Du học sinh nhớ về cha mẹ mùa Vu Lan

VOV.VN - Đó là những con người đang miệt mài học tập nơi đất khách quê người, không lúc nào thôi nhớ về cha mẹ, quê hương.

Tháng Bảy, mưa ngâu thất thường. Tháng Bảy, dòng đời vẫn tấp nập, nhộn nhịp, mỗi người một công việc riêng. Tháng Bảy cũng là lúc chúng ta tự lắng lòng mình lại, nghĩ nhiều hơn về cha mẹ, về gia đình trong mùa lễ Vu Lan báo hiếu. 

Bùi Thị Lan Phương (đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản)

Bùi Thị Lan Phương (đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản): Tôi hư, chắc cha mẹ buồn nhiều!

Từ khi sang Nhật Bản, tôi thấy nhớ nhà nhiều. Ở nơi đây, tôi mới thấm thía được giá trị của gia đình. Lúc nhỏ, tính tôi bướng lắm. Tôi hay cãi lại lời cha mẹ. Sau này, nghĩ lại thấy bản thân mình thật hư. Tôi hư, chắc cha mẹ buồn nhiều. Thế nhưng, vì còn bé, tôi chẳng thế nào hiểu được điều đơn giản ấy.

Bây giờ, nơi đất khách quê người, tôi phải tự lo và chăm sóc cho bản thân. Không có cha mẹ bên cạnh để nhắc nhở tôi làm thế đúng hay sai, cũng chẳng có ai mắng tôi nữa. Nhiều lúc nghĩ như thế, tôi lại thấy buồn và nhớ nhà hơn. Tôi vẫn thường tự nhủ mình phải mạnh mẽ hơn, không được khóc.

Nếu bây giờ, được gặp cha mẹ, tôi sẽ dành thật nhiều thời gian hơn cho cha mẹ.  Bản thân tôi rất tâm đắc hai câu thơ: “...Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”. Dù mai sau lớn lên, đủ lông đủ cánh, chúng ta có thể bay xa, nhưng cha mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước chân của mình. Mỗi chúng ta, phải sống thật hiếu thuận để không bao giờ phải hối hận về sau này.

Võ Quốc Huy (bên phải) (đại học Nice Sophia Antipolis, Pháp)

Võ Quốc Huy (đại học Nice Sophia Antipolis, Pháp): “Báo hiếu” là quá trình hoàn thiện bản thân

Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà tất cả những bạn du học sinh, đều mang tâm trạng nhớ nhà da diết, khi một mình cô đơn nơi đất khách quê người. Mỗi khi nhớ nhà, tôi thường gọi skype cho gia đình, rồi sau đó lại tiếp tục lao vào sách vở.

Ngày Vu Lan, tôi sẽ gọi điện về cho cha mẹ. Mỗi lần gọi điện về, tôi thường khoe đã học được rất nhiều thứ khi ở bên này. Tôi muốn cho cha mẹ thấy, con trai của cha mẹ đã trưởng thành hơn bao nhiêu.

Vì du học xa nhà, nên có dịp về tôi thấy rất đáng quý. Hình ảnh cha mẹ đón tôi ở sân bay từ xa, ánh mắt ngóng chờ, mong mỏi, lại khiến tôi xúc động không cầm được nước mắt.

Với tôi, việc “báo hiếu” là cả một quá trình hoàn thiện bản thân, cố gắng sống tốt, và nhất là không được thiếu đi sự quan tâm dành cho cha mẹ. Năm nay là năm cuối đại học nên tôi đặt kỳ vọng vào một kết quả thật cao, để cha mẹ có thể yên tâm tin tưởng con trai nhiều hơn, và chắc là tôi sẽ gọi về hỏi thăm cha mẹ thường xuyên.

Nguyễn Xuân Diệp (đại học Thép và Hợp Kim Matxcova, Nga)

Nguyễn Xuân Diệp (đại học Thép và Hợp Kim Matxcova, Nga): Luôn nhắc nhở phải làm cho cha mẹ hạnh phúc

Những ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước Nga, tôi nhớ nhà kinh khủng. Đã gần 20 năm tôi quen với việc ăn cơm mẹ nấu, áo quần mẹ giặt, lúc ốm đau có mẹ chăm sóc, bởi thế xa nhà khiến tôi lo lắng. Nhiều khi nhớ cha mẹ quá, tôi lại gọi điện về nhà, hoặc lấy những tấm hình của gia đình ra xem, rồi tủm tỉm cười một mình.

Hằng năm, vào ngày rằm tháng Bảy, thường là mẹ tôi hay gọi sang. Mẹ kể hôm nay ở nhà làm gì để đón rằm, có món gì, có chuyện gì vui, và không quên kèm theo một câu nói đùa của mẹ là "Có thèm không để mẹ gửi sang cho".

Tôi còn nhớ lúc cha mẹ ra tiễn ở sân bay, mẹ tôi vẫn cười nói vui vẻ. Nhưng sau này, mẹ mới bảo, mẹ sẽ không đi tiễn tôi nữa đâu vì mẹ sẽ khóc nhiều lắm. Tôi cảm thấy tôi càng thương cha mẹ nhiều, và càng không muốn nhìn thấy những giọt nước mắt lăn trên má mẹ.

Nhân ngày lễ Vu lan, tôi mong cha mẹ mình luôn mạnh khoẻ và vui vẻ. Tôi luôn tự nhắc nhở, phải luôn làm sao để cha mẹ thấy hạnh phúc, tự hào vì đã sinh thành và nuôi mình khôn lớn.

Về phần tôi, chưa bao giờ tôi dám tự nhận mình là một người con có hiếu. Tôi luôn áy náy, vì đã bước sang tuổi 25, nhưng vẫn chưa làm gì được để giúp đỡ cha mẹ.

Nguyễn Phước Lộc (đại học New Zealand Victoria University of Wellington, Mỹ)

Nguyễn Phước Lộc (Đại học New Zealand Victoria University of Wellington, Mỹ): Với tôi, ngày nào cũng là ngày Vu Lan

Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình một tuần một lần, vào dịp cuối tuần. Với tôi, ngày nào cũng là ngày Vu Lan. Bất cứ lúc nào, người con cũng có thể “báo hiếu” và nhớ về cha mẹ, không nhất thiết phải là dịp lễ đặc biệt nào.

Ngày Tết đầu tiên xa quê hương, tôi bật skype gọi về cho gia đình suốt. Lúc đó, mẹ nói chuyện với tôi, bảo ở nhà đang rộn ràng chuẩn bị đón tết. Tôi càng thấy tủi thân kinh khủng, chỉ muốn về Việt Nam.

Theo tôi, đạo làm con cần biết quan tâm cha mẹ đúng lúc. Nghĩa là không cần phải lúc nào cũng kề bên, hoặc nói con thương yêu cha mẹ lắm. Tôi vẫn liên lạc thường xuyên về nhà, để hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Nếu cha mẹ có bất cứ điều gì cần chia sẻ, giúp đỡ, tôi sẵn sàng thực hiện. Sau này, khi cha mẹ già yếu, thì nhất định, tôi sẽ phải chăm sóc cha mẹ tốt hơn nữa.

Cha mẹ chỉ mong tôi học hành thật tốt. Hiện tại việc học hành của tôi tạm ổn. Tôi du học xa nhà, chỉ biết liên lạc về nhà hàng tuần thôi, cũng chả làm được gì nhiều giúp đỡ cha mẹ. Với lại tôi nghĩ, nước mắt chảy xuôi, nên dù có báo đáp như thế nào cũng không thể bằng được tình cảm cha mẹ dành cho con.

Nguyễn Thị Quỳnh Phương (đại học Hertfordshire, Anh)

Nguyễn Thị Quỳnh Phương (Đại học Hertfordshire, Anh): Trước khi làm bất cứ một việc gì, đều phải nghĩ cho cha mẹ

Vào những ngày lễ, như là ngày lễ Vu Lan chẳng hạn, ở bên đây, các gia đình Việt Nam vẫn thường thắp hương, tụ hội đông đủ, chuyện trò. Riêng tôi, những dịp đặc biệt thế này, nhất định tôi cũng gọi điện về hỏi thăm gia đình, dù bận đến đâu. Đơn giản, tôi cũng chỉ chúc cha mẹ sống lâu, mạnh khỏe, hỏi xem ở gia đình có chuyện gì hay. Mỗi lần như vậy, biết được rằng ở nhà vẫn yên ổn, tôi cũng thấy vui vui trong lòng.

Bất cứ lúc nào thấy nhớ nhà, tôi đều gọi điện về cho cha mẹ. Còn nhớ, có lần, mẹ gọi sang cho tôi, nhắc nhở tôi nhớ mặc áo thật ấm mới được ra ngoài đường, vì mẹ mới xem dự báo thời tiết thấy ở bên Anh, nhiệt độ đang xuống rất thấp. Nghe vậy, không hiểu sao bỗng dưng tôi bật khóc thút thít. Mẹ nghe thấy tiếng tôi khóc trong máy, cũng im lặng nghẹn ngào mất mấy phút. Chắc mẹ thương tôi lắm, cứ nghĩ là bên này chẳng có ai ở cạnh, tôi phải tự chăm sóc lấy bản thân.

Ngày lễ Vu Lan, tôi chúc cho tất cả các bậc cha mẹ đều dồi dào sức khỏe. Sau nữa, chúc cho mọi gia đình có những phút giây thật hạnh phúc, ấm cúng bên nhau.

Với những người con, tôi muốn nhắn gửi: Cha mẹ chúng ta chẳng bao giờ đòi hỏi con cái phải trả ơn nuôi dưỡng sinh thành. Tuy nhiên, con cái muốn báo hiếu cho cha mẹ thì trước khi làm bất cứ một việc gì đều phải nghĩ cho cha mẹ, để từ đó tự nhận thức được việc nên làm, nên tránh./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giới trẻ Hà Nội phóng sinh báo hiếu mùa Vu Lan
Giới trẻ Hà Nội phóng sinh báo hiếu mùa Vu Lan

VOV.VN - Hàng trăm kilogam thủy sinh được các bạn trẻ tự thay thả xuống sông Hồng nhằm báo đáp công ơn đấng sinh thành.

Giới trẻ Hà Nội phóng sinh báo hiếu mùa Vu Lan

Giới trẻ Hà Nội phóng sinh báo hiếu mùa Vu Lan

VOV.VN - Hàng trăm kilogam thủy sinh được các bạn trẻ tự thay thả xuống sông Hồng nhằm báo đáp công ơn đấng sinh thành.

Kiều bào Pháp dự Lễ Vu Lan tại Trúc Lâm Thiền Viện Paris
Kiều bào Pháp dự Lễ Vu Lan tại Trúc Lâm Thiền Viện Paris

(VOV) - Trúc Lâm Thiền Viện Paris là một trong những điểm đến quen thuộc của bà con người Việt tại Pháp.

Kiều bào Pháp dự Lễ Vu Lan tại Trúc Lâm Thiền Viện Paris

Kiều bào Pháp dự Lễ Vu Lan tại Trúc Lâm Thiền Viện Paris

(VOV) - Trúc Lâm Thiền Viện Paris là một trong những điểm đến quen thuộc của bà con người Việt tại Pháp.

Vu lan nhắc đạo làm con
Vu lan nhắc đạo làm con

VOV.VN -Ngày lễ Vu lan là dịp nhắc nhở mọi người về công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ…

Vu lan nhắc đạo làm con

Vu lan nhắc đạo làm con

VOV.VN -Ngày lễ Vu lan là dịp nhắc nhở mọi người về công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ…