Vì sao xe buýt nhanh Hà Nội hoạt động kém hiệu quả?

VOV.VN - Sau hơn 4 tháng hoạt động, xe buýt nhanh ở Hà Nội có rất ít người đi, trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn. Vậy, đâu là nguyên nhân? 

Tuyến xe buýt nhanh (gọi tắt là BRT) số 1 từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa, đi qua địa bàn 4 quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông của thành phố Hà Nội, được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Dự án này nhằm tạo ra một loại hình phương tiện hiện đại phục vụ hành khách, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng hoạt động, xe buýt nhanh ở Hà Nội có rất ít người đi, trong khi nhu cầu của người dân là rất lớn. 

Xe buýt nhanh chiếm nhiều diện tích đường.

Chúng tôi có mặt trên 1 chuyến xe buýt xuất phát lúc 8 giờ 30 phút sáng từ bến xe Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa. Tại điểm đầu bến, số lượng hành khách trên xe chỉ chưa đến 20 người, trong khi xe có thể vận chuyển được tối đa 90 hành khách. Là 1 hành khách thường xuyên của tuyến xe buýt nhanh này, ông Nguyễn Đăng Quang ở phường La Khê, quận Hà Đông cho biết, việc chỉ có vài người đi trên 1 những chiếc xe hàng tỷ đồng này là rất bình thường. Thậm chí, giờ cao điểm, nhiều chuyến cũng chỉ có 40-50 người.

Ông Quang cũng cho biết, sở dĩ ông đi xe buýt nhanh là vì ông đã nghỉ hưu, đi làm không gò bó về thời gian, chứ nếu còn làm việc ở công sở thì không thể đi bằng phương tiện này. Nếu tính tổng chi phí tiền gửi xe máy ở đầu bến, tiền vé xe và thời gian để hoàn thành chuyến đi, mặc dù gọi là xe buýt nhanh, nhưng không nhanh hơn đi xe đạp và không rẻ hơn đi bằng xe máy.

"Để vào được đến nhà chờ, phải đi từ vỉa hè, tới ngã tư tìm chỗ sang đường. Đến chỗ sang đường rồi lại phải đi ngược lại một đoạn khá xa, trong khi không có cây cối, không có bóng mát. Vì vậy, cái khoảng mà người ta đi lại giữa 2 đầu để lên được đến xe buýt nhanh là bằng, có khi quá thời gian ngồi trên xe buýt" - ông Quang cho biết.

Sau 4 tháng hoạt động, xe buýt nhanh Hà Nội có ít người đi.

Dù được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng theo các chuyên gia, tuyến xe buýt nhanh ở Hà Nội không phù hợp với điều kiện thực tế. Hành trình dài gần 15km, xe buýt nhanh dừng ở 21 điểm. Trong đó, có 10 điểm nhà chờ đi qua cầu đi bộ, khiến người cao tuổi, người khuyết tật không thể sử dụng được. Ở nhiều điểm khác, người đi bộ phải đi lòng vòng, gần nhất là 200m, thậm chí hơn 1km. Các nhà chờ được bố trí không hợp lý, dẫn đến việc di chuyển của hành khách gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các điểm chờ không có đèn tín hiệu ưu tiên cho người đi bộ qua đường, không đảm bảo an toàn giao thông. Tại nhà chờ Núi Trúc và nhà chờ Giảng Võ, thuộc địa bàn quận Ba Đình, có 2 bậc lên xuống nhưng không có sơn màu hoặc biển hiệu cảnh báo, hành khách dễ bị ngã nếu không để ý. 

Bà Nguyễn Thị Mai, người dân ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội nói: "Xe này đi thì không có chỗ đi sang đường, mà đèn xanh đèn đỏ thì cũng không có nên buổi sáng rất khó khăn để tiếp cận xe buýt này. Tôi nghĩ rằng, nếu như có một hệ thống liên kết thì mới thuận tiện chứ chỉ có 1 tuyến như này thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì".

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, xe buýt nhanh ở Hà Nội hiện nay chưa thực sự là “nhanh”. Thành phố cần rà soát lại hướng tuyến, điểm đầu, điểm cuối, tổ chức lại hệ thống giao thông cho hợp lý hơn. Công nghệ thẻ, vé thông minh cũng nên được ứng dụng để khai thác, vận hành một cách hiệu quả.

Hiện nay, vấn đề quan trọng nhất đối với xe buýt nhanh là việc tổ chức giao thông, giúp người đi bộ tiếp cận một cách an toàn nhanh chóng và tiện lợi. Với điều kiện thực tế, thành phố có thể điều chỉnh thời gian và sắp xếp hợp lý để các phương tiện khác có thể đi vào làn đường này để tránh lãng phí.

Có chuyến chỉ có vài người.

Ông Trần Hữu Minh nói: "Muốn đạt được mục đích đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, thì chúng ta cần phải triển khai một loạt các giải pháp. Đặc biệt, là tổ chức giao thông tiếp cận và trung chuyển với xe buýt nhanh. Tôi cho rằng, đó là cái quan trọng nhất. Những nội dung đó chúng ta đã có trong thiết kế của xe buýt nhanh., nhưng hiện nay chúng ta còn bất cập. Nếu như so sánh dịch vụ xe buýt nhanh của Hà Nội với 1 mô hình xe buýt nhanh trên thế giới đã tổ chức thành công thì tôi cho rằng, chúng ta còn nhiều việc phải làm".

Theo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, trong 4 tháng, đơn vị này đã thực hiện hơn 40.000 lượt xe, chở gần 1.650.000 lượt khách (trung bình 41 người mỗi chuyến). Tốc độ của xe buýt nhanh trung bình là gần 20 km/giờ. Hiện nay, xe buýt nhanh đang chạy 5 phút 1 chuyến đối với giờ cao điểm và 10 phút 1 chuyến trong những giờ khác. Trong khi đó, công suất có thể khai thác là 3 phút 1 chuyến.

Mặc hiệu quả chỉ cao hơn 20% so với xe buýt thường, nhưng xe buýt nhanh lại chiếm 1/3 diện tích đường của thành phố vốn đã chật hẹp. Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các ngành chức năng cần sắp xếp cho phù hợp để các phương tiện khác được đi vào làn đường này.

Và dù hiệu quả xe buýt nhanh ở mức thấp, Sở Giao thông vận tải Hà Nội lại đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng thêm tuyến xe buýt nhanh số 2 dài hơn 30km từ bến xe Kim Mã đến khu Công nghệ cao Hòa Lạc. 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội lý giải rằng: "Quan điểm của chúng tôi là đầu tư vào vận tải công cộng là không bao giờ thừa và không bao giờ là quá muộn. Nếu chúng ta không làm, bây giờ chúng ta nhìn vào thì thấy là đắt, nhưng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi chúng ta có tiền chúng ta cũng không xử lý được khi lượng giao thông quá cao. Chúng ta đang đầu tư không phải để kinh doanh, thu lãi lợi nhuận mà chúng ta đầu tư để mang lại môi trường giao thông thuận lợi cho thành phố và để xử lý một vấn đề cho giao thông".

Theo quy hoạch, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 8 tuyến xe buýt nhanh. Định hướng phát triển loại hình xe buýt này ở những tuyến hành lang cùng với đường sắt. Nhưng dư luận băn khoăn rằng, nếu cứ đầu tư thêm những tuyến xe buýt như hiện nay, thì lãng phí nguồn lực dành cho giao thông của thành phố rất có thể xảy ra. Trong khi đó, tiền để đầu tư các dự án chủ yếu là đi vay từ nước ngoài./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Buýt nhanh BRT Hà Nội không thể vận hành giống buýt nhanh thế giới
Buýt nhanh BRT Hà Nội không thể vận hành giống buýt nhanh thế giới

VOV.VN - “Trong điều kiện giao thông Hà Nội hiện nay, buýt nhanh sẽ không thể vận hành như buýt nhanh của thế giới, Hà Nội sẽ từng bước để hoàn thiện”.

Buýt nhanh BRT Hà Nội không thể vận hành giống buýt nhanh thế giới

Buýt nhanh BRT Hà Nội không thể vận hành giống buýt nhanh thế giới

VOV.VN - “Trong điều kiện giao thông Hà Nội hiện nay, buýt nhanh sẽ không thể vận hành như buýt nhanh của thế giới, Hà Nội sẽ từng bước để hoàn thiện”.

Buýt nhanh BRT đội giá: Những người trong cuộc nói gì?
Buýt nhanh BRT đội giá: Những người trong cuộc nói gì?

VOV.VN - Công ty ô tô Trường Hải chỉ chào giá, việc đánh giá lựa chọn nhà thầu là của Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Buýt nhanh BRT đội giá: Những người trong cuộc nói gì?

Buýt nhanh BRT đội giá: Những người trong cuộc nói gì?

VOV.VN - Công ty ô tô Trường Hải chỉ chào giá, việc đánh giá lựa chọn nhà thầu là của Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Buýt nhanh BRT đội giá: Chủ đầu tư chính thức lên tiếng
Buýt nhanh BRT đội giá: Chủ đầu tư chính thức lên tiếng

VOV.VN - Ngày 8/3 đại điện chủ đầu tư dự án tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội chính thức lên tiếng về việc lô 35 xe buýt BRT đội vốn “khủng”.

Buýt nhanh BRT đội giá: Chủ đầu tư chính thức lên tiếng

Buýt nhanh BRT đội giá: Chủ đầu tư chính thức lên tiếng

VOV.VN - Ngày 8/3 đại điện chủ đầu tư dự án tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội chính thức lên tiếng về việc lô 35 xe buýt BRT đội vốn “khủng”.