Hội nghị Thượng đỉnh EU: Khó thành công như mong đợi

(VOV) -Lãnh đạo châu Âu đang nghi ngại về nguy cơ Hội nghị tiếp tục thất bại.

“Các cuộc thảo luận sẽ khó khăn và chưa hội đủ các điều kiện cần thiết vào lúc này”. Đó là tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng như nhiều lãnh đạo châu Âu trước Hội nghị Thượng đỉnh bàn về vấn đề ngân sách của khối trong các ngày 7-8/2/2013.

Hội nghị Thượng đỉnh đầu năm mới 2013 được Liên minh châu Âu dành thảo luận vấn đề nóng nhất của khối hiện nay là vấn đề ngân sách cho giai đoạn 2014-2020.

Cụ thể Hội nghị lần này sẽ xem xét đề xuất cuối cùng của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đưa ra hồi tháng 11 vừa rồi, đề xuất dành 973 tỷ euro cho giai đoạn 2014-2020, tương đương với 1,01% Tổng sản phẩm quốc nội của toàn liên minh.

Tổng thống Pháp Francois Hollande

Đề xuất này đã rút bớt tới hơn 77 tỷ euro so với đề xuất trước đó của Ủy ban Châu Âu. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên, đi đầu là Anh, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển vẫn cho rằng ngân sách đó là quá cao và đe dọa sẽ phủ quyết.

Ngoài ra, các khoản chi tiết trong ngân sách cũng đang gây nhiều tranh cãi. Ví dụ nước Pháp thì bảo vệ phần dành cho trợ cấp nông nghiệp, các nước Đông Âu thì bảo vệ phần dành hỗ trợ cho các thành viên nghèo trong liên minh…

Hiểu đơn giản là các nước, tùy lợi ích của mình, đang cố gắng bảo vệ “phần bánh” của họ trong “chiếc bánh chung ngân sách” của liên minh.

Việc thảo luận vấn đề ngân sách trong Hội nghị Thượng đỉnh đầu năm mới 2013 cho thấy Liên minh châu Âu đặt ưu tiên sớm giải quyết cho xong câu chuyện đau đầu này. Tuy nhiên, nhìn vào bầu không khí căng thẳng hiện nay, ít ai dám kỳ vọng hội nghị sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó.

Báo chí các nước đều giật tít về một hội nghị khó khăn và thậm chí là đứng trước nguy cơ tiếp tục thất bại.

Phó Thủ tướng Irland Eamon Gilmore – nước chủ trì các cuộc họp bộ trưởng của Liên minh Châu Âu từ ngày 1/1/2013 - hôm thứ hai vừa rồi đã khẳng định “Liên minh châu Âu cần đạt được một thỏa thuận để tái thiết lập “lòng tin” trong nội khối”, nhưng hiện có nhiều khó khăn và thách thức đặt ra mà “không thể coi nhẹ”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng cảnh báo các cuộc thương lượng “sẽ rất khó khăn, bởi các điều kiện cần thiết chưa đạt được vào lúc này.”

Để đáp ứng nguyện vọng của một số nước như: Anh, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển đòi giảm ngân sách, Hội đồng Châu Âu đã cắt giảm so với đề xuất ban đầu của Ủy ban Châu Âu. Nhưng Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz đã tuyên bố nếu Hội đồng càng đẩy con số khác biệt nhiều so với Ủy ban Châu Âu, thì Nghị viện Châu Âu có thể sẽ không thông qua.

Chúng ta thấy có một lòng luẩn quẩn về thủ tục cũng như cơ cấu có thể làm cho vấn đề ngân sách chung của Châu Âu lâm vào bế tắc.

Các nhà lãnh đạo Châu Âu đã ráo riết có những cuộc gặp trước Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Tích cực nhất vẫn là Tổng thống Pháp, người vừa có những tuyên bố cứng rắn tại Nghị viện Châu Âu, rằng nước Anh là cản trở lớn nhất của hội nghị lần này và hội nghị không thể là con tin của Thủ tướng David Cameron; hay tuyên bố việc cắt giảm thêm nữa ngân sách chung sẽ rất nguy hiểm. Tiếp đó, trong tuần vừa rồi, Tổng thống Pháp đã hội đàm với tân Thủ tướng Italy Mario Monti; rồi Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel cũng đã gặp Thủ tướng Italy, gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, rồi các nhà lãnh đạo Châu Âu như: Chủ tịch Hội đồng EU, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu và Thủ tướng Irland Enda Kenny - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Châu Âu cũng đã có cuộc gặp để tìm giải pháp cho vấn đề.

Nhưng tựu chung các nỗ lực ngoại giao con thoi cho đến giờ phút này chưa mang lại điều gì, ngoài những cái lắc đầu và nghi ngại về nguy cơ hội nghị tiếp tục thất bại.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức chưa đạt được thỏa thuận riêng giữa hai nền kinh tế trụ cột trong liên minh, và do đó, tại hội nghị, hai nước chưa có được một quan điểm đồng nhất – yếu tố mang tính quyết định đến thắng lợi của nhiều hội nghị thượng đỉnh của khối này.

Nếu như thất bại lần này thì Liên minh Châu Âu chắc chắn sẽ sớm thu xếp một hội  nghị tiếp theo và trong thời gian cho tới hội nghị đó, các nỗ lực ngoại giao con thoi chắc chắn sẽ tiếp tục được thúc đẩy ráo riết hơn.

Bây giờ dù không còn sớm nhưng cũng mới là đầu năm 2013 và vẫn còn thời gian để các nước thành viên cố gắng để có được một thỏa thuận vào khoảng nửa cuối của năm nay. Còn nếu trong trường hợp cuối cùng là không thể đạt được một thỏa thuận ngân sách chung cho giai đoạn 2014-2020, thì Liên minh Châu Âu sẽ vận hành theo nguyên tắc ngân sách hàng năm như mọi khi, tức là tính toán ngân sách năm tiếp theo dựa trên ngân sách của năm trước nhân với tỷ lệ lạm phát.

Nhưng việc không đạt được thỏa thuận về ngân sách dài hạn có những tác động tiêu cực lớn đến toàn khối, mà trước hết nó phản ánh tình trạng thiếu lòng tin và yếu kém về đoàn kết nội bộ khối; thêm vào đó các tính toán về dài hạn sẽ không được rót ngân sách triển khai.

Chủ tịch Liên minh Châu Âu hôm thứ 3 vừa qua đã cảnh báo các nước thành viên không chỉ nên nghĩ đến lợi ích riêng của từng nước mà phải tính đến bức tranh chung lớn hơn của toàn khối, đó là dành ngân sách để giải quyết những vấn đề thất nghiệp, nhất là thất nghiệp trong giới trẻ, vấn đề đảm bảo tăng trưởng và việc làm cho cả khối trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

EU đau đầu vì ngân sách chung
EU đau đầu vì ngân sách chung

(VOV) - Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối, mâu thuẫn của các quốc gia về vấn đề này chưa có dấu hiệu lắng dịu.

EU đau đầu vì ngân sách chung

EU đau đầu vì ngân sách chung

(VOV) - Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối, mâu thuẫn của các quốc gia về vấn đề này chưa có dấu hiệu lắng dịu.