Nhìn lại cuộc chiến tranh Triều Tiên khốc liệt

(VOV) - Cuộc chiến 60 năm trước diễn ra chỉ trong 3 năm nhưng gây ra thương vong lớn, với sự tham chiến của rất nhiều nước.

Ngày 1/1/2013, nhà lãnh đạo Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên lên truyền hình đọc thông điệp đầu năm đầu tiên, trong đó khẳng định năm 2013 sẽ là năm của “những sáng tạo và thay đổi vĩ đại để tạo ra 1 bước tiến căn bản”, đồng thời đề cập đến việc “chấm dứt tình trạng chia cắt và tiến tới thống nhất đất nước”.

Đến ngày 12/2/2013, Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3 của nước này và vấp phải sự phản đối trong cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 7/3 đã thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên do hoạt động thử hạt nhân nói trên. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên lập tức sôi lên. Hai miền Triều Tiên tiến hành tập trận quy mô lớn. Phía Hàn Quốc tham gia diễn tập cùng quân đội Mỹ. CHDCND Triều Tiên thì liên tục đưa ra những lời răn đe cứng rắn đối với cả Mỹ và Hàn Quốc.

Tình trạng căng thẳng “bên miệng hố chiến tranh” này khiến chúng ta liên tưởng đến cuộc Chiến tranh Triều Tiên ác liệt đã kết thúc đúng 60 năm về trước. Liệu đây có phải là “sự thay đổi căn bản” của năm 2013 trên bán đảo Triều Tiên?

Trong quá khứ, bán đảo Triều Tiên đặt dưới ách đô hộ của đế quốc Nhật, từ năm 1910 đến 1945. Khi Thế chiến thứ 2 kết thúc và nước Nhật đầu hàng quân đội đồng minh, Liên Xô và Mỹ đã tiến vào bán đảo Triều Tiên để giải giáp quân đội Nhật. Theo thỏa thuận của Hội nghị Moscow 1945, hai cường quốc này sẽ thực hiện chế độ quân quản trên bán đảo Triều Tiên với thời gian ủy trị 5 năm, Liên Xô ở miền Bắc, còn Mỹ ở miền Nam, sau thời hạn 5 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước Triều Tiên. Đất nước Triều Tiên tạm thời bị chia cắt dọc theo vĩ tuyến 38.

Khi đó ở 2 miền Triều Tiên quần chúng đã tự hình thành các “ủy ban nhân dân” nhằm chuẩn bị tiếp quản nước Triều Tiên sau khi được giải phóng. Từng quằn quại dưới sự cai trị hà khắc của đế quốc Nhật nên nhân dân Triều Tiên đều rất khát khao độc lập. Ở miền Bắc, các “ủy ban nhân dân” nói trên có thái độ thân thiện với lực lượng quân quản Liên Xô. Tuy nhiên, tình hình ở miền Nam thì lại khác. Chế độ quân quản của Mỹ nhận thấy các yếu tố cánh tả trong các “ủy ban nhân dân” do quần chúng lập nên, và đã ra sắc lệnh giải tán các tổ chức này. Thay vào đó, Mỹ đã chủ động xây dựng ở đây 1 chính quyền lâm thời do Lý Thừa Vãn đứng đầu. Quần chúng lập tức tiến hành biểu tình hoặc vũ trang nổi dậy chống lại chế độ quân quản của Mỹ và chính quyền lâm thời Lý Thừa Vãn. Lực lượng của Mỹ và của ông Lý Thừa Vãn đã nhanh chóng trấn áp các cuộc biểu tình và nổi dậy này.

Lý Thừa Vãn và nhóm của ông này cho rằng, 35 năm cai trị của Nhật Bản là đủ lắm rồi và không muốn có thêm một thời kỳ chiếm đóng nào nữa của nước ngoài. Do đó họ phản đối chính chế độ ủy trị do Mỹ thực hiện. Kết quả là Mỹ nhất trí rút ngắn thời hạn ủy trị và tiến hành tổng tuyển cử ở miền Nam Triều Tiên vào năm 1948. Liên Xô đã phản đối và tẩy chay cuộc bầu cử này, cho rằng Mỹ phải tôn trọng thỏa thuận tại Hội nghị Moscow 1945.

Bất chấp sự tẩy chay của lực lượng cánh tả địa phương, cuộc bầu cử quốc hội đã diễn ra ở Nam Triều Tiên vào tháng 5/1948. Quốc hội này bầu ra Tổng thống vào tháng 7/1948 (Lý Thừa Vãn đắc cử vào vị trí này). Đến tháng 8/1948 thì Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) chính thức ra đời. Trước diễn biến trên, miền Bắc Triều Tiên đã đáp lại bằng 1 cuộc bầu cử quốc hội, và vào tháng 9/1948, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thành lập, do lãnh tụ Kim Nhật Thành đứng đầu (CHDCND Triều Tiên tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội của nước này không chỉ diễn ra công khai ở miền Bắc mà còn được tiến hành bí mật ở cả miền Nam). Trong năm 1948, các lực lượng Liên Xô rút khỏi Triều Tiên. Sang năm 1949, Mỹ rút quân khỏi bán đảo này.

Cả ông Lý Thừa Vãn và Kim Nhật Thành đều có mong muốn cháy bỏng thống nhất bán đảo Triều Tiên. Các xung đột vũ trang nhỏ lẻ đã diễn ra dọc giới tuyến quân sự giữa quân đội 2 miền.

Ngày 25/6/1950, Quân đội Nhân dân Triều Tiên (tức quân đội của CHDCND Triều Tiên) vượt vĩ tuyến 38 tiến đánh Hàn Quốc. Với hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, và lực lượng đông hơn, quân đội Triều Tiên đã nhanh chóng đột kích, chiếm gọn thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ sau vài ngày khai chiến. Đến ngày 10/9/1950, quân đội Triều Tiên đã gần như tràn ngập toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và dồn quân đội Hàn Quốc cùng với 1 lực lượng nhỏ của Mỹ về khu vực Busan nằm ở cực nam bán đảo Triều Tiên.

Trước tình hình Hàn Quốc nguy ngập, Mỹ đã can thiệp một cách quyết tâm. Một mặt, Mỹ muốn bảo vệ đồng minh của mình tại đây. Mặt khác Mỹ lo phong trào XHCN sẽ lan rộng sang các nước khác, đặc biệt là nước Nhật gần đó mà Mỹ muốn sử dụng làm đối trọng với Liên Xô trong chiến lược toàn cầu của mình.

Ngày 25/6/1950, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 82 lên án CHDCND Triều Tiên xâm lược Hàn Quốc và kêu gọi Triều Tiên rút quân ngay lập tức. (Liên Xô lúc đấy đã không thể phủ quyết nghị quyết này do Liên Xô tẩy chay Hội đồng Bảo an từ đầu năm 1950 để phản đối việc Đài Loan chứ không phải Trung Quốc được giữ ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an). Tiếp đó, Hội đồng này vào ngày 27/6/1950 ra tiếp nghị quyết 83, cho phép hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ quân sự) cho Hàn Quốc đẩy lui quân Triều Tiên. Sang đầu tháng 7/1950, Nghị quyết 84 của Hội đồng Bảo an được ban ra, khuyến nghị tập hợp các lực lượng và nguồn lực trợ giúp dưới 1 bộ chỉ huy thống nhất do Hoa Kỳ lãnh đạo. Kết quả, dưới danh nghĩa Liên Hợp Quốc, Mỹ đã lôi kéo được 21 nước khác tham gia cùng mình tại chiến trường Triều Tiên. Trong tổng số 22 nước này, ngoài Mỹ và Hàn Quốc thì có tới 15 nước thành viên Liên Hợp Quốc gửi quân sang trực tiếp chiến đấu tại Triều Tiên, số còn lại cung cấp trợ giúp nhân đạo. Tuy nhiên quân số của Mỹ và Hàn Quốc vẫn là chủ đạo.

Sự tham chiến của lực lượng Liên Hợp Quốc đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Quân Liên Hợp Quốc do Mỹ chỉ huy đã phản công đẩy lui quân đội Triều Tiên về phía Bắc vĩ tuyến 38 và gây thiệt hại nặng cho lực lượng quân sự Triều Tiên. Trước thắng lợi này, phía Hàn Quốc lại mơ về khả năng thống nhất toàn bán đảo Triều Tiên và đã cùng với quân đội Mỹ vượt vĩ tuyến 38 tiến đánh CHDCND Triều Tiên. Quân Liên Hợp Quốc sau đó đã chiếm được thủ đô Bình Nhưỡng và đẩy quân đội của ông Kim Nhật Thành về sát sông Áp Lục, ranh giới tự nhiên giữa Triều Tiên và Trung Quốc.

Trước thực tế đó, Trung Quốc dù mới thành lập nước vào năm 1949, đã quyết định tung hàng trăm ngàn “chí nguyện quân” (lực lượng quân tình nguyện- PV) sang Triều Tiên để thực hiện “kháng Mỹ viện Triều” – đây là điều khá bất ngờ đối với Mỹ. Sử dụng một số chiến thuật hợp lý và có lợi thế quân đông, Trung Quốc đã giúp Triều Tiên đẩy lùi quân Liên Hợp Quốc về vĩ tuyến 38. Thừa thắng, liên quân Trung-Triều đã vượt vĩ tuyến 38, tái chiếm Seoul.

