Quảng Nam chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương gắn với kiện toàn đội ngũ cán bộ

VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Tỉnh sẽ điều động, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho hợp lý.

Năm 2023, tỉnh Quảng Nam thực hiện đạt và vượt 12/15 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giảm 8,25% so với năm 2022, mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997 đến nay.

Trải qua một năm đầy khó khăn, biến động, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực vượt khó, tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng và chủ động phục hồi kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024.

Dịp đầu năm mới, phóng viên VOV khu vực miền Trung phỏng vấn ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam.

PV: Năm 2023, tỉnh Quảng Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, biến động trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả tích cực. Ông có thể cho biết những điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023?

Ông Lê Văn Dũng: Năm 2023, quy mô nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam ở mức 112,5 ngàn tỷ đồng. Trong cơ cấu nền kinh tế, ngành nông nghiệp vẫn ở mức tăng trưởng 3,5 % và trở thành một trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.

Năm nay, tỉnh Quảng Nam có thêm 7 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới toàn tỉnh lên 130/193 xã, chiếm tỷ lệ 67,5 %. Trong đó có 20 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Riêng về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn, mặc dù tổng thu ngân sách không đạt nhưng nguồn thu nội địa vượt kế hoạch đề ra. Năm 2023, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam là 21.600 tỷ đồng, vượt 9% so với chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

Tỉnh Quảng Nam tập trung chăm lo cho người nghèo, đặc biệt là xóa được hơn 4000 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, chăm lo cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần cho người dân… rất tích cực. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam cơ bản không còn hộ nghèo. Đây là một chủ trương lớn và hiện đang triển khai thực hiện rất tốt.

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là các tổ chức cơ sở Đảng ở địa bàn nông thôn, miền núi. Các tổ chức Đảng phát huy được vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới và đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong năm 2023, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã phát triển được 2.041 đảng viên, đạt tỷ lệ 113,39% kế hoạch đề ra trong năm. Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2021 - 2025, Đảng bộ tỉnh liên tục vượt về chỉ tiêu phát triển đảng viên mới.

PV: Năm 2023 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam giảm 8,25% so với năm 2022, mức giảm nhiều nhất từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay. Thu ngân sách Nhà nước và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt yêu cầu. Những hạn chế này xuất phát từ những nguyên nhân nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Dũng: Trước hết, có thể khẳng định rằng, đó là tình hình chung, do tác động từ tình hình thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Nam giảm 8,25%, trong đó tăng trưởng ở ngành công nghiệp và xây dựng giảm sâu nhất, giảm 21,7%. Hậu quả của dịch bệnh Covid-19 để lại làm cho nhiều doanh nghiệp tiếp tục khó khăn. Trong quá trình sản xuất, đơn hàng đầu ra ngay từ đầu năm không có, dẫn đến giải quyết việc làm cho người lao động giảm, đời sống của công nhân, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Tại tỉnh Quảng Nam, hậu quả của các đợt thiên tai, bão lũ từ năm 2020 để lại rất nặng nề. Đến nay, nhiều tuyến đường huyết mạch, nhiều công trình vẫn chưa khắc phục xong.

Tuy nhiên, những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam trong năm 2023 còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Đó là công tác lãnh đạo, điều hành nhiều nơi, nhiều ngành còn chậm ở nhiều khâu. Ngoài ra, trong năm qua, tỉnh Quảng Nam tập trung phục vụ cho các đoàn thanh tra, kiểm tra của Trung ương, cho nên một số sở, ngành cũng bị cuốn vào nhiệm vụ phối hợp này nên ít nhiều không làm tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Việc tham mưu, thực hiện các hồ sơ, thủ tục, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm để đảm bảo khối lượng… còn nhiều vướng mắc, bất cập khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay rất thấp. Đây là điểm hạn chế nhất.

Đó là những nguyên nhân chủ yếu làm cho nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam sụt giảm.

PV: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Để hiện thực hoá mục tiêu này, trong năm 2024, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào để đưa kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững, thưa ông?

Ông Lê Văn Dũng: Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo cơ hội lớn để tỉnh Quảng Nam mở ra một giai đoạn phát triển mới. Tỉnh sẽ có trách nhiệm trong việc triển khai công bố quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch này ngay sau Tết Nguyên Đán 2024.

Tiếp theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, đồng thời có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Nam. Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ có trách nhiệm trong việc triển khai các giải pháp trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.

PV: Năm 2023, một số cán bộ chủ chốt trong tỉnh phải thôi chức vụ, bị xem xét kỷ luật bởi có những vi phạm, khuyết điểm. Bước vào năm 2024, Đảng bộ tỉnh sẽ thực hiện những giải pháp như thế nào để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, xốc lại tinh thần đội ngũ cán bộ, đảng viên; nêu cao ý thức dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là những người đứng đầu?

Ông Lê Văn Dũng: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã có kế hoạch triển khai, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nội dung trong Thông báo Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Việc đầu tiên mà tỉnh Quảng Nam phải thực hiện đó là sắp xếp, kiện toàn lại đội ngũ cán bộ theo tinh thần Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị và Quy định số 41 của Bộ Chính trị. Qua đó tập trung sắp xếp lại công việc cho một số cán bộ lãnh đạo có vi phạm, khuyết điểm.

Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam triển khai công tác kiểm tra, thi hành kỷ luật một số tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm, khuyết điểm đã được đoàn kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra để sớm chấn chỉnh những sai phạm, tồn tại, hạn chế. Tỉnh Quảng Nam sẽ cố gắng phấn đấu không để những sai phạm, tồn tại, hạn chế này tái diễn. Có như vậy thì Đảng mới mạnh và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2021 – 2025 đã đề ra.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Tỉnh sẽ điều động, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ cho hợp lý. Phải tập trung động viên, xốc lại tinh thần của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhưng đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Hiện nay có tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên ở các sở, ngành, địa phương có biểu hiện sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ. Thực trạng đáng buồn này đã làm cho công tác điều hành của hệ thống chính quyền chậm lại.

Những nội dung, vấn đề nào còn chưa nhận thức đúng hoặc hành lang pháp lý chưa rõ thì có thể xin ý kiến cấp trên. Nhưng đối với những vấn đề đã được pháp luật quy định rõ thì phải quyết tâm thực hiện bằng được, làm đến nơi đến chốn, thể hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ, có biện pháp cứng rắn để chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương và xốc lại tinh thần của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì mới vượt qua khó khăn và khắc phục được những tồn tại, hạn chế, tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm 2024.

PV: Xin cảm ơn ông.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chủ tịch UBND TP.HCM: Tránh tình trạng “đầu năm thư thả, cuối năm hối hả”
Chủ tịch UBND TP.HCM: Tránh tình trạng “đầu năm thư thả, cuối năm hối hả”

VOV.VN - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Ban Giao thông cần bắt nhịp ngay từ đầu năm để đảm bảo tiến độ chung.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Tránh tình trạng “đầu năm thư thả, cuối năm hối hả”

Chủ tịch UBND TP.HCM: Tránh tình trạng “đầu năm thư thả, cuối năm hối hả”

VOV.VN - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Ban Giao thông cần bắt nhịp ngay từ đầu năm để đảm bảo tiến độ chung.

Kỷ luật một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam
Kỷ luật một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam

Ngày 18/1, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các quyết định thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam.

Kỷ luật một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam

Kỷ luật một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam

Ngày 18/1, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các quyết định thi hành kỷ luật đối với một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam.