Nhường đất cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), hơn 3.000 hộ dân được di dời đến nơi ở mới tại Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn. Hạ tầng khang trang, hiện đại hơn, song người dân vẫn băn khoăn vì sinh kế chưa bắt kịp với đời sống mới.

Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn nằm trên địa bàn hai xã Lộc An, Bình Sơn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đây là khu tái định cư lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích hơn 280ha. Từng là rừng cao su bạt ngàn, giờ đây, khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn đang trở mình thành những dãy phố sầm uất với hàng trăm biệt thự, nhà lầu của hàng ngàn hộ dân xã Suối Trầu. Họ đến nơi ở mới sau khi nhường đất xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng với kỳ vọng về một cuộc sống mới tốt hơn. Song có lẽ đến lúc này, đấy vẫn chỉ là giấc mơ chưa thể với tới.

Về khu tái định cư từ những ngày đầu, ngụ trong căn nhà khang trang với diện tích 110m2, chị Nguyễn Thị Diễm Kiều mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ và một xe đẩy pha đồ uống. Tất cả cuộc sống của gia đình chị gói ghém ở khu vực vỉa hè trước cửa nhà. Mỗi ngày, cửa hàng tạp hóa mang lại cho gia đình chị Kiều thu nhập từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng. So với thời gian còn ở xã Suối Trầu, dù bận rộn, vất vả suốt ngày từ công việc làm vườn, làm rẫy đến kinh doanh cám nhưng kinh doanh thuận lợi, thu nhập của cả gia đình chị Kiều vẫn ổn định hơn.

Còn bà Lồ Thị Duyên cũng tận dụng căn nhà bề thế, hai mặt tiền có diện tích hơn 200m2 để bán café, nước giải khát. Dù nằm ở vị trí rất đẹp, ngay mặt tiền đường song hành với trục đường chính DT769, nhưng hàng ngày lượng khách vãng lai cũng chẳng là bao. Bà Duyên kể, cứ khoảng 7 giờ dọn bàn ghế ra đến hơn 9 giờ là đã không còn khách. Trưa và chiều thì nghỉ. Sau khi chuyển về khu tái định cư, vì đã có tuổi nên bà Duyên cũng chỉ ở nhà, tận dụng mặt bằng kinh doanh hàng ngày. Không còn đất nông nghiệp, sắp tới các con của bà cũng quyết định xa nhà để kiếm việc làm.

Nhường đất làm dự án sân bay Long Thành, những người nông dân bỗng chốc trở thành tỷ phú. Sống trong những căn nhà, biệt thự bề thế ở Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn, khi không còn ruộng, vườn, họ đang tự tìm lối sinh kế bằng việc mở cửa hàng tạp hóa, quán cà phê. Dù việc kinh doanh ảm đạm, nhưng họ vẫn cố tin rằng, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác sử dụng, cuộc sống sẽ khác hơn.

Theo thống kê của tỉnh Đồng Nai, có khoảng 5.000 hộ với hơn 15.500 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành. Trong số này, khoảng 9.700 người ở độ tuổi lao động (15-60 tuổi). Để giải quyết việc làm cho người dân, từ các năm trước, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu, trên cơ sở đó xây dựng đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ miễn phí học phí giáo dục phổ thông, đại học của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành dự kiến mức kinh phí khoảng trên 300 tỷ đồng. Theo Đề án, kể từ ngày có quyết định thu hồi đất, mỗi người dân trong vùng dự án khi tham gia học trung cấp và cao đẳng sẽ được tỉnh Đồng Nai hỗ trợ học phí 1 khóa đào tạo, học sơ cấp nghề dưới 3 tháng được hỗ trợ 3 triệu đồng.

Sau khóa học, nếu người dân có nhu cầu vay vốn sẽ được hưởng chính sách vay ưu đãi như hộ nghèo. Những trường hợp muốn đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ và các chi phí liên quan.

Tuy nhiên, tới nay, đề án này đang đứng trước thách thức không nhỏ. Đến ngày 31/12/2022, chưa thể giải ngân số tiền trên 300 tỷ đồng của Đề án. Nhu cầu thực sự đăng ký đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm của người dân nơi đây rất ít. Cụ thể: Năm 2022, đề án có 121 người dân đăng ký học nghề lái xe (bằng B2). Học phí một khoá học từ 11 đến 15 triệu đồng, song trong đề án quy định chỉ hỗ trợ 3 triệu đồng trên một người. Do số tiền chêch lệch bỏ thêm nhiều, người dân không đăng ký học.

Ông Lê Văn Tiếp – Chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: Trong khung chính sách của dự án sân bay Long Thành, tiền chuyển đổi nghề nghiệp được 2.0 còn các dự án khác trên địa bàn chỉ được 1.5. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước lại nhận định những đối tượng là công nhân, tài xế, lao động có bảo hiểm xã hội, nhận lương của doanh nghiệp thì không được. Chỉ có những đối tượng được địa phương xác định là làm rẫy, làm nông mới được hỗ trợ 2.0 chuyển đổi nghề. Theo ông Tiếp, mặc dù đã đấu tranh rất nhiều nhưng hiện nội dung này chưa có quyết định cuối cùng.

Dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, khi dự án sân bay Long Thành đi vào hoạt động cần khoảng 13.800 lao động, trình độ từ phổ thông đến trên đại học, trong đó nhiều nhất là đại học, chiếm khoảng 40% tổng số lao động cần.

Ông Nguyễn Khánh Cường – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2 cho rằng: Việc đào tạo nghề cho người dân tại khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn đang được chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Nai quan tâm để ổn định cuộc sống.

Hiện nay, một số người trẻ lựa chọn đi làm tại các khu công nghiệp nhưng mức thu nhập chưa tương xứng với lợi thế kinh tế khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Cơ hội việc làm tại sân bay Long Thành cho thế hệ trẻ tại địa phương là rất lớn. Nhà trường cũng có sự chuẩn bị, liên kết với các cơ sở đào tạo về nhân lực phục vụ cho vận hành của sân bay trong tương lai.

Ông Cường mong muốn, cùng chính quyền các cấp tỉnh Đồng Nai tuyên truyền, thu hút con em trên địa bàn tham gia học tập, đào tạo để đón đầu cơ hội vào làm việc ở đây. Cụ thể, phối hợp với cơ quan chức năng của Hàng không để ưu tiên lựa chọn nhân lực tại chỗ đã được đào tạo và có đủ trình độ, đủ điều kiện phù hợp vào làm việc tại sân bay Long Thành.

Ông Cường đề nghị: “Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai có cơ chế hỗ trợ tài chính để con em tái định cư có cơ hội học tập các ngành, nghề trong lĩnh vực hàng không. Về chính sách hỗ trợ cho học viên, trước mắt nhà trường sẽ kết hợp với UBND tỉnh Đồng Nai, Sở LĐ-TBXH tìm cơ chế tốt nhất, tìm kinh phí từ các nguồn, sao cho con em được học với chi phí thấp nhất; có sự hỗ trợ, động viên, quan tâm của tỉnh và địa phương.


Thứ Sáu, 06:01, 24/11/2023