77% người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp

Khi một người có số đo huyết áp là 150/90 mmHg sau nhiều lần đo thì được gọi là tăng huyết áp.

Tại Hội nghị Tim mạch học can thiệp lần thứ 3 vừa diễn ra trung tuần tháng 10-2009, GS-TS Phạm Gia Khải – Chủ tịch Hội tim mạch Quốc gia khẳng định, tăng huyết áp là một hội chứng tim mạch tiến triển rất nguy hiểm.

Tăng huyết áp – tình trạng bệnh rất nguy hiểm

Phần lớn những người bị tăng huyết áp không có triệu chứng, nhưng khi có những dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, nôn, mỏi mệt… thì lúc đó người bệnh đã có những biến chứng (tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa…) hoặc tình trạng tăng huyết áp đã nặng. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết người dân có rất ít kiến thức về căn bệnh nguy hiểm này. Đây chính là lý do bệnh tăng huyết áp ngày càng có xu hướng tăng. Kết quả điều tra của Dự án Phòng chống bệnh tăng huyết áp Quốc gia cho thấy, năm 1992, tỷ lệ tăng huyết áp toàn quốc là 11,7%, năm 2002 lên 16,3% (thành thị 22%, nông thôn 12,3%) và năm 2008 là 27%. Điều tra của Bộ Y tế khẳng định, 77% người dân hiểu sai về bệnh tăng huyết áp và các yếu tố nguy cơ của bệnh. Hơn 70% người dân không biết cách phát hiện sớm và dự phòng bệnh tăng huyết áp.

GS Khải giải thích, Y học gọi bệnh này là tăng huyết áp mà không phải là cao huyết áp. Vì thực tế có người bình thường đo huyết áp không cao, nhưng có lúc lại tăng lên, rất nguy hiểm. Tăng huyết áp phản ánh tình trạng mạch máu đã bị tổn thương. Khi mạch tổn thương sẽ kéo theo tổn thương các cơ quan khác như não, mắt, động mạch ngoại vi, tim…

Vào những ngày này, khi thời tiết chuyển từ mùa hè sang thu – đông, Viện Tim mạch Việt Nam và Khoa thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai luôn phải tiếp nhận không dưới 50 bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, chảy máu não, liệt nửa người… mà nguyên nhân chủ yếu là do tăng huyết áp. Trên 80% số trường hợp này là những người trung niên và đã có tuổi.

Ngạc nhiên khi biết mình bị tăng huyết áp

Theo các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam và Khoa thần kinh – bệnh viện Bạch Mai, tuổi càng cao, tính đàn hồi của mạch máu càng kém nên dễ bị xơ vữa, tắc hoặc vỡ. Bệnh nhân bị tăng huyết áp ở nhóm người có độ tuổi trên 60 nhiều gấp 3 lần nhóm người dưới 60 và mối nguy hiểm này đến bất cứ lúc nào, thậm chí có người phải nhập viện mà vẫn không biết mình bị mắc bệnh tăng huyết áp. Đối với người cao tuổi, huyết áp tối đa cao không vượt quá 140mmHg, huyết áp tối thiểu không vượt quá 90mmHg. Khi huyết áp tối thiểu quá 180mmHg là rất đáng lo ngại…

Thực tế trên 30% bệnh nhân không biết về tình trạng huyết áp của mình, chỉ gần 20% trường hợp dùng thuốc hàng ngày. Lý do là một số người bị cao huyết áp không thấy có cảm giác khó chịu gì rõ rệt.

Triệu chứng chủ yếu của bệnh là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ù tai. Tuy nhiên thực tế có đến một nửa số bệnh nhân về mặt lâm sàng không có biểu hiện. Kể cả khi bệnh đã phát ra thì mới phát hiện được thì hậu quả lại rất nghiêm trọng, nó trực tiếp tác động đến những điểm yếu của cơ thể, thậm chí còn cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Nguyên tắc điều trị tăng huyết áp

Về nguyên tắc, điều trị bệnh này không được gấp, đặc biệt là đối với người già. Giảm huyết áp không thể quá nhanh, nếu không sẽ cho hiệu quả ngược lại. Sự phản ứng của mạch máu ở người già không tốt, giảm huyết áp quá nhanh, cơ thể không thích ứng được mà còn có cảm giác chóng mặt, đau đầu, buồn nôn hơn. Triệu chứng sẽ ngày một nặng hơn. Đối với những bệnh nhân nặng, phải được cấp cứu khẩn cấp và điều trị bằng thuốc nước thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Không được dừng thuốc đột ngột.

Trước thực trạng nhiều người dân không hiểu về sự nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp, mới đây Bộ y tế đã triển khai Dự án phòng chống bệnh tăng huyết áp với 4 mục tiêu: Phấn đấu 50% người dân hiểu đúng về bệnh tăng huyết áp và các biện pháp phòng chống; 80% cán bộ y tế là đối tượng của Dự án được đào tạo về phòng chống, phát hiện sớm, điều trị và quản lý tăng huyết áp; Xây dựng, triển khai duy trì mô hình quản lý tăng huyết áp (THA) tuyến cơ sở; 50% bệnh nhân THA được phát hiện, điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Dự án được triển khai tại 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắc Lắc, TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp.

Theo lời khuyên của các nhà chuyên môn, những người trên 40 tuổi nên ăn thanh đạm. Không nên ăn nhiều mỡ và chất béo. Đối với những bệnh nhân có tăng huyết áp, tuyệt đối không được tùy tiện tập luyện. Sáng sớm ngủ dậy, huyết áp thường tăng cao, không nên tập luyện buổi sáng, nhất là khi trời lạnh. Phải tránh mọi hoạt động nhanh, mạnh vào sáng sớm. Chờ qua thời gian đó rồi mới hoạt động từ từ, nhẹ nhàng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên