Dạy trẻ em cách nhận biết và phản ứng khi phát hiện bom mìn

Trẻ em được học để nhận biết đâu là bom bi, đâu là quả đạn M79 và phải hết sức bình tĩnh khi bất ngờ nhìn thấy những thứ còn sót từ thời chiến tranh có thể nổ

9h sáng, ở tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam.
Các học sinh tiểu học ngồi xếp bằng trên sàn, trước mặt các em là một giáo viên đang giơ những tấm ảnh lên và hỏi xem bọn trẻ có biết những vật thể trong ảnh không.


"Bom bi"-  vài tiếng trả lời đồng thanh,  khi các em nhìn thấy ảnh một loại bom chùm của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam hơn 40 năm trước, khi  tất cả những đứa trẻ này còn chưa ra đời.

"M79"- bọn trẻ lại trả lời rõ to khi giáo viên đưa ra hình ảnh súng phóng lựu.

Giáo viên của lớp học này là Nguyễn Thanh Phú, quản lý Trung tâm giáo dục nguy cơ bom mìn ở Đông Hà, Quảng Trị. Anh rất biết cách làm việc với bọn trẻ- các bài giảng xen lẫn với trò chơi, tạo sự cuốn hút. Bằng cách đó, anh khiến bọn trẻ tập trung chú ý về một vấn đề nghiêm túc.

"Đó là kỹ năng sống," Phú nói. Bọn trẻ phải nhận ra được vật liệu nổ và biết cách tránh khỏi bị bom mìn sát thương. Học cái này giống như học cách để biết đi xe đạp hoặc băng qua đường.

Quảng Trị là một trong những tỉnh bị đánh bom nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam- ông Chuck Searcy- đại diện Dự án Renew, cơ quan tổ chức và vận hành trung tâm này cho biết. Và theo dự tính, có khoảng 10% bom mìn từ thời chiến tranh đến nay chưa phát nổ.

Một tấm biển với lời cảnh báo do Dự án Renew cung cấp. Ảnh: Michael Sullivan
"Bốn thập kỷ sau chiến tranh, vấn đề bom mìn vật liệu nổ còn sót lại vẫn là mối đe dọa nặng nề ở nhiều vùng trên đất nước Việt Nam, mà nghiêm trọng nhất là ở Quảng Trị", ông Searcy nói. "Các vật liệu nổ nằm yên ở đâu đó, bất ngờ có thể phát nổ làm cụt tay, cụt chân, hoặc gây chết người và đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất."


Đó là lý do tại sao dự án Renew phối hợp với các trường học địa phương tổ chức các buổi học kỹ năng sống cho học sinh ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Các em bé học rất nhanh. Em Nguyễn Huy, học sinh lớp 4 nói: cháu biết chính xác phải làm gì nếu nhìn thấy bom mìn, vật liệu nổ trong hố, rãnh hoặc vườn, hoặc sân trường…

"Cháu sẽ chạy"- cậu bé nói bằng tiếng Anh.  "Nhưng trước tiên cháu phải hết sức bình tĩnh. Cháu sẽ chạy khỏi chỗ ấy. Và sau đó cháu sẽ gọi bố cháu."

Bố của cậu bé sẽ biết cách gọi đến dự án Renew để dự án cử người có chuyên môn đến xử lý quả nổ.

"Mỗi ngày, trung bình các đội ra phá bom mìn trong toàn tỉnh nhận được từ 5 đến 10 cuộc gọi"-  Searcy nói. "Và mỗi tuần họ tiến hành tiêu hủy một cách an toàn khoảng 200-300 vật liệu nổ.  Như vậy đấy, vấn đề bom mìn, vật liệu nổ vẫn đang tiếp diễn, nhưng có thể quản lý được."

Giải quyết các vấn đề để khắc phục hậu quả chiến tranh là công việc mà Searcy đã làm trong hơn 20 năm qua. Ông tới Việt Nam lần đầu vào khoảng gần 50 năm trước đây, một chuyến đi hoàn toàn miễn cưỡng.

"Lúc ấy tôi thực sự không biết Việt Nam ở đâu, tôi không tìm thấy Việt Nam trên bản đồ hoặc quả địa cầu. Và tôi cũng không có bất cứ mối quan tâm đặc biệt nào về Việt Nam, trừ một điều, giống như nhiều nam thanh niên Mỹ ở thời điểm đó, tôi muốn tránh bị điều sang Việt Nam để tham gia chiến tranh."

Chuck Searcy trở lại Việt Nam vào năm 1995, làm việc trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và vật liệu nổ. Ảnh: Hoàng Đình Nam / AFP / Getty Images.
Nhưng ông vẫn phải sang Việt Nam và làm việc trong tình báo quân sự Mỹ. 


Hiện tại rất nhiều người - các đoàn đại biểu, các nhóm du lịch, doanh nhân… thường xuyên đến để gặp Searcy. Một người vui tính, nói năng nhỏ nhẹ. Ông trở lại Việt Nam để làm những điều tốt đẹp từ năm 1995, đầu tiên là làm việc với Hội cựu binh Mỹ tại chiến trường Việt Nam và sau đó với Dự án Renew. Ông cao, gầy, có cái nhìn và cách nói chuyện như một bản sao hỗn hợp giữa Jimmy Carter và Gary Cooper! ( Jimmy Carter- Tổng thống thứ 39 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ; Gary Cooper- nam diễn viên điện ảnh Mỹ_ ND).

Searcy nhớ lại quãng thời gian vào giữa những năm 1990, thời điểm còn khó khăn để kêu gọi được tài trợ từ phía Mỹ để giúp đỡ Việt Nam. Ký ức chiến tranh vẫn còn nóng gay gắt trong tâm trí của các cựu binh Mỹ và cả những người phía Việt Nam.

"Tôi ở đây một thời gian dài, gặp rất nhiều khó khăn và nhiều khi cảm thấy thất vọng," ông kể.

Nhưng trong năm qua, Searcy nói, đã có một sự thay đổi lớn. Trước kia, chỉ cần được Chính phủ Mỹ cấp vài trăm ngàn đô la mỗi năm để làm việc đối với Renew đã là quá tốt, thì trong năm qua, kinh phí được rót nhiều hơn. Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã chi gần 8 triệu đô la cho đối tác của dự án Renew- tổ chức Viện trợ Nhân dân của Na Uy, và thậm chí nhiều hơn cho một số nhóm xử lý bom mìn, vũ khí khác đang làm việc tại Quảng Trị.

"Sẽ còn phải mất một thời gian nữa, nhưng chính phủ Hoa Kỳ hiện đã tham gia giải quyết vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh" ông nói. "Trên thực tế, hiện giờ chính phủ Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho việc ra phá bom mìn trên đất Việt Nam. Và hiện tại sự hợp tác giữa các tổ chức nước ngoài với chính phủ Việt Nam cho việc này đang được tăng cường mạnh mẽ hơn bao giờ hết."

Sau nhiều năm, Searcy nói, bây giờ ông như nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Chẳng bao lâu nữa, trong vòng một thập kỷ tới, hoặc có thể sớm hơn, Việt Nam sẽ có thể tự quản lý các vấn đề bom mìn và giữ an toàn cho người dân, thậm chí ngay cả ở tỉnh Quảng Trị.


"Không thể tìm và gỡ sạch tất cả bom mìn, vật liệu nổ. Đó là điều không tưởng”, Searcy nói. "Người ta vẫn đang lặng lẽ tiến hành rà phá bom mìn còn sót ở châu Âu từ thế chiến thứ nhất và thứ 2 đến giờ; thậm chí còn tìm thấy 5.000 quả bom một năm. "

Mục tiêu đặt ra không phải là làm sạch hoàn toàn bom mìn, mà để giữ an toàn thông qua nâng cao hiểu biết. "Đó là điều chúng tôi đang làm tại tỉnh Quảng Trị: dạy cho trẻ em và cả người lớn làm thế nào để được an toàn. Người dân địa phương được thông báo họ biết phải làm gì, gọi số đường dây nóng như thế nào, đó là điều cần thiết nhất hiện nay”.

Searcy cũng cảm thấy phấn khởi hơn khi hiện nay Mỹ đang tích cực hơn trong vấn đề hỗ trợ Việt Nam đối phó với những hậu quả dai dẳng của hóa chất diệt cỏ/chất độc da cam.

Mỹ đã tài trợ cho việc tẩy độc ở vài điểm nóng trên khắp đất nước. Searcy vẫn cho rằng Hoa Kỳ có thể và nên làm nhiều hơn để giúp các gia đình người Việt Nam từng có người bị phơi nhiễm chất độc da cam.

"Theo số liệu của chính phủ Việt Nam, có hơn 3 triệu gia đình phải chịu hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe  do bị phơi nhiễm chất độc da cam, nhiều trường hợp bị ảnh hưởng di truyền đến đời con, đời cháu. Những nạn nhân này cần sự trợ giúp căn bản nhất để cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn và đến nay chúng tôi chưa làm được gì để thực hiện điều ấy”.

Công việc khắc phục hậu quả chiến tranh còn lâu mới có thể chấm dứt. Trong khi đó, sự nguy hiểm âm thầm của các vật liệu nổ còn sót lại là một thực tế đang hiển hiện.

Một trong những đồng nghiệp của Searcy đã thiệt mạng khi đang xử lý một quả bom bi. Ông là Ngô Thiên Khiết, 45 tuổi, người cha của hai đứa con, một đội trưởng đã làm việc trong Dự án Renew gần 10 năm. Tên của ông giờ nằm trong danh sách hơn 100.000 người Việt bị thiệt mạng hoặc bị thương do bom mìn sót lại từ cuộc chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm trước đây./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Các tỉnh miền Trung có lượng bom, mìn sót khá cao
Các tỉnh miền Trung có lượng bom, mìn sót khá cao

VOV.VN - Tính từ năm 1975 đến năm 2000,  hơn 42.000 người chết, hơn 62.000 người bị thương do bom, mìn còn sót lại.

Các tỉnh miền Trung có lượng bom, mìn sót khá cao

Các tỉnh miền Trung có lượng bom, mìn sót khá cao

VOV.VN - Tính từ năm 1975 đến năm 2000,  hơn 42.000 người chết, hơn 62.000 người bị thương do bom, mìn còn sót lại.

Hủy nổ thành công 2 quả bom trọng lượng lớn
Hủy nổ thành công 2 quả bom trọng lượng lớn

VOV.VN - Hai quả bom sát thương MK 82 trọng lượng mỗi quả 227kg đã được lượng công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông hủy nổ thành công.

Hủy nổ thành công 2 quả bom trọng lượng lớn

Hủy nổ thành công 2 quả bom trọng lượng lớn

VOV.VN - Hai quả bom sát thương MK 82 trọng lượng mỗi quả 227kg đã được lượng công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông hủy nổ thành công.

Đắc Nông hủy nổ 2 quả bom trọng lượng lớn
Đắc Nông hủy nổ 2 quả bom trọng lượng lớn

VOV.VN - Hai quả bom được người dân phát hiện là bom sát thương MK 82, bom chưa nổ sót lại từ thời chiến tranh.  

Đắc Nông hủy nổ 2 quả bom trọng lượng lớn

Đắc Nông hủy nổ 2 quả bom trọng lượng lớn

VOV.VN - Hai quả bom được người dân phát hiện là bom sát thương MK 82, bom chưa nổ sót lại từ thời chiến tranh.  

Nhóm từ thiện Seattle giúp rà phá bom mìn ở Việt Nam
Nhóm từ thiện Seattle giúp rà phá bom mìn ở Việt Nam

VOV.VN- Đến nay nhóm từ thiện Cây Hòa bình Việt Nam có trụ sở tại Seattle (Mỹ) đã giúp rà phá được 87.000 quả mìn còn sót lại trong chiến tranh Việt Nam.

Nhóm từ thiện Seattle giúp rà phá bom mìn ở Việt Nam

Nhóm từ thiện Seattle giúp rà phá bom mìn ở Việt Nam

VOV.VN- Đến nay nhóm từ thiện Cây Hòa bình Việt Nam có trụ sở tại Seattle (Mỹ) đã giúp rà phá được 87.000 quả mìn còn sót lại trong chiến tranh Việt Nam.