Vì sao dự án “cưa rừng trồng cao su” gây phản ứng mạnh?

VOV.VN - Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khai thác rừng trồng cao su sau chỉ đạo của Chính phủ khiến dư luận nghi ngờ có khuất tất.

Câu chuyện khai thác rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 69 Nông lâm trường Bù Đốp gây xôn xao dư luận tại tỉnh Bình Phước trong những ngày qua. Mặc dù được cấp phép khai thác, nhưng vì sao người dân và kiểm lâm địa phương lại phản ứng gay gắt?

Ngày 17/8, tại tiểu khu 69 Nông lâm trường Bù Đốp - tâm điểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Một khu rừng rộng hơn 100 ha đã bị cày ủi tan nát. Quanh khu lán trại lợp bằng lá, gỗ rừng nằm la liệt trên bãi tập kết. Nhiều cây gỗ lớn dài cả chục mét, đường kính trên 25 cm đến gần 1 mét, đã bị cưa hạ, kéo về đây.

Hơn 100 ha rừng tự nhiên đã được khai thác để nhường đất cho dự án chăn nuôi và trồng cao su của Công ty Cao su Sông Bé.
Hơn 1.600 mét khối gỗ chính phẩm và gỗ tận dụng ở khoảnh 1 này được khai thác theo hợp đồng giữa Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé và Công ty TNHH MTV Phát Lộc. Một số đã được chuyển đi, số còn lại còn nằm ở bãi tập kết chưa được kiểm kê do có lệnh tạm ngưng mọi hoạt động ở dự án này.

Ông Nguyễn Đông Dần, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Sông Bé cho biết, sau khi nhận được quyết định tạm dừng khai thác của UBND tỉnh Bình Phước, công ty đã chấp hành nghiêm chỉnh. Công ty đã lập thông báo đối với cơ quan cấp dưới là Nông lâm trường Bù Đốp cùng các đối tác khai thác là Công ty Phát Lộc tạm ngưng ngay cho đến khi có quyết định của cơ quan chức năng hoặc của UBND tỉnh.

Khu vực này trước đây là dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng của Công ty CP đầu tư phát triển Sài Gòn – Bình Phước, được UBND tỉnh Bình Phước cấp phép vào năm 2009 với tổng diện tích hơn 793 ha. Đến cuối năm 2012, Công ty Sài Gòn – Bình Phước chỉ trồng cao su được 157 ha và 62 ha đã khai hoang nhưng chưa trồng cây.

Do chậm tiến độ thực hiện, UBND tỉnh Bình Phước đã thu hồi hơn 636 ha của Công ty Sài Gòn – Bình Phước chưa thực hiện, rồi giao khoảng 62 ha đất hoang cho Quỹ an sinh xã hội trồng cao su và giao lại hơn 575 ha cho Công ty Cao su Sông Bé (là chủ rừng) quản lý. 

Cho rằng trong số hơn 575 ha này có gần 354 ha thuộc đối tượng rừng nghèo, nên tỉnh Bình Phước đã giao cho Công ty Cao su Sông Bé thực hiện chuyển sang trồng cao su, gồm: hơn 129 ha của khoảnh 1 và hơn 224 ha  của khoảnh 2 và khoảnh 3 tiểu khu 69.

Ngày 19/4/2016, Sở NN&PTNT đã cấp lại giấp phép cho Công ty Cao su Sông Bé (đơn vị chủ rừng) khai thác tận thu lâm sản trên diện tích hơn 129 ha của  khoảnh 1. Giấy phép hết hạn vào ngày 30/6/2016. 

Mặc dù vào thời điểm này việc khai thác đã tạm dừng, nhưng dư luận không hài lòng trước việc một khu rừng còn nhiều cây gỗ đang phát triển, tỉnh Bình Phước lại cấp phép cho Công ty Cao su Sông Bé tận thu, khai hoang để làm dự án trồng cao su kết hợp chăn nuôi.

Theo người dân địa phương, rừng tự nhiên ở Bù Đốp còn rất ít, nên việc cho phép phá rừng để làm dự án kinh tế cần được xem lại.

Ông Huỳnh Thế Thiện, một người dân địa phương có ý kiến, cân giữ rừng để cho con cháu sau này, nếu khai phá để trồng cao su sẽ không có lợi khi cao su hiện nay đang rớt giá. Hơn nữa, nếu khai phá trước mắt sẽ ảnh hưởng đến môi trường, tình trạng lũ lụt có thể xảy ra.

Cả đời gắn bó với rừng, trân trọng, yêu quý từng cây rừng, ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp cũng đã phản ứng mạnh mẽ trước việc tỉnh Bình Phước giao khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 69 (rộng 354 ha) cho Công ty Cao su Sông Bé làm dự án. Theo ông Ách, đây là rừng tự nhiên được tỉnh quy hoạch là rừng sản xuất, nhưng qua khoanh nuôi bảo vệ trong nhiều năm, rừng này đã phát triển mạnh, không thể gọi là rừng nghèo. 

Hạt Kiểm lâm huyện Bù Đốp đã nhiều lần kiến nghị với các cấp có thẩm quyền không nên cho chuyển đổi 354 ha rừng này sang trồng cao su. Nếu phá hàng trăm ha rừng tự nhiên của tiểu khu 69 chuyển qua trồng cao su sẽ phá vỡ hệ thống quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu liền kề, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái tự nhiên và nhất là việc tích trữ nước của hệ thống thủy lợi Cần Đơn phía dưới.

“Chúng tôi đã gắn bó với rừng mấy chục năm chỉ mong sao không có một diện tích nhỏ nào của rừng tự nhiên bị mai một. Làm thế nào để giữ cho bằng được diện tích rừng hiện còn, đồng thời tìm mọi cách làm rừng càng ngày càng phát triển sung túc hơn”, ônng Ách nói.

Trong khi dư luận chưa hết bức xúc về việc hơn 100 ha rừng tự nhiên ở khoảnh 1 tiểu khu 69 đã bị khai thác, thì tỉnh Bình Phước lại có chủ trương cho Công ty Cao su Sông Bé khai thác tiếp khoảnh 2 và khoảnh 3.

Trước đó, vào đầu năm 2016, trên cơ sở kiến nghị của Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra lại hiện trạng khoảnh 2 khoảnh 3 để có cơ sở xem xét có nên cho khai thác tiếp hay không.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, khoảnh 2, khoảnh 3 có diện tích 224 ha thực hiện dự án kiếm kê cách đây hơn 6 năm. Sở đã có yêu cầu giao cho Chi cục Lâm nghiệp phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Bù Đốp, Công ty Cao su Sông Bé, Trung tâm Điều tra quy hoạch Nông nghiệp nông thôn kiểm tra, kiểm kê trở lại xem xét, báo cáo Sở tham mưu cho UBND tỉnh để đề ra các giải pháp xử lý hai khoảnh này cho phù hợp.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT chưa hoàn thành rà soát, kiểm kê lại rừng, thì ngày 7/7, UBND tỉnh Bình Phước bất ngờ tổ chức cuộc họp giải quyết kiến nghị của Công ty Cao su Sông Bé. Chủ tịch UBNDdân tỉnh Nguyễn Văn Trăm yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương tiếp tục cấp phép cho khai thác thêm 224 ha rừng ở khoảng 2 và khoảnh 3.  

Tiếp đó, vào ngày 5/8, UBND tỉnh Bình Phước lại có công văn gửi các đơn vị liên quan chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án của Công ty Cao su Sông Bé. Hành động này của UBND tỉnh Bình Phước sau 2 tháng so với thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên trên cả nước, khiến dư luận nghi ngờ dự án có khuất tất.  

Sau khi báo chí đưa tin, Cục Cảnh sát môi trường (C49 - Bộ Công an) vào cuộc điều tra. Ngày 10/8, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước đã yêu cầu Công ty Cao su Sông Bé tạm ngừng các hoạt động ở dự án này. Ngoài C49, một số cơ quan liên quan cũng đã đến kiểm tra việc tỉnh Bình Phước cho phép khai thác rừng ở tiểu khu 69 Nông lâm trường Bù Đốp.

Cho dù việc cấp phép khai thác hơn 100 ha rừng tự nhiên ở Nông lâm trường Bù Đốp theo chủ trương của tỉnh đi chăng nữa, nhưng việc giữ lại diện tích rừng tự nhiên ít ỏi nơi đây đang là mong mỏi của nhiều người dân có tấm lòng với quê hương Bình Phước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Góp đất trồng cao su - hướng liên kết làm kinh tế mới
Góp đất trồng cao su - hướng liên kết làm kinh tế mới

VOV.VN - Với trên 6.000 ha cao su đến đầu tháng 7 này cho thu hoạch sẽ tạo ra thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 2.500 công nhân.

Góp đất trồng cao su - hướng liên kết làm kinh tế mới

Góp đất trồng cao su - hướng liên kết làm kinh tế mới

VOV.VN - Với trên 6.000 ha cao su đến đầu tháng 7 này cho thu hoạch sẽ tạo ra thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho hơn 2.500 công nhân.

Hệ lụy sau chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su
Hệ lụy sau chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su

VOV.VN - Sự giảm sâu của giá mủ cao su đang là thách thức quá lớn với chương trình chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su ở tỉnh Kon Tum.

Hệ lụy sau chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su

Hệ lụy sau chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su

VOV.VN - Sự giảm sâu của giá mủ cao su đang là thách thức quá lớn với chương trình chuyển đổi rừng nghèo và đất lâm nghiệp sang trồng cao su ở tỉnh Kon Tum.

Thủ tướng yêu cầu kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên

VOV.VN -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ rừng.

Thủ tướng yêu cầu kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên

Thủ tướng yêu cầu kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên

VOV.VN -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ rừng.

Đóng cửa rừng tự nhiên – giải pháp khẩn cấp để cứu rừng
Đóng cửa rừng tự nhiên – giải pháp khẩn cấp để cứu rừng

VOV.VN - Việc dừng cấp phép xây dựng thủy điện và đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã cho thấy sự quyết liệt bảo vệ rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên…

Đóng cửa rừng tự nhiên – giải pháp khẩn cấp để cứu rừng

Đóng cửa rừng tự nhiên – giải pháp khẩn cấp để cứu rừng

VOV.VN - Việc dừng cấp phép xây dựng thủy điện và đóng cửa rừng tự nhiên ở Tây Nguyên đã cho thấy sự quyết liệt bảo vệ rừng, chuyển đổi rừng tự nhiên…