/7. Ảnh: Bloomberg

Rạng sáng 11/7 (giờ Việt Nam), Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch cải cách kinh tế mới của chính phủ nước này.

Kế hoạch cải cách của chính phủ Thủ tướng Alexis Tsipras đã được thông qua với số phiếu ủng hộ rộng rãi, 251 phiếu trên tổng số 300 ghế tại Quốc hội. 

Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc chính phủ của ông Tsipras có thể tiếp tục cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong ngày 11/7 với các chủ nợ quốc tế (gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế)  trên cơ sở đề xuất gửi tới những thể chế này hôm  9/7 vừa qua. 

Phát biểu trước Quốc hội sau phiên bỏ phiếu, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras hoan nghênh các nghị sĩ đã đưa ra một “lựa chọn trách nhiệm cao”, cho thấy sự tin tưởng đối với những cố gắng của chính phủ trong suốt 5 tháng qua.

Tuy nhiên cuộc bỏ phiếu ngày 10/7 cũng mở ra những thách thức chính trị không hề nhỏ đối với chính phủ của Thủ tướng Tsipras khi có tới 10 nghị sĩ của đảng cánh tả Syriza bỏ phiếu trắng hoặc chống lại kế hoạch này./.

5.  Trung Quốc “căng mình” chờ siêu bão Chan-Hom

Những đợt sóng lớn ập vào cảng biển ở Chiết Giang ngày 10/7 (ảnh: AP)

Trước khi siêu bão Chan-Hom ập đến, bầu trời xám xịt, mưa gió càng lúc càng mạnh và từng đợt sóng dâng cao ở các khu vực ven biển Trung Quốc.

6. Sốc với đội quân cuồng tín, tàn sát không ghê tay của IS

Vũ khí của IS ở Syria (ảnh: AP)

Đội quân cuồng tín này gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp các thành phố ở biên giới Syria và Iraq, sẵn sàng liều chết để gây thương vong cho đối phương.

Theo AP, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng gọi lực lượng này là “Inghemasiyoun” (những kẻ liều chết) hay còn gọi là đội quân ra đi không bao giờ trở lại. Chúng trưng dụng những tay súng hiếu chiến, “tẩy não” quá khứ để một mực trung thành và đặc biệt tuân theo kỷ luật của tổ chức khủng bố.

Như vậy là song song với phát triển lực lượng chiến binh phổ thông, IS đang đào tạo riêng một đội quân tinh nhuệ không sợ chết. Những kẻ này luôn buộc quanh người thuốc nổ, khi lâm trận chiến đấu đến cùng và nếu thua sẽ ôm đối phương cùng chết.

Ông Redur Khalil, người phát ngôn của Đơn vị Bảo vệ Người Kurd do Mỹ hậu thuẫn nói với AP: “Những kẻ liều chết là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn trên chiến trường để tạo cơ hội cho các lực lượng khủng bố khác tấn công từ nhiều phía, nhằm gây thương vong cho đối phương”.

7. Trung Quốc đe dọa an ninh Nhật Bản bằng việc hạ đặt giàn khoan

Nhật Bản đã bày tỏ sự lo ngại đối với việc gần đây Trung Quốc lắp đặt giàn khoan gần khu vực tiếp giáp giữa vùng lãnh hải của Trung Quốc và Nhật Bản (Nhật Bản gọi là Biển phía Đông), đồng thời gia tăng cảnh báo đối với Trung Quốc.

Theo báo Mainichi và Keizai của Nhật Bản, giàn khoan của Trung Quốc được lắp đặt với mục đích thăm dò, thu thập và xử lý dữ liệu về trữ lượng dầu dưới biển và có khả năng sử dụng cả máy bay trực thăng và hệ thống radar với quy mô lớn. 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong buổi họp với Ủy ban đặc biệt về Luật an ninh của Hạ viện ngày 10/7, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc tới hành động này của Trung Quốc và cho rằng “làm biến đổi lớn đối với môi trường an ninh”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng bày tỏ sự lo ngại khả năng Trung Quốc sẽ quân sự hóa khu vực giàn khoan và cho đây là hành động đe dọa mới đối với an ninh của Nhật Bản.

Ông Nakatani cũng cho biết thêm khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng radar tại khu vực giàn khoan, do đó Nhật Bản ngoài việc tăng cường giám sát các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực này, đồng thời có khả năng sẽ phái cử lực lượng quân đội nhằm bảo vệ an ninh quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên