Ban hành văn bản kém chất lượng: Quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức

VOV.VN - Một điểm mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là luật cơ bản, luật nền phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Có nhiều điểm mới của Luật được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính thống nhất trong công tác xây dựng luật.

Con số hơn 12.000 văn bản có vấn đề, với các lỗi như hết hiệu lực, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà Bộ Tư pháp đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2015 vừa qua làm dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Những văn bản không đảm bảo chất lượng này là do các cơ quan tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa làm hết trách nhiệm của mình. Trong đó, có một phần nguyên nhân là năng lực kém của cán bộ làm văn bản. 

Theo ông Nguyễn Tiến Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, một điểm mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ chế xử lý rõ ràng đối với những cá nhân, tổ chức, cơ quan xây dựng, ban hành văn bản kém chất lượng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh
“Về trách nhiệm trong ban hành, luật quy định khá chặt chẽ, cơ quan soạn thảo, thẩm tra, thẩm định, thậm chí quy định cá nhân, tổ chức… phù hợp với công ước quốc tế. Nếu chất lượng không cao thì xử lý, điều này để ràng buộc các cơ quan…đến khi văn bản được tổ chức thực hiện”, ông Nguyễn Tiến Sinh nói.

Theo bà Trịnh Thị Thanh Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, một điểm mới của Luật nữa cũng rất được người dân quan tâm, đó là mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Luật đã bổ sung nhiều quy định hợp lý, cụ thể hơn về việc lấy ý kiến để tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách thực chất, hiệu quả hơn, trong đó, việc lấy ý kiến người dân được coi là thủ tục bắt buộc trong cả giai đoạn đề nghị xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo.

“Đây là đạo luật cực kỳ quan trọng vì quy định về công tác xây dựng pháp luật. Trong nội dung quy định mới, tôi rất quan tâm và đánh giá cao đó là xác định rõ nguyên tắc, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trên quan điểm công khai minh bạch”, bà Trịnh Thị Thanh Bình nêu ý kiến.

Để tránh xảy ra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, không hiệu quả, Luật đã quy định thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tách bạch với quy trình soạn thảo văn bản.

Theo ông Y Khút Niê, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc, để luật được triển khai một cách có hiệu quả, các cơ quan ban ngành có liên quan phải nhanh chóng ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành luật, tránh tình trạng luật có rồi nhưng vẫn chưa văn bản hướng dẫn. 

Cùng với đó các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải rà soát lại các văn bản xem còn phù hợp hay không để có hướng xử lý khi luật có hiệu lực. Đồng thời chuẩn bị lực lượng cán bộ pháp chế có chuyên môn sâu và khả năng lập pháp tốt để tham mưu giúp đỡ các cơ quan ban hành văn bản có hiệu quả. Các cấp các ngành, đặc biệt là ngành tư pháp cần hướng dẫn để thực hiện đúng, cấp huyện, xã cũng phải nghiên cứu kĩ để tránh chồng chéo.

Từ nay đến ngày 1/7, để luật được triển khai và nhanh chóng đi vào cuộc sống, rất cần sự chung tay, góp sức của các cơ quan ban ngành liên quan từ Trung ương tới địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên