Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài

Khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng tốc giải ngân số vốn đăng ký đã cam kết 2,52 tỷ USD.

Mặc dù đang vận hành cùng với các thành phần kinh tế khác, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những yếu tố bất lợi trong và ngoài nước, nhưng 3 tháng đầu năm 2012, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vẫn gặt hái được một số kết quả đáng khích lệ.

Trước hết, khối doanh nghiệp (DN) ĐTNN đã tăng tốc giải ngân số vốn đăng ký đã cam kết và mang lại kết quả đáng ghi nhận là 2,52 tỷ USD (xấp xỉ mức thực hiện của cùng kỳ năm ngoái).

Theo các chuyên gia, đây là kết quả rất khả quan, bởi nó diễn ra trong bối cảnh phần lớn nhà đầu tư đang gặp khó khăn và sự co hẹp về nguồn vốn trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật Bản đang đẩy mạnh việc di dời địa bàn sản xuất ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam cũng góp phần không nhỏ vào kết quả giải ngân.

Với mức độ và tiến độ giải ngân nói trên, nếu tình hình không có gì đột biến xấu thì tổng mức vốn ĐTNN thực hiện trong năm nay vẫn sẽ đạt 11-12 tỷ USD. Bởi khi nhà đầu tư chủ động đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án chính là thể hiện sự quyết tâm làm ăn lâu dài ở Việt Nam, tạo ra luồng vốn đầu tư lâu dài cho tăng trưởng kinh tế, theo hướng CNH-HĐH.
Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu của khối DN ĐTNN trong quý I đạt 15,5 tỷ USD, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm hơn 63% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và chứng tỏ sự bứt phá của nhiều đơn vị.

Riêng các DN khu vực ĐTNN đã xuất siêu 1,38 tỷ USD, nhưng khu vực DN trong nước lại nhập siêu 1,6 tỷ USD. Như vậy, DN ĐTNN đang thể hiện tầm quan trọng, góp phần tạo ra sự lành mạnh và cân bằng hơn trong quan hệ xuất, nhập khẩu của cả nước, nhất là xét trong hoàn cảnh nền kinh tế còn thiếu ngoại tệ cũng như phải dành ngoại tệ để đáp ứng cho nhiều nhu cầu cấp thiết khác.

Các chuyên gia nhấn mạnh nhu cầu cần nhanh chóng xác lập lại trọng tâm thu hút vốn ĐTNN, ưu tiên cấp phép cho dự án có sản phẩm mang hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao.

Chính phủ yêu cầu các bộ và địa phương không chấp nhận dự án chiếm nhiều diện tích đất, gây khủng hoảng thừa công suất đối với sản phẩm hoặc đe dọa phá vỡ quy hoạch ngành trên cùng một vùng địa lý kinh tế…

Từ đầu năm 2012, Bộ KH-ĐT đã tổ chức một số sự kiện nhằm trưng cầu ý kiến và xác định định hướng thu hút, sử dụng vốn ĐTNN thời gian tới theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn ĐTNN. Trong đó, chính quyền các địa phương sẽ rà soát, đánh giá kỹ về đóng góp, nhất là mức nộp ngân sách, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực và sức lan tỏa của tất cả các dự án trên địa bàn.

Việc thẩm định, tiến tới cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án mới sẽ diễn ra một cách "khó tính và kén chọn" hơn hẳn giai đoạn trước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên