Người anh hùng Khmer đầu tiên được gặp Bác Hồ

Sau nhiều lần được gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện trong các kỳ đạihội, Sơn Ton nhận ra một điều: Bác rất gần gũi và giản dị. 2 đức tính mà ông Sơn Ton luôn tâm đắc, nhắc nhở các con thực hiện theo gương Bác Hồ là sống giản dị và tích cực học tập

Trong số những người con miền Nam tập kết ra Bắc và được gặp Bác Hồ có anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên của Nam bộ là Trung tá Sơn Ton - người dân tộc Khmer. Nhiều năm đã qua, nhưng anh hùng quân đội Sơn Ton không thể nào quên lần gặp Bác Hồ ấn tượng nhất vào năm 1955.

Sơn Ton sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Khmer nghèo ở xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Gia đình chỉ có hai chị em, từ khi mới lên 9 tuổi, ông đã cùng cha mẹ lưu lạc khắp nơi làm thuê, ở đợ, cuối cùng dừng chân ở đất Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.

Sau Cách mạng tháng Tám, các chủ điền lo sợ, giải tán người ở khá nhiều, Sơn Ton mất việc. Thấy cuộc đời cơ cực quá, phong trào đánh Pháp lại đang sôi động khắp nơi, không cần suy nghĩ, Son Ton xin vào du kích Long Phú và trở thành vua lựu đạn gài. Tàu Pháp càn vào sông thì gặp địa lôi, càn lên bờ thì trúng lựu đạn. Nhanh trí, gan góc, bình tĩnh trong mọi tình huống và chịu khó quan sát qui luật của địch, Sơn Ton gài lựu đạn chỗ nào thì trúng phóc là thằng địch mò tới đó, bị
nổ bất ngờ, đứa chết, đứa bị thương.

Có người hỏi Sơn Ton “sao đoán đúng vậy?”. Anh cười hiền lành: “Có gì đâu, thằng Tây nó ác lại tham lam. Mình đoán biết nó sẽ ăn, sẽ lấy, sẽ đi chỗ đó nên gài lựu đạn thôi...”.

Đội du kích Long Phú bấy giờ trở thành nỗi ám ảnh của bọn Pháp ở Sóc Trăng suốt chặng đường 9 năm kháng chiến và là nguồn cảm hứng cho cố Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương sáng tác "Bài ca du kích Long Phú". Vì những thành tích ấy, Sơn Ton đã được phong anh hùng lực lượng vũ trang sớm nhất miền Nam.

Năm 1954, cùng bộ đội tập kết ra Bắc, Sơn Ton được giao làm công tác hậu  hương quân đội và được gặp Bác Hồ nhiều lần, nhưng lần gặp năm 1955, khi đang dự Đại hội Mặt trận Thống nhất làm ông cảm động nhất.

Tối đó, cả tổ của Sơn Ton gồm 12 người do Thiếu tướng Uông Thừa Vũ làm tổ trưởng, anh hùng La Văn Cầu làm tổ phó đang thảo luận về văn kiện đại hội thì Bác Hồ bước vào. Bác muốn đến thăm tổ anh hùng, chiến sĩ thi đua có những người con ưu tú của miền Nam đầu tiên.

Câu đầu tiên Bác nhắc anh hùng Núp khi họp hành phải mặc quân phục, còn dịp khác mới đóng khố Tây Nguyên. Liền sau đó, Bác hỏi: “Chú nào là người dân
tộc Khmer, vừa mới được phong anh hùng?”. Sơn Ton bấy giờ mang quân hàm Thiếu úy vừa mừng, vừa run, đứng dậy thưa: “Thưa Bác, là cháu ạ. Cháu là người dân tộc Khmer Nam bộ”. Bác hỏi: “Cháu có biết chữ Pali không?”. Sơn Ton thưa: “Cháu không biết, cháu chỉ đi ở đợ rồi lo đi đánh giặc, không vào chùa học chữ…”. Bác khuyên Sơn Ton nên học cho giỏi chữ Pali, tiếng Khmer để về miền Nam vận động bà con dân tộc chống Mỹ. Sơn Ton càng bất ngờ hơn khi Bác hỏi cháu đánh giặc một mình có được không rồi nói bằng tiếng Khmer rất rõ “Prochia-cheon Viet Nam-Campuchia -Lao sammaky veay com-chat anany cum Ba-răng..”, nhắc nhở mọi người, đặc biệt 3 dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia phải đoàn
kết mới đánh thắng thực dân xâm lược Pháp.

Sau nhiều lần được gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện trong các kỳ đại hội, Sơn Ton nhận ra một điều: Bác rất gần gũi và giản dị. Mọi người chuẩn bị trang hoàng cổng chính đón Bác thì Bác lặng lẽ đến từ cổng sau, đứng gần mọi người hơn, quan tâm, thăm hỏi mọi người thân tình hơn khiến ai cũng thấy Bác như người thân, mất hẳn cảm giác căng thẳng, hồi hộp. Từ những lần gặp Bác như thế, làm việc gì, ở đâu Sơn Ton cũng luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau ngày thống nhất đất nước, Sơn Ton về lại Cù Lao Dung tiếp tục làm công tác hậu phương quân đội và có thời gian tham gia phục vụ chiến trường Campuchia. Công việc của Sơn Ton đòi hỏi phải tận tâm, tỉ mỉ và ông đã làm hết sức mình với suy nghĩ: ngoài việc thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội của Đảng, còn là nghĩa vụ, là tình đồng chí, đồng đội đối với những người đã chiến đấu, hy sinh, mất mát một phần thân thể ở chiến trường.

Giờ đây, Thiếu úy Sơn Ton ngày nào đã 78 tuổi đời, 54 tuổi Đảng và nghỉ hưu với cấp hàm trung tá, nhưng ông vẫn là một trong những đảng viên gương mẫu ở chi bộ Đảng khu vực 3, phường An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Từ một cậu bé chuyên đi đợ, theo con đường Cách mạng của Bác Hồ, giờ đây Sơn Ton và các con ông đang là những chủ nhân xứng đáng của đất nước thanh bình. Sơn Ton tự hào có 3 người con thì một đang là sĩ quan quân đội, một đang là sĩ quan công an và một đang làm việc hành chính ở bệnh viện nhi đồng. Tất cả đều đang cùng đơn vị thi đua sống và làm việc theo gương Bác Hồ. Đặc biệt, người con thứ hai - thượng úy Sơn Sa Pan là một trong những cá nhân tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của đơn vị công an phường Tân An, quận Ninh Kiều.

Có 2 đức tính mà ông Sơn Ton luôn tâm đắc, nhắc nhở các con thực hiện theo gương Bác Hồ là sống giản dị và tích cực học tập./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên