Một con bò tót 800 kg bị sát hại

Con bò tót bị bắn chết khoảng vào ngày 13/10. Đây là động vật được xếp vào nhóm 1B (cực kỳ quý hiếm)

“Một con bò tót nặng khoảng 800 kg đã bị sát hại ” – ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng ) đã cho biết như vậy vào lúc 19 giờ ngày 15/10, sau khi có kết quả giám định từ Viện sinh học Tây Nguyên. Trước đó, vào lúc 18 giờ cùng ngày, ông Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự “mua bán – vận chuyển động vật hoang dã trái phép” và chuyển giao toàn bộ tang vật, người vi phạm cho công an huyện Lạc Dương để tiếp tục điều tra, khởi tố bị can.

Ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định đây là vụ vi phạm nghiêm trọng. Theo ông Hùng, vào lúc 16 giờ 40 phút ngày 14/10, lực lượng kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (Lâm Đồng) đã phát hiện tại tiểu khu 124 có 2 người dân tộc thiểu số ở xã Đạ Chais – huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là Bon Tô Sa Nga (sinh năm 1963) và Kon Sa Ha Đa (sinh năm 1990) đang gùi một đầu bò lớn cùng một số da bò đã sấy khô và nhiều xương khỉ. Theo lời khai ban đầu của ông Bon Tô Sa Nga thì ông về thăm mẹ ở xã Phước Bình (thuộc huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), gặp một người bán chiếc đầu bò này, thấy đẹp nên ông mua về để trưng bày trong nhà với giá 2 triệu đồng. Được biết, ông Bon Tô Sa Nga hiện là xã đội trưởng xã Đạ Chais – huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Do tiểu khu 124 nằm sâu trong rừng và nhằm tránh những hành động chống đối có thể xảy ra, lực lượng kiểm lâm đã di lý 2 đối tượng này về trụ sở Vườn quốc gia vào lúc 2 giờ ngày 15/10. Sau đó, Vườn đã tiến hành việc giám định chiếc đầu bò và da bò bắt giữ được. Kết quả cho thấy chiếc đầu bò nặng 18 kg với cặp sừng dài đến 0,6 mét thuộc một loại bò tót có tên khoa học là Bos gaurus (còn hay được gọi là bò rừng La Mã, bò rừng Bizon Ấn Độ…) mà người dân địa phương quen gọi là con min. Con bò tót bị bắn chết khoảng vào ngày 13/10. Đây là động vật được xếp vào nhóm 1B (cực kỳ quý hiếm). Ông Hùng cho biết hiện có khoảng 10 cá thể bò tót này sống ở khu vực giáp ranh giữa Vườn quốc gia Biduop – Núi Bà ( Lâm Đồng) với Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận). Ngoài ra còn có một vài cá thể sống ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng – Đồng Nai ) và vùng rừng tỉnh Quảng Trị./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên