Đại học Ngoại thương phản hồi sau khi bị xếp hạng trung bình

VOV.VN - Lãnh đạo ĐH Ngoại thương cho rằng, vị trí xếp hạng cao thấp của các trường không có nghĩa trường này tốt hơn trường kia ở tất cả các mặt. 

Lần đầu tiên, một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học (ĐH). Điều đáng lưu ý là trong các trường thuộc khối Kinh tế, ĐH Ngoại thương – trường được xã hội đánh giá là có uy tín trong đào tạo chỉ đứng thứ 23 (thứ hạng trung bình trong tổng số 49 trường ĐH).

Sau khi bảng xếp hạng được công bố, bà Lê Thị Thu Thủy (Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương) - đại diện cho nhà trường đã có phản hồi về thứ hạng trên.

Bảng xếp hạng chỉ có ý nghĩa tham khảo

PV: Một nhóm chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước vừa công bố bảng xếp hạng các trường ĐH. Điều đáng lưu ý là trong các trường thuộc khối Kinh tế, ĐH Ngoại thương chỉ đứng thứ 23 (thứ hạng trung bình trong tổng số 49 trường ĐH). Xin bà cho biết ý kiến, nhận xét về thứ hạng của trường?

Bà Lê Thị Thu Thủy: Bảng xếp hạng này, như chính ý kiến của nhóm chuyên gia độc lập cũng đã nêu, chỉ có ý nghĩa tham khảo. Các tiêu chí đánh giá của nhóm cũng chưa thực sự phổ quát để có thể đánh giá chất lượng tổng thể của một trường ĐH nên cũng cần nghiên cứu hoàn thiện hơn.

Kết quả của bảng xếp hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH. Vị trí xếp hạng cao thấp của các trường không có nghĩa trường này tốt hơn trường kia ở tất cả các mặt. 

Với ĐH Ngoại thương, chúng tôi cũng coi vị trí được xếp hạng theo các tiêu chí và cách tiếp cận đánh giá của nhóm nghiên cứu này là một thông tin để xem xét điểm mạnh, điểm yếu của mình dưới các góc nhìn khác nhau. 

Bảng xếp hạng 49 trường ĐH Việt Nam, trong đó, ĐH Ngoại thương chỉ đứng thứ 23.

PV: ĐH Ngoại thương luôn nói rằng, trường có điểm thi, nguồn tuyển đầu vào cao, số lượng sinh viên tốt nghiệp có việc làm gần như tuyệt đối và được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Bà có thể cho biết cơ sở nào để khẳng định điều này?

Bà Lê Thị Thu Thủy: Hàng năm, chúng tôi đều thực hiện khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm đều ở mức cao (trên 95%). Sinh viên Ngoại thương được đánh giá cao bởi các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế vì có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, tư duy sáng tạo. 

Năm 2017, chúng tôi đã được Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội công nhận và cấp Giấy chứng nhận đạt chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT.

Theo kết quả khảo sát độc lập của đoàn Đánh giá ngoài phục vụ kiểm định chất lượng nhà trường, tỷ lệ số sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp là 96,9%. 

ĐH Ngoại thương đã nhận thức được hạn chế của mình

PV: Theo các chuyên gia, bảng xếp hạng của ĐH Ngoại thương không đứng ở tốp đầu là vì sự hiện diện của trường trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ (đo bằng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên sinh viên). Bà có thể cho biết lý giải vì sao lại như vậy và trong thời gian tới, nhà trường khắc phục thực tế trên như thế nào?

Bà Lê Thị Thu Thủy: Trường ĐH Ngoại thương cũng nhận thức được một số hạn chế của mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các công bố quốc tế. Vì thế, trong năm học vừa qua, nhà trường đã ban hành quy định về nhóm nghiên cứu tại ĐH Ngoại thương nhằm tạo ra một cơ chế linh hoạt, giải phóng tiềm năng khoa học công nghệ của giảng viên Nhà trường.

Trên cơ sở đó, 24 nhóm nghiên cứu của trường đã cam kết sẽ công bố 35 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế thuộc danh mục ISI trong giai đoạn 2017-2019.

Trường ĐH Ngoại thương thường xuyên tự đánh giá, cải tiến chất lượng mọi hoạt động của nhà trường. Nhà trường đã xây dựng Kế hoạch tổng thể cải tiến chất lượng, chủ động duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên để nâng cao tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ. 

Bà Lê Thị Thu Thủy cho rằng, bảng xếp hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH. Vị trí xếp hạng cao thấp của các trường không có nghĩa trường này tốt hơn trường kia ở tất cả các mặt. 

Thứ hạng cũng thay đổi tuỳ theo tiêu chí đánh giá khác nhau

PV: Thưa bà, việc xếp hạng các trường ĐH có thể có sự thay đổi không và phụ thuộc vào những yếu tố quan trọng nào để đánh giá đúng thực tế khách quan chất lượng đào tạo của các trường ĐH. Để thực hiện được điều đó thì ngành Giáo dục cũng như các cơ quan kiểm định chất lượng cần phải làm gì?

Bà Lê Thị Thu Thủy: Xếp hạng các trường ĐH phụ thuộc vào các tiêu chí đánh giá, tỷ trọng các tiêu chí và dữ liệu thu thập được. Các tổ chức xếp hạng khác nhau có thể đưa ra các tiêu chí đánh giá xếp hạng khác nhau.

Ví dụ nếu xem xét tiêu chí của 3 bảng xếp hạng thường được nhắc đến trên thế giới là THE của Tạp chí Times, ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải, QS World University Ranking của Tổ chức Quacquarrelli Sysmonds thì cách tiếp cận xây dựng các tiêu chí đánh giá và tỷ trọng các tiêu chí cũng rất  khác nhau. Vì vậy, thứ hạng của các trường ĐH cũng thay đổi tuỳ theo bảng xếp hạng.  

Một nội dung quan trọng trong công tác đảm bảo chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục chính là công tác kiểm định. Hoạt động này giúp các trường ĐH có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động, định hướng và xác định chuẩn chất lượng cho từng hoạt động để đảm bảo chất lượng toàn diện. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục cung cấp cho các bên liên quan những thông tin xác nhận chất lượng đào tạo của nhà trường.

Trước khi hướng tới xếp hạng trường ĐH, các trường nên triển khai kịp thời công tác kiểm  định. Để đánh giá đúng chất lượng các trường đại học và đưa ra được một bảng xếp hạng có tính thuyết phục cao nên có một tổ chức độc lập tiến hành trên cơ sở xây dựng một bộ tiêu chí phù hợp với thực tiễn giáo dục đại học Việt Nam. 

PV: Xin cảm ơn bà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiến sĩ nhiều nhưng giảng dạy ở các trường đại học còn thấp
Tiến sĩ nhiều nhưng giảng dạy ở các trường đại học còn thấp

VOV.VN- Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện là 16.541, mới chỉ đạt 22,68% tổng số giảng viên, vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực…

Tiến sĩ nhiều nhưng giảng dạy ở các trường đại học còn thấp

Tiến sĩ nhiều nhưng giảng dạy ở các trường đại học còn thấp

VOV.VN- Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện là 16.541, mới chỉ đạt 22,68% tổng số giảng viên, vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực…

Lần đầu tiên công bố xếp hạng trường đại học top đầu Việt Nam
Lần đầu tiên công bố xếp hạng trường đại học top đầu Việt Nam

VOV.VN -Đứng thứ nhất trong Top 5 là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Đà Nẵng ở vị trí thứ 4 và ĐH Quốc gia TP HCM thứ hạng 5.

Lần đầu tiên công bố xếp hạng trường đại học top đầu Việt Nam

Lần đầu tiên công bố xếp hạng trường đại học top đầu Việt Nam

VOV.VN -Đứng thứ nhất trong Top 5 là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Đà Nẵng ở vị trí thứ 4 và ĐH Quốc gia TP HCM thứ hạng 5.

Vì sao các trường ĐH khối kinh tế có tiếng lại xếp hạng trung bình?
Vì sao các trường ĐH khối kinh tế có tiếng lại xếp hạng trung bình?

VOV.VN - Nguyên nhân khiến các trường ĐH khối kinh tế có tiếng xếp hạng trung bình là vì sự hiện diện của họ trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt.

Vì sao các trường ĐH khối kinh tế có tiếng lại xếp hạng trung bình?

Vì sao các trường ĐH khối kinh tế có tiếng lại xếp hạng trung bình?

VOV.VN - Nguyên nhân khiến các trường ĐH khối kinh tế có tiếng xếp hạng trung bình là vì sự hiện diện của họ trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt.

Xếp hạng các trường đại học Việt Nam: Thước đo để đánh giá, chọn lựa
Xếp hạng các trường đại học Việt Nam: Thước đo để đánh giá, chọn lựa

VOV.VN -Bảng xếp hạng các trường ĐH đánh giá toàn diện các trường về ba hạng mục lớn: Đào tạo – Nghiên cứu – Cơ sở vật chất và quản trị.

Xếp hạng các trường đại học Việt Nam: Thước đo để đánh giá, chọn lựa

Xếp hạng các trường đại học Việt Nam: Thước đo để đánh giá, chọn lựa

VOV.VN -Bảng xếp hạng các trường ĐH đánh giá toàn diện các trường về ba hạng mục lớn: Đào tạo – Nghiên cứu – Cơ sở vật chất và quản trị.