Có thể nói, Chiến tranh Triều Tiên là 1 cuộc chiến diễn ra với tốc độ nhanh, với quyền kiểm soát lãnh thổ thay đổi liên tục giữa đôi bên (riêng Seoul đã đổi chủ tới 4 lần).

Đến đây, quân Liên Hợp Quốc thay đổi một số chiến thuật, tăng cường thêm vũ khí mạnh, và nỗ lực cao để đẩy quân đội Triều Tiên và Trung Quốc trở lại vĩ tuyến 38. Chiến sự sau đó giằng co quanh khu vực giới tuyến quân sự, và Hiệp định đình chiến (chứ không phải hòa ước) đã được ký kết giữa các bên vào ngày 27/7/1953. Riêng Lý Thừa Vãn - Tổng thống Hàn Quốc khi ấy - đã khước từ ký vào Hiệp định này.

Chiến tranh Triều Tiên còn có 1 đặc điểm đáng lưu ý là đã suýt dẫn tới khả năng đụng độ lớn bằng vũ khí hạt nhân. Khi phía Mỹ bị thương vong lớn, bị đẩy lùi hoặc không đạt được mục tiêu tái chiếm trong trận chiến này, cả tướng lĩnh và Tổng thống Mỹ đã nhiều lần tính đến phương án sử dụng bom hạt nhân (cấp chiến thuật) để giáng trả quân đội Triều Tiên và Trung Quốc. Nhưng cuối cùng Mỹ đã kiềm chế không sử dụng vũ khí hạt nhân do lo ngại xảy ra chiến tranh tổng lực với Trung Quốc và chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, cũng như lo sợ áp lực của quốc tế.

Ở Mỹ và một số nước phương Tây, Chiến tranh Triều Tiên được nhắc đến với cái tên “Cuộc chiến tranh bị lãng quên” do nó xảy ra ngay sau Thế chiến thứ 2 và trước Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là một cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu khi có một lực lượng lớn quân sự tham chiến với quyết tâm rất cao.

Dưới đây là những bức ảnh lịch sử về Chiến tranh Triều Tiên. Hy vọng cuộc chiến này sẽ không bị lãng quên, còn cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực hết sức vì một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực:

Bức ảnh được chụp bởi đội không thám trong giai đoạn quân đội Hàn Quốc rút lui hồi đầu Chiến tranh. Địa hình chiến trường Triều Tiên có đặc điểm nhiều đồi núi (ảnh: AP)

Pháo đội 155m Long Tom bắn về phía bắc Seoul vào tháng 5/1951 khi quân Liên Hợp Quốc tiến lên sau lưng quân Trung Quốc đang rút lui (ảnh: Lục quân Hoa Kỳ)

Lính sư đoàn 25 Mỹ quan sát pháo binh bắn cấp tập về vị trí quân Trung Quốc đóng ở miền Trung bán đảo Triều Tiên vào tháng 3/1951 (ảnh: Lục quân Hoa Kỳ)

Hiệp đồng binh chủng giữa các đơn vị trên không và mặt đất của Thủy quân lục chiến Mỹ trong trận đánh với quân Trung Quốc. Lính thủy đánh bộ Mỹ xốc tới sau khi được yểm trợ bởi máy bay F4U-5, vào ngày 26/12/1950 (ảnh: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ)

Máy bay B-26 Mỹ oanh tạc trung tâm kho vận chính của đối phương ở Wosan, Triều Tiên (ảnh: Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ)

Lính Canada vượt sông Imjin (ảnh: Hội Cựu chiến binh Canada)

Xe tăng sư đoàn 25 dùng súng phun lửa tấn công công sự đối phương ở sườn đồi gần mặt trận sông Hán hôm 30/3/1951 (ảnh: AP)

Xe tăng Triều Tiên (do Liên Xô viện trợ) bị bắn cháy gần tuyến phòng thủ sông Nakdong khi Hàn Quốc phản công, vào ngày 13/8/1950 (ảnh: AP)

Thủy quân lục chiến Mỹ vượt qua các xe tăng T34 của Triều Tiên bị bắn cháy trong trận Vành đai Pusan cuối hè 1950. (ảnh: Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ)

Toàn cảnh thành phố Taejon bị thiêu rụi hôm 30/9/1950 (ảnh: AP)

