Tiền Giang: Chủ phương tiện quá khổ, quá tải phải sửa đường

VOV.VN -Tiền Giang sẽ kiên quyết xử lý các phương tiện vi phạm, làm hư hỏng công trình giao thông; buộc chủ phương tiện phải bỏ kinh phí để sửa chữa đường.

Thời gian gần đây, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Chủ trương này đang đem lại hiệu quả tích cực, tạo cú hích mạnh cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, nhiều phương tiện quá tải, quá khổ lưu thông làm các tuyến đường này hư hỏng nặng; không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông mà còn làm phương hại tới phương tiện mưu sinh thiết yếu của cộng đồng. 

Phương tiện quá tải làm đường giao thông ở xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) bị hư hỏng nặng

Mặt đường nhiều vùng nông thôn tỉnh Tiền Giang, gần đây, xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”. Mưa thì đọng nước, nắng thì đất, đá lổm chổm, bụi mịt mù...

Huyện lộ 35, từ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành đến xã Long Tiên, huyện Cai Lậy mới được láng nhựa phẳng lì nhưng giờ mặt đường này đã bị dặm vá như “da beo”. Nguyên nhân là do xe chở vật liệu xây dựng quá tải làm hư hỏng.

Tỉnh lộ 877, địa phận từ xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo đến Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên ấp khu vực giáp ranh 2 xã Hòa Định và Xuân Đông, huyện Chợ Gạo bị “băm nát”.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, đường giao thông vùng nông thôn thường chật hẹp, nền đất yếu nên dễ bị sụp lún. Chính quyền địa phương không có nguồn kinh phí dặm vá nên tình trạng hư hỏng mặt đường ngày càng nghiêm trọng. Địa phương nhờ cấp trên hỗ trợ chứ không có khả năng.

 

Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông tỉnh Tiền Giang là 2 lực lượng chủ công trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý tình trạng phương tiện lưu thông quá tải, quá khổ. Thời gian qua, Thanh tra giao thông đã buộc các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng ký cam kết không chở quá tải, quá khổ. Các trường hợp chở quá khổ, quá tải bị cắt hạ thùng xe và xử phạt nặng.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chánh thanh tra Giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, sẽ kiên quyết xử lý các phương tiện vi phạm, làm hư hỏng công trình giao thông; trong đó, có biện pháp buộc chủ phương tiện phải bỏ kinh phí để sửa chữa đường.

“Trước đây chúng tôi đã cho các doanh nghiệp đầu mối ký cam kết không xếp hàng hóa tải lên xe. Tới đây, các doanh nghiệp chưa ký cam kết, Thanh tra sẽ kết hợp với địa phương cho làm cam kết và kiên quyết xử lý các phương tiện chở quá tải làm hư hỏng các công trình giao thông; đặc biệt là các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ do thanh tra đảm nhiệm” – ông Bảy nói.

Vận chuyển quá tải, quá khổ không chỉ gây nguy cơ cao về tai nạn giao thông mà còn làm hư hỏng nặng nề mặt đường, gây thiệt hại về kinh tế cho cả người dân và Nhà nước. Việc vận chuyển hàng hóa là nhu cầu thiết yếu để phục vụ phát triển kinh tế, đời sống người dân. Tuy nhiên, các phương tiện phải chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông, không thể vì lợi ích kinh tế của một nhóm người mà ảnh hưởng tới lợi ích chính đáng của cả cộng đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lái xe quá khổ, quá tải chia sẻ "mánh" qua mặt công an, giao thông
Lái xe quá khổ, quá tải chia sẻ "mánh" qua mặt công an, giao thông

VOV.VN -Chủ xe cố tình chở quá tải, còn ngành chức năng lại cố tình “lơ đi”. Hậu quả là nhiều tuyến đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Lái xe quá khổ, quá tải chia sẻ "mánh" qua mặt công an, giao thông

Lái xe quá khổ, quá tải chia sẻ "mánh" qua mặt công an, giao thông

VOV.VN -Chủ xe cố tình chở quá tải, còn ngành chức năng lại cố tình “lơ đi”. Hậu quả là nhiều tuyến đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.