Quản lý nợ công hướng đến quy tắc “ai hưởng lợi, người đó trả nợ”

VOV.VN - Quy tắc “ai hưởng lợi, người đó trả nợ” sẽ nâng cao trách nhiệm sử dụng và bảo vệ nguồn thu từ chủ dự án dùng vốn nợ công.

Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới có báo cáo đánh giá thực trạng nợ công tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 và đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2016-2020.

Đến cuối năm 2015, nợ công/GDP của Việt Nam ở mức 62,2%.
(Ảnh minh họa: KT)
Báo cáo cho thấy, quy mô nợ công hiện nay đang áp sát ngưỡng kiểm soát do Quốc hội đề ra và đặt ra thách thức trong việc đảm bảo an toàn nợ công nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong giai đoạn 2011- 2015, nợ công gia tăng nhanh chóng với mức 16,7%/năm. Cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393 nghìn tỷ đồng). Về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.  

Trong đó, nợ nước ngoài của Việt Nam đạt bình quân 3 tỷ USD/năm, tương đương 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội hay 17% tổng vốn đầu tư từ NSNN. Nợ công trong nước thực hiện chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng lượng phát hành giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010.

Trung tâm Nghiên cứu BIDV cũng đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn nợ công không cao, việc đầu tư dàn trải dẫn tới hiệu quả không cao, nhất là đầu tư công và DNNN. Một phần đáng kể của nợ công được sử dụng để trả nợ thay cho đầu tư phát triển. Cơ cấu chi ngân sách không bền vững, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nợ công.

“Trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác quản lý nợ công đã được cải thiện tuy nhiên, việc phân bổ mang tính chủ quan, dàn trải, hiệu quả thấp, số liệu thống kê không thống nhất, thiếu tính kịp thời, đặc biệt, việc quản lý ODA vẫn còn khá phức tạp”, báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu BIDV chỉ rõ.

Cần thiết xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nợ công

Đề xuất giải pháp tăng cường quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020, Trung tâm Nghiên cứu BIDV cho rằng, cần nâng cao năng lực quản lý nợ công, trong đó hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nợ công bằng việc xem xét thành lập Ủy ban giám sát và kiểm soát nợ công trực thuộc Quốc hội. Cần có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về nợ công, quản trị rõ ràng.

Về phía nhà nước, từng bước hoàn thiện các công cụ quản lý, tuân thủ nguyên tắc tín dụng, chỉ vay nợ khi có dự án hiệu quả và nguồn trả nợ rõ ràng, có tính đến các kịch bản rủi ro có thể xảy ra để đảm bảo khả năng thanh toán của Chính phủ. Tiến tới áp dụng quy tắc “ai hưởng lợi, người đó trả nợ” nhằm nâng cao trách nhiệm sử dụng và bảo vệ nguồn thu từ chủ dự án dùng vốn nợ công.

Về phía doanh nghiệp (DN) , hoàn thiện hệ thống pháp lý về thành lập tổ chức định mức tín nhiệm và tổ chức xếp hạng trong nước; quy chế thành lập và hoạt động trung tâm thông tin DN nhằm minh bạch hóa thông tin và khuyến khích các DN phát hành trái phiếu, giảm dần bảo lãnh của Chính phủ cho DN, DNNN trong vay vốn trong và ngoài nước, tiến tới DN tự vay tự trả.

Hệ thống tài chính-ngân hàng xây dựng và vận hành thị trường trái phiếu hiện đại. Đồng thời, phát triển thị trường chứng khoán tạo kênh dẫn vốn trung-dài hạn; hoàn thành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Chính phủ rà soát, ưu tiên bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các chương trình/dự án ODA triển khai đúng theo tiến độ đã cam kết với các nhà tài trợ; Đổi mới phương thức bổ sung nguồn vốn đối ứng với sự cho phép thành phần kinh tế tư nhân tham gia.

Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT phối hợp các Bộ ngành, địa phương rà soát việc thực hiện dự toán chi ngân sách năm 2016; Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư từ vốn NSNN giai đoạn 2015-2020 và vốn TPCP trên cơ sở bám sát định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các giai đoạn của cả nước, các Bộ ngành, địa phương.

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ DN, nhà đầu tư và người dân nhằm: thúc đẩy phân bố nguồn lực, phát triển kinh tế và tăng tỷ lệ tiết kiệm trong nước lên >30%.  Chính phủ, các Bộ ngành và DN đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN và đầu tư công; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu.

Phát triển cân bằng hệ thống tài chính nhằm mở rộng nguồn huy động tài trợ cho nợ công trong nước: nợ công trong nước chủ yếu qua phát hành TPCP và đa số do các NHTM nắm giữ, nguyên nhân là do hệ thống tài chính hiện đang phụ thuộc khối ngân hàng, trong khi TTCK và trái phiếu chưa phát triển.

Theo đó, yêu cầu trước mắt là tăng cường năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại, sau đó phải nhanh chóng có biện pháp phát triển đồng bộ và tiếp tục mở rộng quy mô các thị trường trong hệ thống tài chính.

Với những nội dung đã phân tích và cảnh báo nêu trên, theo BIDV, Chính phủ cần giao BTC đầu mối xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý nợ công ngay trong quý 3/2016, để chính thức triển khai từ cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nợ công của Việt Nam cao hay thấp?
Nợ công của Việt Nam cao hay thấp?

VOV.VN -Theo đồng hồ nợ công toàn cầu, sáng nay, nợ công của Việt Nam khoảng 94,854 tỷ USD; bình quân nợ theo đầu người ở Việt Nam là 1.039 USD.

Nợ công của Việt Nam cao hay thấp?

Nợ công của Việt Nam cao hay thấp?

VOV.VN -Theo đồng hồ nợ công toàn cầu, sáng nay, nợ công của Việt Nam khoảng 94,854 tỷ USD; bình quân nợ theo đầu người ở Việt Nam là 1.039 USD.

HSBC: Nợ công Việt Nam sắp đến ngưỡng giới hạn cho phép
HSBC: Nợ công Việt Nam sắp đến ngưỡng giới hạn cho phép

Dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 64,5% GDP trong năm 2016, đạt ngưỡng giới hạn của Quốc hội đề ra 65% trong 2017.

HSBC: Nợ công Việt Nam sắp đến ngưỡng giới hạn cho phép

HSBC: Nợ công Việt Nam sắp đến ngưỡng giới hạn cho phép

Dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 64,5% GDP trong năm 2016, đạt ngưỡng giới hạn của Quốc hội đề ra 65% trong 2017.

Nợ công, bội chi ngân sách: “Chưa ai bị kỷ luật, sa thải vì lãng phí”
Nợ công, bội chi ngân sách: “Chưa ai bị kỷ luật, sa thải vì lãng phí”

VOV.VN - Chống tham nhũng đã có kết quả bước đầu nhưng lãng phí đang là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng nợ ngập đầu, bội chi tăng cao.

Nợ công, bội chi ngân sách: “Chưa ai bị kỷ luật, sa thải vì lãng phí”

Nợ công, bội chi ngân sách: “Chưa ai bị kỷ luật, sa thải vì lãng phí”

VOV.VN - Chống tham nhũng đã có kết quả bước đầu nhưng lãng phí đang là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng nợ ngập đầu, bội chi tăng cao.