Người dân Tung Qua Lìn lại quay về “miệng tử thần”

VOV.VN - Những bất cập trong xây dựng dự án và chọn địa điểm tái định cư đã khiến hàng chục hộ dân quay lại "miệng tử thần"

Để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, đầu mùa mưa năm 2009, tỉnh Lai Châu đã di chuyển gấp hơn 120 hộ dân ở xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ lên điểm tái định cư mới. Thế nhưng, những bất cập trong xây dựng dự án và chọn địa điểm tái định cư đã khiến hàng chục hộ dân quay lại nơi ở cũ.

Để đảm bảo an toàn nhà cửa, người dân trên điểm tái định cư mới phải dùng hỗ, đá để giữ mái.

Tháng 6/2009, một đợt mưa lũ lớn đã gây thiệt hại về người và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong đó có một số điểm thuộc khu vực 4 bản đồng bào dân tộc Mông là Căng Ký, Căng Há, Cò Ký và Khấu Dào, xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ. Đứng trước nguy cơ mất an toàn của hàng trăm hộ dân, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo chính quyền huyện Phong Thổ xây dựng “Dự án di chuyển gấp các hộ dân nguy cơ sạt lở cao xã Tung Qua Lìn”, với tổng mức đầu tư gần 25 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt. Các hộ dân đã được hỗ trợ tiền di chuyển 13,5 triệu đồng một hộ.

Ông Vàng A Khuy, một người dân ở bản Căng Ký đã quay lại nơi ở cũ cho biết: Khi thời điểm về bản mới thì gia đình gặp quá nhiều khó khăn, nước sinh hoạt khan hiếm, gió thổi lồng lộng bay cả mái nhà, nên sau một năm gia đình ông phải chuyển về bản cũ. Ông Vàng A Khuy nói: “Bản mới kia cái gì cũng khó khăn, thấy anh em trong bản trong xã quay về nhiều nên tôi cũng phải về theo. Trên núi kia cao thiếu nước, không trồng được rau và chăn nuôi để ăn, khó khăn nhiều bề, kể cả đi làm ruộng, đi làm nương cũng xa. Trên đó gió to, tôi làm nhà sợ gió to quá thì bay đi mất. Thế nên tôi phải chuyển về bản cũ, vì ở đây gió ít và làm ăn, sinh hoạt cũng thuận lợi hơn”.

Kế hoạch ban đầu của dự án thực hiện tái định cư cho 241 hộ dân. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thực tế chỉ có 121 hộ dân đồng ý lên mặt bằng mới và đến nay đã có hơn 40 hộ dân chuyển về nơi ở cũ. Nguyên nhân được người dân cho biết là do mặt bằng tái định cư ở trên đỉnh núi, cao gần 1.600 mét, đường lên bản dốc dựng đứng, khí hậu khắc nghiệt và đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt.

Cô giáo Phạm Thị Xuân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tung Qua Lìn cho biết: Hiện nhà trường có gần 160 học sinh bán trú, cũng như các nhà trường khác luôn gặp khó khăn về nước. Nhất là vào mùa khô, các thầy cô phải thay phiên nhau đi xách từng can nước về nấu cơm và tắm rửa cho học sinh. Khổ hơn là mấy chục hộ chuyển về nơi ở cũ, kéo theo gần 60 học sinh theo gia đình về, nên các thầy cô phải sử dụng tạm một số phòng học và trụ sở UBND xã cũ để ở và dạy học. “Họ không chuyển về cùng một năm mà rải rác hai, ba năm, đương nhiên là học sinh sẽ xin về học luôn dưới bản cũ. Các điểm trường thì lại nằm ở điểm sạt lở đó, cho nên giáo viên không dạy ở đó thì cũng không biết dạy ở chỗ nào. Học sinh quay hết về điểm cũ như thế, thì số lượng học sinh ở bản mới sẽ vợi đi. Nói chung là khá vất vả, hầu như giáo viên cứ phải ở bản mới lộn về bản cũ để dạy”.

Để đảm bảo an toàn cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, những năm qua cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Dào San, huyện Phong Thổ đã tăng cường công tác vận động người dân định canh, định cư. Tuy nhiên, theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu, Đồn phó Đồn Biên phòng Dào San, điều kiện để người dân ổn định là nơi ở của bà con phải có đủ điều kiện cho cuộc sống sinh hoạt và canh tác, nhất là nước sinh hoạt.

Gần 40 hộ dân đã quay lại vùng nguy hiểm.

Bà con trên mặt bằng tái định cư ở xã Tung Qua Lìn chuyển về nơi ở cũ Đồn cũng biết.  Đồn cũng đã cử cán bộ xuống để tuyên truyền, vận động người dân phải đảm bảo an toàn, tránh xa vùng nguy cơ sạt lở.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu nói: “Bất cập ở chỗ địa hình đất thì có, nhưng mà cơ sở để tạo điều kiện cho bà con trồng, cấy là nguồn nước thì cực kỳ khó khăn. Nguồn nước là yếu tố đảm bảo cuộc sống hàng ngày và quan trọng nhất, nhiều khi thiếu đói thì được mà thiếu nước thì không. Thế nên là có những trường hợp đã xây dựng nhà rồi nhưng người ta lại phải chuyển đi chỗ khác, bởi vì không thể tìm nguồn nước được. Đồn cũng đã tham mưu, cũng đã vận động quần chúng nhân dân là phải ổn định về nơi ăn, chốn ở”.

Một dự án với số tiền lớn đầu tư để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, những bất cập trong khâu khảo sát, quy hoạch, chọn mặt bằng để người dân di chuyển đang bị “phá sản”, khi hàng chục hộ dân đã quay về nơi ở cũ. Mùa mưa đang đến gần và câu hỏi đặt ra là liệu các hộ dân trong dự án chưa di chuyển và các hộ dân quay về nơi ở cũ có an toàn? ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tranh chấp đất sản xuất tại bản tái định cư Lán Lỷ - vì đâu?
Tranh chấp đất sản xuất tại bản tái định cư Lán Lỷ - vì đâu?

VOV.VN - Các hộ tái định cư đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói do hàng chục ha đất sản xuất của họ bị các hộ dân sở tại thu lại để canh tác.

Tranh chấp đất sản xuất tại bản tái định cư Lán Lỷ - vì đâu?

Tranh chấp đất sản xuất tại bản tái định cư Lán Lỷ - vì đâu?

VOV.VN - Các hộ tái định cư đang đối mặt với nguy cơ thiếu đói do hàng chục ha đất sản xuất của họ bị các hộ dân sở tại thu lại để canh tác.

Quyết toán di dân tái định cư Thủy điện Sơn La
Quyết toán di dân tái định cư Thủy điện Sơn La

VOV.VN - Việc giao đất tái định cư cho các hộ tái định cư và các hộ sở tại bị thu hồi đất trên địa bàn huyện cơ bản đã xong

Quyết toán di dân tái định cư Thủy điện Sơn La

Quyết toán di dân tái định cư Thủy điện Sơn La

VOV.VN - Việc giao đất tái định cư cho các hộ tái định cư và các hộ sở tại bị thu hồi đất trên địa bàn huyện cơ bản đã xong

Dân vùng sạt lở chưa mặn mà đến các khu tái định cư
Dân vùng sạt lở chưa mặn mà đến các khu tái định cư

VOV.VN - Tỉnh Thừa thiên-Huế bị xâm thực nghiêm trọng, khiến hàng trăm hộ dân ở các thôn ven biển phải đối mặt với nguy cơ mất đất, đe dọa đến tính mạng.

Dân vùng sạt lở chưa mặn mà đến các khu tái định cư

Dân vùng sạt lở chưa mặn mà đến các khu tái định cư

VOV.VN - Tỉnh Thừa thiên-Huế bị xâm thực nghiêm trọng, khiến hàng trăm hộ dân ở các thôn ven biển phải đối mặt với nguy cơ mất đất, đe dọa đến tính mạng.