Phi cơ AD-3 của Hải quân Mỹ vút lên sau khi bổ nhào thả 1 quả bom 2.000 bảng xuống bờ phía Triều Tiên (bên trái) của cây cầu bắc qua sông Áp Lục giữa Triều Tiên và Trung Quốc, vào ngày 15/11/1950 (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Khoảng 50.000 quân của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bờ biển phía đông của Triều Tiên bằng xuồng cao tốc lao qua vịnh Wosan hôm 26/10/1950. Mục đích cuộc đổ bộ đường biển này là hỗ trợ cho lực lượng liên quân Liên Hợp Quốc tiến về vùng biên giới Mãn Châu (ảnh: AP)

Một phi cơ Corsair yểm trợ cho hạm đội chuẩn bị đánh chiếm Incheon vào hôm 15/9/1950 – cuộc đổ bộ đường biển lớn nhất trên thế giới (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Sau khi đánh chiếm thành công Incheon, quân đội Mỹ-Hàn đưa quân và thiết bị lên bờ bằng 4 tàu đổ bộ (ảnh: AP)

Lính dù nhảy xuống khu vực Bắc Triều Tiên từ máy bay vận tải Mỹ C-119 vào cuối năm 1950 (ảnh: AP)

Biệt kích của Thủy quân lục chiến Anh luồn sâu vào hậu cứ đối phương để cài mìn phá hoại đường sắt, nhằm làm giảm mức độ tiếp tế của Trung Quốc cho Triều Tiên (ảnh: AP)

Phát hiện có quân Triều Tiên bên trong hầm này, 1 lính thủy đánh bộ Mỹ ném lựu đạn vào hầm. Một pháo thủ súng máy và một tay súng trường “phục sẵn” bên ngoài (ảnh: AP)

Lính thủy Mỹ nấp dưới chiến hào để tránh những quả đạn cối 82mm của Trung Quốc bắn về phía họ. Đa phần thương vong 2 bên là do đạn cối và hỏa lực pháo binh (ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)

Người lính Mỹ này mếu máo khi bản thân bị thương còn 1 đồng đội thì tử trận vì mìn (ảnh chụp năm 1950 của Tạp chí Life)

Trực thăng Mỹ được dùng để tải thương về khu vực đại đội quân y. Lính hải quân Mỹ đang cầm cáng chờ đưa thương binh xuống và đưa về khu vực bệnh xá và phẫu thuật phía sau (ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ)

Giao tranh ở Seoul năm 1950 (ảnh: Tạp chí Life)

(ảnh: Tạp chí Life)

Xe tăng Mỹ vượt qua vật cản gần Seoul hôm 7/10/1950, tạo cửa mở cho bộ binh sư đoàn 7 tiến lên tiêu diệt các hỏa điểm bắn tỉa (ảnh: AP)

Vỏ đạn pháo dùng trong chiến tranh Triều Tiên (ảnh AP chụp ngày 18/6/1953)

Tướng William K. Harrison (trái) và Tướng Nam Il ký thỏa thuận đình chiến ở Panmunjom kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên vào ngày 27/7/1953 (ảnh: AP)
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cận cảnh Triều Tiên
Cận cảnh Triều Tiên

(VOV) - Từ khi trở thành lãnh tụ tối cao của Triều Tiên cách đây 1 năm, ông Kim Jong-un đã có nhiều động thái canh tân đất nước.

Cận cảnh Triều Tiên

Cận cảnh Triều Tiên

(VOV) - Từ khi trở thành lãnh tụ tối cao của Triều Tiên cách đây 1 năm, ông Kim Jong-un đã có nhiều động thái canh tân đất nước.

Vì sao Triều Tiên quyết giữ con bài hạt nhân?
Vì sao Triều Tiên quyết giữ con bài hạt nhân?

(VOV) - Mặc cho sức ép của quốc tế và cả Trung Quốc, Triều Tiên vẫn một mực phát triển vũ khí hạt nhân như điểm tựa sống còn.

Vì sao Triều Tiên quyết giữ con bài hạt nhân?

Vì sao Triều Tiên quyết giữ con bài hạt nhân?

(VOV) - Mặc cho sức ép của quốc tế và cả Trung Quốc, Triều Tiên vẫn một mực phát triển vũ khí hạt nhân như điểm tựa sống còn.

Triều Tiên: Những hoạt động quân sự dồn dập
Triều Tiên: Những hoạt động quân sự dồn dập

(VOV) - Lực lượng vũ trang Triều Tiên tỏ ra sẵn sàng nghênh chiến hơn lúc nào hết trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên nóng lên từng giờ.

Triều Tiên: Những hoạt động quân sự dồn dập

Triều Tiên: Những hoạt động quân sự dồn dập

(VOV) - Lực lượng vũ trang Triều Tiên tỏ ra sẵn sàng nghênh chiến hơn lúc nào hết trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên nóng lên từng giờ.