Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến: Bảo vệ chủ quyền bằng quyết tâm của cả dân tộc

VOV.VN - Đấu tranh với hành vi sai trái của Trung Quốc, chúng ta phải tiếp tục phản đối mạnh mẽ hơn nữa bằng nhiều hình thức.

Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) chia sẻ với báo chí bên lề Quốc hội về những diễn biến trên Biển Đông cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền của cả hệ thống chính trị.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình Biển Đông và ảnh hưởng của tình hình trên đến đời sống hiện nay?

Ông Lê Như Tiến: Tình hình biển Đông đã được thông tin hàng ngày nhưng xâu chuỗi lại các sự kiện từ việc vẽ đường lưỡi bò trên Biển Đông đến việc uy hiếp khủng bố đe dọa, thậm chí dùng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản trên ngư trường của chính Việt Nam, thu giữ ngư cụ, đổ hải sản xuống biển, cho đến việc cắt cáp tàu Bình Minh và trắng trợn hơn là hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy đây là một âm mưu có chủ đích và đã có từ lâu của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông.

Trước tình hình đó, 90 triệu dân trong nước và gần 5 triệu kiều bào đã đồng lòng lên tiếng, hướng về biển đảo, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã lên tiếng. Đặc biệt, trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ 9 của Tổng Bí thư, hay phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 7 của Chủ tịch Quốc hội và 2 phát biểu của Thủ tướng tại 2 hội nghị quốc tế trong thời gian qua đều khẳng định chúng ta kiên quyết giữ bằng được chủ quyền biển đảo, tức là khẳng định quyết tâm chính trị bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng đất, vùng biển của Việt Nam. Chúng ta không đánh đối chủ quyền để lấy bất kỳ lợi ích nào khác. Giữ bằng được chủ quyền là quyết tâm lớn nhất.

Tuy nhiên giải pháp để giữ có nhiều cách. Một là quyết tâm của toàn dân tộc, sức mạnh nội lực của chúng ta. Thứ hai là các lực lượng trực tiếp là cảnh sát biển, hải cảnh, kiểm ngư ra đấu tranh với Trung Quốc và đặc biệt chính là những người dân, những ngư dân bằng hoạt động đánh bắt cá có mặt tại Biển Đông vừa khai thác hải sản tại ngư trường, vừa bảo vệ gìn giữ lãnh hải của chúng ta.

Đồng thời với đó, chúng ta huy động sức mạnh quốc tế qua việc thông báo chính thức với Liên Hợp Quốc, tổ chức các cuộc họp báo quốc tế để nói với thế giới rằng Trung Quốc đang ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam và kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 cùng với lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Nhân dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài đã xuống mít tinh, tuần hành biểu hiện thái độ của người dân, bạn bè yêu chuộng hòa bình ở các nước cũng đã lên tiếng. Từ thượng viện Hoa Kỳ, Tổng thống Philippines đến các cơ quan ngoại giao của Nhật Bản, các nước châu Âu, Á, Phi, Mỹ Latinh,  thực ra là 5 châu 4 biển đều ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và lên án hành động của Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông, vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Đó là phản ứng chung trong nước và thế giới, còn trên nghị trường, các ĐBQH đều lên tiếng đồng loạt và đề nghị ĐBQH của Trung Quốc cũng như nghị sỹ tại các nghị viên trên thế giới bằng công lý và hiểu biết pháp luật, công bằng lên tiếng ủng hộ Việt Nam, phản đối Trung Quốc, yêu cầu rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngay tại buổi khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ cũng đã đề cập đến tình hình Biển Đông và nói rằng đó là sự xâm phạm nghiêm trọng đối với vùng biển Việt Nam. Hơn thế nữa, tại kỳ họp này, Quốc hội đã ra thông cáo mạnh mẽ về tình hình Biển Đông, nói lên ý chí của Quốc hội cũng như toàn dân trong quyết tâm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Các hành động đó cho thấy chúng ta đã có phản ứng kịp thời, mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, của các ĐBQH cũng như toàn thể Quốc hội và thể hiện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Tới đây chúng tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa đối với hành vi của Trung Quốc và có những đề nghị với quốc tế, tổ chức quốc tế, các nước, người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới sát cánh cùng Việt Nam, phản đối hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền biển đảo của chúng ta và nhiều ĐBQH đề nghị kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế vì đã vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc cũng là thành viên và kiện Trung Quốc về việc hành xử bằng vũ lực đối với tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Trong những ngày qua, Trung Quốc đã dùng tàu lớn đâm vào tàu cá của ngư dân Việt Nam làm chìm tàu và nhiều người bị thương. Hành động dùng vũ lực trắng trợn đó là vô cùng nghiêm trọng vì ảnh hưởng đến tính mạng ngư dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã coi đó là hành động khủng bố và phải bị lên án.

PV: Những hành động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua là do trước đây ta phản ứng chưa đủ mạnh mẽ khiến Trung Quốc lấn tới?

Ông Lê Như Tiến: Tôi không cho là vậy, không hẳn chúng ta hành động không mạnh mẽ vì các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư của ta đã trực tiếp đối đấu với các tàu Trung Quốc và chúng ta đã lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên quan điểm từ đầu đến cuối của chúng ta là không tạo nên căng thẳng ở Biển Đông để cho Trung Quốc lợi dụng làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm. Chúng ta không chủ động tạo ra những tình huống phức tạp nhưng chúng ta càng lùi thì Trung Quốc càng lấn tới. Cho nên, nếu chúng ta đã có đầy đủ các điều kiện pháp lý, củng cố hồ sơ pháp lý và chúng ta có thể kiện ra Tòa án quốc tế, thông báo và gửi các văn bản chính thức lên LHQ để LHQ biết rằng vùng biển của ta đang bị Trung Quốc xâm phạm. Thông qua con đường ngoại giao, nguyên thủ và lãnh đạo của ta cũng đã điện đàm với lãnh đạo nhiều nước để họ hiểu và ủng hộ Việt Nam trong vấn đề này.

PV: Vậy còn trong nước, ngoài việc thể hiện thái độ phản đối, ông nghĩ rằng cần có những hành động nào khác trong tình hình hiện nay để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh pháp lý trên Biển Đông?

Ông Lê Như Tiến: Với tư cách ĐBQH, tôi cho rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục phản đối mạnh mẽ hơn nữa bằng nhiều hình thức, bằng những phát biểu chính thức của mình trên các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng. Các hiệp hội, tổ chức xã hội, MTTQ, Tổng LĐLĐ, các ngành, các giới khác nhau cùng lên tiếng, thông qua các tổ chức tương ứng của Trung Quốc và các nước trên thế giới để phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam.

Về mặt bảo vệ chủ quyền, hơn lúc nào hết, giờ là lúc chúng ta phải tăng cường tiềm lực quân sự, hỗ trợ về cơ sở vật chất và con người, đặc biệt cho các lực lượng ở biển như Cảnh sát biển, kiểm ngư, hải quân, các chiến sỹ đang canh gữi các đảo tiền tiêu của Tổ quốc; Phải đầu tư nhiều hơn cho ngư dân đóng những con tàu lớn.

Chúng ta cần có nhiều biện pháp tổng lực khác nhau và giới truyền thông là lực lượng rất mạnh, cần phải nói cho dư luận và thế giới biết về chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông, giới truyền thông cũng góp phần để đoàn kết toàn thể người dân Việt Nam.

PV: Sau kỳ họp, ông sẽ truyền đạt gì cho cử tri về tình hình Biển Đông?

Ông Lê Như Tiến: Chắc chắn cử tri sẽ rất quan tâm đến tình hình, diễn biến trên Biển Đông cũng như những phản ứng, đặt vấn đề Quốc hội phản ứng ra sao với vấn đề Biển Đông. ĐBQH đại diện cho nhân dân đã đóng góp ý kiến về tình hình Biển Đông với Quốc hội.

Chúng ta phải thông tin cho cử tri toàn bộ tình hình, diễn biến, những đối sách, phản ứng của chúng ta về tình hình Biển Đông nhưng chúng ta là một quốc gia tôn trọng hòa bình, hòa hiếu nên phải hành xử một cách hòa bình, văn minh nhân ái chứ chúng ta không chủ trương dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề Biển Đông.

Lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố: khi buộc phải tự vệ chúng ta vẫn phải tự vệ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên