Xử phạt xe không có giấy tờ gốc: Đừng đẩy khó về phía người dân

VOV.VN - CSGT buộc chủ xe phải có giấy tờ gốc nếu không sẽ xử phạt trong khi đó Ngân hàng cho vay tiền mua xe thì quyết giữ giấy tờ gốc để đảm bảo.

Cảnh sát giao thông buộc chủ xe phải có giấy tờ gốc nếu không sẽ xử phạt kể cả giấy phô tô công chứng, trong khi đó Ngân hàng cho vay tiền mua xe thì quyết giữ giấy tờ gốc để đảm bảo cho khoản tiền cho vay. Những xung đột các quy định pháp luật này đã khiến 1,3 triệu người vay tiền mua xe ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Ngày 31/5/2017, Bộ Công an ký công văn số 2916 khẳng định lại việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe là chính xác và không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của ngân hàng. Nhiều chủ xe đã bị cảnh sát giao thông xử phạt đi xe ô tô không có giấy tờ gốc, mặc dù trình giấy tờ là bản sao và chứng nhận đang thế chấp tại ngân hàng. Việc phạt không có giấy tờ gốc khiến người mua xe thế chấp ngân hàng hoang mang.

Cảnh sát giao thông sẽ xử phạt những xe lưu thông trên đường mà không có giấy tờ gốc.
Anh Nguyễn Văn Long, một lái xe taxi nói: “Tôi nghe nhiều thông tin và rất băn khoăn, cảnh sát giao thông thì nói xử phạt không có giấy tờ gốc còn ngân hàng thì muốn vay được tiền phải thế chấp giấy tờ gốc. Hiện tại lái xe như chúng tôi không biết thế nào chỉ mong có quy định rõ ràng”.

Không chỉ có các cá nhân vay tiền mua xe có thế chấp giấy tờ gốc trong ngân hàng gặp khó khăn việc này còn ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp kinh doanh. Ông Đậu Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ đầu tư Thiên Trường cho biết: Đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thì 100% là vay tiền ngân hàng và có cầm cố giấy tờ xe để đảm bảo cho khoản vay. Việc các ngân hàng cầm giấy tờ gốc hoàn toàn đúng luật, bởi theo điều 323 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì các ngân hàng được phép cầm cố giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp theo thỏa thuận trừ trường hợp luật có quy định khác.

Ông Đậu Xuân Ngọc không đồng ý việc cảnh sát giao thông xử phạt không có giấy tờ gốc đối với những phương tiện đang thế chấp vay ngân hàng: "Tôi sẽ không đồng tình khi bị xử phạt không có giấy tờ gốc, tôi cũng đề nghị phía ngân hàng khi nhận thế chấp tài sản như đăng ký xe thì nên cung cấp lại cho phía doanh nghiệp những bản phô tô có xác thực để tiện việc trình bày với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm tra giám sát về giao thông”.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) giấy đăng ký xe phô tô công chứng không thay thế được bản chính khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc ngân hàng giữ bản chính đăng ký phương tiện là không đúng theo quy định. Chính vì vậy, chủ phương tiện phải liên hệ với ngân hàng để thực hiện đúng.

Giấy xác nhận của ngân hàng về việc giữ giấy tờ gốc ô tô không được cảnh sát giao thông chấp thuận.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại lo ngại việc trả giấy tờ gốc cho người vay thì khó thu hồi nợ và trở thành nợ xấu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp và Bộ Công an kiến nghị: trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163, Nghị định 11, Bộ Công an chỉ đạo cơ quan công an các cấp cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của tổ chức tín dụng khi lưu thông.

Hiện đang có 1,3 triệu xe ô tô đang thế chấp giấy tờ gốc tại ngân hàng vi phạm pháp luật, nếu xử phạt sẽ gây ra rất bất lợi cho hoạt động tín dụng, kinh doanh vận tải và kinh tế xã hội nói chung.

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Việc xung đột giữa các văn bản quy định pháp luật là không thể tránh khỏi. Các cơ quan chức năng bàn phương án giải quyết vừa đảm bảo được các điều kiện an toàn giao thông khi lưu thông vừa đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng cho vay tiêu dùng.

“Để giải quyết thì các ngành cùng ngồi với nhau tìm giải pháp cho ngân hàng vẫn đảm bảo quản lý an toàn vốn vay, đồng thời cơ quan quản lý giao thông vẫn đảm bảo quy định của mình về trách nhiệm quản lý của chủ phương tiện khi lưu hành. Có thể nên tính một phương án tạo một giấy tờ thứ 3 hoặc hình thức giấy tờ khác đối với phương tiện mà đang trong thời gian thế chấp các tổ chức tín dụng tài chính vay tiền, đảm bảo cho chủ phương tiện vẫn giữ được giấy tờ gốc mà không thể chuyển nhượng được.” – luật sư Kiệm nói.

Trong khi cơ quan chức năng, các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất về các xử lý việc xử phạt xe không có giấy tờ gốc thì 1,3 triệu chủ xe ô tô vay thế chấp giấy tờ tại các tổ chức tín dụng vẫn “hoang mang” khi lưu thông ra đường có thể bị xử phạt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Luật sư lên tiếng việc xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc
Luật sư lên tiếng việc xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc

VOV.VN - Theo luật sư, việc ngân hàng giữ giấy tờ gốc đăng ký xe trả góp có thể chấp nhận được nếu không sẽ xảy ra tình trạng “thả gà ra đuổi”.

Luật sư lên tiếng việc xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc

Luật sư lên tiếng việc xử phạt lái xe không mang giấy tờ gốc

VOV.VN - Theo luật sư, việc ngân hàng giữ giấy tờ gốc đăng ký xe trả góp có thể chấp nhận được nếu không sẽ xảy ra tình trạng “thả gà ra đuổi”.

Gần 1,3 triệu chủ xe sắp bị xử phạt vì lái xe không có giấy tờ gốc
Gần 1,3 triệu chủ xe sắp bị xử phạt vì lái xe không có giấy tờ gốc

VOV.VN - Việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông khiến nhiều chủ xe lo lắng.

Gần 1,3 triệu chủ xe sắp bị xử phạt vì lái xe không có giấy tờ gốc

Gần 1,3 triệu chủ xe sắp bị xử phạt vì lái xe không có giấy tờ gốc

VOV.VN - Việc cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt các chủ phương tiện không có giấy đăng ký xe bản chính khi tham gia giao thông khiến nhiều chủ xe lo lắng.