Phố Đồng Xuân

Cuộc chiến đấu ngày 14/2/1947 tại chợ Đồng Xuân mãi mãi tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Thủ đô Hà Nội.  

Cái tên Đồng Xuân chỉ mới có từ sau Cách mạng năm 1945. Khi đó, bãi cỏ nơi xây chợ sau này là chỗ bà con nông dân gánh gạo tới bán lẻ cho dân phường, phố. Đậu, ngô, khoai sắn… thì bán ở Hàng Đậu, Hàng Khoai. Nơi đây tập trung các bà bán gạo. Cho nên thực dân Pháp mới gọi là Rueduriz (tức phố Hàng Gạo). Mãi sau năm 1945 ta mới đổi ra là phố Đồng Xuân.

Phố Đồng Xuân nay theo hướng Bắc - Nam, tiếp nối phố Hàng Giấy và thông sang Hàng Đường. Phố này dãy bên chẵn là đất thôn Nhiễm Trung, dãy bên lẻ là đất phường Đồng Xuân, đều thuộc tổng huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Nhiễm Trung hợp nhất với thôn Hoa Đán thành ra thôn mới: Phương Trung. Ngày nay, đình Phương Trung là số nhà 18 phố Đồng Xuân thờ Uy Phù Đại Vương (không rõ lai lịch). Còn đình Đồng Xuân vốn là số nhà 83 phố Hàng Giấy, thờ Bạch Mã.

Chợ Đồng Xuân chiếm quá nửa dãy phố bên lẻ. Đây vốn là “hậu thân” của hai ngôi chợ cổ của Thăng Long xưa là chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông. Chợ trên ở cạnh đền Bạch Mã (nay là số 76 phố Hàng Buồm). Chợ dưới ở cạnh chùa Cầu Đông (nay là số 38B phố Hàng Đường). Cả hai đều ở bên bờ sông Tô Lịch, trên bến dưới thuyền tấp nập. Thực dân Pháp tới, sau khi đã chiếm Hà Nội, năm 1889, cho lấp sông Tô Lịch, mở phố xá mới. Họ dồn hai chợ nói trên tới bãi đất trống ở cạnh đình Đồng Xuân. Ban đầu cho rào bãi đất kia bằng tre nứa và bắt mọi người vào họp chợ trong hàng rào. Ai có hàng đem vào chợ bán phải đóng thuế ngay ở cổng. Dần dần chợ đông người họp, chợ mở rộng phạm vi, xây 5 cầu chợ bằng khung sắt, mỗi cầu dài 52m, cao 19m, mái lợp kẽm tôn. Chợ mới này được khánh thành vào năm 1890. Đây là chợ lớn nhất thành phố.

Ca dao cũ còn ghi: Vui nhất là chợ Đồng Xuân/Thức gì cũng có xa gần bán mua/Giữa chợ có anh hàng dừa/ hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng…

Mỗi cầu chợ dành cho một số loại hàng. Năm 1920, chợ được xây lại, rộng ra và đẹp lên. Thế mà chợ này, cũng như cả dãy phố này, lại đã từng là chiến lũy, là pháo đài. Vào những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố Đồng Xuân là hàng rào phòng ngự phía Tây Bắc của Liên khu I. Suốt từ đêm 19/12/1946 cho tới đầu tháng 2/1947, giặc Pháp nhiều lần tấn công vào phố này nhưng đều bị thất bại. Tới giữa tháng 2/1947, địch lại tập trung một lực lượng lớn để tấn công “pháo đài chợ” này. Từ mờ sáng ngày 14/2/1947, sau khi có máy bay trút bom xuống nơi đây, 400 lính Pháp có đầy đủ vũ khí hiện đại, có cả xe tăng yểm hộ, bắt đầu tiến vào phố Đồng Xuân. Bên ta trấn giữ chợ Đồng Xuân chỉ có 19 chiến sĩ, vũ khí không có gì đáng kể, vì ngoài dao, kiếm, súng trường thì chỉ có 1 khẩu tiểu liên là “hiện đại nhất”! Vậy mà, 19 người này đã quần nhau với địch suốt 1 ngày, đánh bật nhiều đợt xung kích của địch.

Cuộc chiến đấu ngày 14/2/1947 tại chợ Đồng Xuân mãi mãi tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Thủ đô Hà Nội. Cho nên ngày nay, ở bên phải cửa chợ, ta đã đắp phù điêu mô tả tượng trưng trận đánh đó.

Có lẽ cũng nên thêm một ký ức: Năm 1988 chợ xuống cấp được xây lại thành 3 tầng. Ngày 14/7/1994 chợ bị cháy, phải làm lại toàn bộ, đến năm 1996 mới hoàn thành, chỉ giữ lại 3 cửa, còn cửa đầu phía Nam mở thành lối đi vào phố Cầu Đông mới mở năm 1991, cửa đầu phía Bắc được thay bằng phù điêu diễn tả cuộc chiến đấu ở đây năm 1947.

Nói trở lại con phố này khi xây dựng chợ Đồng Xuân, người ta để chừa ra khoảng đất rộng ở đằng trước mặt để làm chỗ tránh nhau của đường xe điện (từ chợ Bưởi xuống Bờ Hồ và ngược lại). Chỗ đó trở thành nơi bà con nông dân “bám trụ” để bán lẻ gạo. (Bán buôn thì có chợ gạo cạnh bến sông Hồng). Do đó thành tên phố Hàng Gạo.

Chợ Đồng Xuân ngày nay

Nếu chú ý sẽ thấy bên số chẵn lồi lõm không thẳng hàng như mọi vỉa hè: Các nhà từ số 2 đến số 8 lùi vào, số 10 và 12 nhô ra, từ số 14, 24 lại lùi vào hàng vài mét. Tiếp đó từ số 26 đến số 36 lại nhô ra… Đó là do các nhà theo vị trí thửa đất cũ, trước khi thành phố làm vỉa hè. Bên số lẻ thì chỉ có khoảng trên mươi nhà (số 1 đến số 25).

Cả hai bên vốn đều là cửa hàng tạp phẩm: Hàng khô, măng, miến, mực… để nấu cỗ, vài nhà làm và bán hương trầm, hương xạ. Phía giáp Hàng Đường có những hàng bán đường mật và các bánh cổ truyền: Bánh gai, bánh mảnh cộng, bánh gấc, bánh cốm, bánh khảo, oản bột… Phía cạnh Hàng Mã cũng có vài nhà bán hàng mã và giấy mã phục vụ đền, chùa.

Ngày ấy, một hiện tượng thú vị là giữa phố toàn là vật thể thì số nhà 26 thời kỳ 1937 – 1939 phi vật thể là hiệu sách “Đồng Xuân Thư Quán” chuyên bán những sách báo công khai của Đảng cộng sản Đông Dương.

Ngày nay, cả phố chủ yếu là bán quần áo, chăn màn đủ loại, đủ kiểu, phục vụ người lớn và trẻ em. Không còn bánh kẹo nữa. Chỉ có một ngôi nhà ở giữa phố bên chẵn làm oản bột để cúng lễ và cũng chỉ còn một nhà bán hương trầm nổi tiếng ở chính số nhà 26./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên