Lộn xộn du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn

VOV.VN - Đi theo phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch, Cao nguyên đá Đồng Văn đang bị tác động xấu lên đời sống xã hội, văn hóa truyền thống mai một

Cao nguyên đá Đồng Văn trong gần một thập kỷ qua nổi lên như một điểm đến hấp dẫn dành cho du khách yêu du lịch, khám phá bởi nét hoang sơ, hùng vĩ và những sắc màu văn hóa đặc sắc, đa dạng.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch là những tác động xấu lên đời sống xã hội, sự mai một của văn hóa truyền thống.

Phố cổ đâu?

Những ngôi nhà sàn, nhà gạch đang lấn không gian nhà trình tường trong bản Lô Lô Chải.

Theo tiếng gọi của “Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 3 - 2017” hàng ngàn du khách đổ về Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang trong những ngày cuối cùng của tháng 11 vừa qua.

Thế nhưng, bên cạnh sự hấp dẫn của những ruộng hoa tam giác mạch trải lên sườn núi đá một sắc màu ấm áp, tươi đẹp, sức hấp dẫn của các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao trong suốt thời gian lễ hội, đã có không ít ánh mắt buồn khi chứng kiến thực trạng những điểm đến du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn, những tiếng thở dài, những câu hỏi có phần tiếc nuối, thậm chí ngỡ ngàng bởi sự thực khác xa với những lời đồn đại bấy lâu về vẻ đẹp của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

“Phố cổ đâu?...” là câu hỏi ngẫu nhiên của anh Phong, người lần đầu đến thị trấn Đồng Văn trong những ngày diễn ra “Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ 3 - 2017”, trong khi đang đi bộ tham quan khu phố cổ Đồng Văn.

Một câu hỏi vô tình nhưng lại khiến tôi chạnh lòng khi nghĩ về một phố cổ Đồng Văn của những năm trước đây, một không gian phố cổ đúng nghĩa, xa ngái và cổ kính theo một cách rất riêng với những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường trăm tuổi, hay rực rỡ sắc màu váy áo của những thiếu nữ vùng cao trong phiên chợ sáng chủ nhật, một phố cổ Đồng Văn như trong những bức ảnh tôi chụp nhiều năm trước và vẫn thường chia sẻ.

Phố cổ Đồng Văn nay sẽ khiến những ai lần đầu đến Đồng Văn có cảm giác không khác là mấy so với những thị trấn sầm uất ở đồng bằng bởi san sát những khách sạn cao tầng chắn ngay lối vào phố cổ, biển quảng cáo, đèn led lập lòe, quán cà phê, quán bán hàng lưu niệm san sát nhau che khuất những ngôi nhà “giả cổ” mà trước kia vốn là những ngôi nhà gỗ cổ kính, trầm mặc trong lòng phố núi.

Chợ phiên Đồng Văn ngày chủ nhật cũng đã khác, trở thành nơi chuyên bán hàng lưu niệm và những món hàng hóa phục vụ du khách, chợ Đồng Văn cũ không còn là không gian chợ truyền thống vùng cao nữa. Cũng bởi sự thay đổi này đã khiến không gian văn hóa chợ Đồng Văn nay có phần tẻ nhạt, không khác biệt so với những khu phố tây ở các khu du lịch, nhàm chán và thiếu sắc màu văn hóa.

Bản văn hóa du lịch “Lô Lô - Thái”

Sân nhà Pao là nơi bán hàng lưu niệm, chụp ảnh “tự sướng”.

“Hãy đến thưởng thức ly cà phê dưới chân cột cờ Lũng Cú, giữa những bờ rào đá ở nơi địa đầu cực Bắc” chính là lời mời gọi hấp dẫn du khách khi đến với quán cà phê Cực Bắc, bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú.

Quán nằm trong không gian tường rào đá, bên nếp nhà trình tường truyền thống hơn 100 năm tuổi của người Lô Lô ở ngay sau nhà văn hóa bản Lô Lô Chải, là nơi duy nhất hiện nay cho du khách không gian thư giãn, tận hưởng, khám phá những khoảng lặng giữa không gian truyền thống đặc trưng của người Lô Lô.

Ấy vậy nhưng thực tế, du khách đang phải uống ly cà phê ấy trong một không gian văn hóa “hỗn loạn” giữa những ngôi nhà trình tường của người Lô Lô và nhà sàn của người Thái án ngữ ngay đầu bản.

Câu hỏi: “Phải chăng đây là bản Lô Lô - Thái?” đã bật ra khỏi miệng bạn tôi khi chúng tôi tới thưởng thức cà phê ở quán này.

Được công nhận là bản văn hóa du lịch đã hơn 10 năm, bản cũng đã có những dự án du lịch homestay, café… phục vụ du khách nhưng vẫn giữ nguyên, không can thiệp vào không gian kiến trúc, không gian văn hóa truyền thống.

Thế nhưng sự xuất hiện của mấy ngôi nhà xây gạch quét ve xanh đỏ với kiến trúc đặc trưng của người miền xuôi đã mọc lên giữa bản tự bao giờ. Hơn thế, ngay khi bước chân tới đầu bản sẽ thấy bên cạnh nhà văn hóa mọc lên một ngôi nhà sàn của người Thái đang vào giai đoạn hoàn thiện.

Sự xuất hiện của ngôi nhà sàn như “cưỡng bức” không gian văn hóa truyền thống của người Lô Lô vốn rất nổi tiếng với nhà trình tường và những bờ rào, bờ tường đá.

Chị Lù Thị Vấn, chủ quán cà phê kể: “Mình được ông Ogura, một người Nhật hảo tâm hỗ trợ tiền mở quán cà phê chỉ với một điều kiện, quán phải giữ nguyên nét kiến trúc và không gian truyền thống của người Lô Lô. Cũng chính bởi sự hấp dẫn từ truyền thống mà du khách đến thăm Lũng Cú đều ghé quán thưởng thức cà phê, giải khát, nghỉ ngơi thư giãn ngắm cảnh Cột cờ Lũng Cú, ngắm hoa tam giác mạch và tham quan thôn bản. Thế nhưng chỉ mới ít ngày gần đây, một ngôi nhà sàn đang dần hoàn thiện ngay trước quán đã khiến nhiều du khách không hài lòng. Họ không hiểu tại sao lại có một “ngôi nhà lạ” như thế trong bản của người Lô Lô”.

Chuyện ở nhà Pao

Cũng giống bản Lô Lô Chải, bản Lũng Cẩm ở Sủng Là là một bản người Mông nằm giữa thung lũng hoa hồng, hoa tam giác mạch, hoa cải... tùy theo từng mùa.

Tuy nhiên, lý do khiến du khách luôn dừng chân ở Sủng Là dù cho có hoa hay không là bởi nơi đây có ngôi nhà cổ, nơi ghi hình bộ phim “Chuyện của Pao” cùng với “tiếng khèn Mông bên bờ rào đá” đã trở thành điểm đến rất nổi tiếng đối với khách du lịch.

“Ngôi nhà cổ ấy đã từng đẹp sống động theo đúng nghĩa bởi nó vừa đẹp về hình thái kiến trúc đặc trưng của các gia đình địa chủ người Mông xưa trên Cao nguyên Đồng Văn từ hàng trăm năm trước, lại vừa sống động bởi ở bên trong ngôi nhà ấy là cuộc sống thường nhật, bình dị, đặc trưng của một gia đình người Mông với nhiều thế hệ chung sống. Những giá trị truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, lối sống... hiện hữu trong không gian nhà cổ đã làm nên sức hấp dẫn mạnh mẽ, kéo du khách đến với Sủng Là, đến nhà Pao”, anh Ma Hoàng Sơn, công ty cổ phần du lịch Cao nguyên đá bày tỏ.

Không gian nhà Pao hôm nay bộn bề hàng lưu niệm, sản vật địa phương bày kín khoảng sân ở chính giữa vốn là nơi sinh hoạt chung của gia đình. Hình ảnh dung dị, chân thực của cuộc sống một gia đình người Mông truyền thống không còn hiện hữu như trước kia.

Thay vào đó là những tốp du khách với áo phông sặc sỡ uốn éo chụp ảnh, là cảnh kẻ mua người bán bên sạp hàng tạp hóa, là dãy hàng quán che kín con đường nhỏ giữa những luống hoa hồng, là những hình ảnh vốn chưa bao giờ có trong mọi gia đình người Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn.

Nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống đang dần biến mất. Rồi đây, với cách làm như hiện nay, du khách đến nhà Pao sẽ thấy gì, xem gì, là câu hỏi mà những người tâm huyết với du lịch Hà Giang đang trăn trở./.

 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngẩn ngơ trước cảnh đào muộn bung nở ở Hà Giang
Ngẩn ngơ trước cảnh đào muộn bung nở ở Hà Giang

VOV.VN - Thời điểm tháng 3, những gốc đào trên mảnh đất Hà Giang đua nhau nở rộ, rực rỡ một góc trời

Ngẩn ngơ trước cảnh đào muộn bung nở ở Hà Giang

Ngẩn ngơ trước cảnh đào muộn bung nở ở Hà Giang

VOV.VN - Thời điểm tháng 3, những gốc đào trên mảnh đất Hà Giang đua nhau nở rộ, rực rỡ một góc trời

Ảnh: Độc đáo vẻ đẹp hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá
Ảnh: Độc đáo vẻ đẹp hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá

VOV.VN - Lễ hội hoa Tam giác mạch cùng vẻ đẹp hùng vĩ hoang sơ của cao nguyên đá Đồng Văn đã hút hồn du khách, tạo nên thương hiệu cho du lịch Hà Giang.

Ảnh: Độc đáo vẻ đẹp hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá

Ảnh: Độc đáo vẻ đẹp hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá

VOV.VN - Lễ hội hoa Tam giác mạch cùng vẻ đẹp hùng vĩ hoang sơ của cao nguyên đá Đồng Văn đã hút hồn du khách, tạo nên thương hiệu cho du lịch Hà Giang.

Khám phá cuộc sống đời thường trên cao nguyên đá Đồng Văn
Khám phá cuộc sống đời thường trên cao nguyên đá Đồng Văn

VOV.VN - Hà Giang không chỉ có núi non hùng vĩ mà còn có những con người luôn chân thành, mộc mạc với tấm lòng thật đáng quý.

Khám phá cuộc sống đời thường trên cao nguyên đá Đồng Văn

Khám phá cuộc sống đời thường trên cao nguyên đá Đồng Văn

VOV.VN - Hà Giang không chỉ có núi non hùng vĩ mà còn có những con người luôn chân thành, mộc mạc với tấm lòng thật đáng quý.