Thượng úy Nguyễn Đặng Đình Thi cho biết, điều kiện thời tiết khi đoàn công tác tới An Bang là trời mưa, nên cán bộ, chiến sĩ trên đảo không khỏi lo lắng liệu đoàn có vào đảo được hay không. Để sẵn sàng đón đoàn vào đảo an toàn, Đội “cảm tử An Bang”, đội dây xuồng đều chuẩn bị sẵn sàng và mọi thao tác đều phải hết sức chuẩn xác, cẩn trọng.

Đảo An Bang có diện tích khoảng 10.000 mét vuông nằm trên nền bãi san hô ngập nước, cấu trúc của đảo như một cây nấm san hô khổng lồ giữa biển khơi. Cấu trúc san hô của đảo An Bang dựng đứng bốn mùa sóng vỗ nên việc ra vào đảo gặp nhiều khó khăn nguy hiểm.

Hằng năm, từ tháng 4 đến tháng 7 - mùa gió Tây Nam, bờ phía nam của đảo được bồi thêm một bãi cát dài.Đến tháng 8, bãi cát dịch chuyển sang bờ Đông của đảo và theo chu kỳ một năm, bãi cát này lại trở về vị trí cũ.

Không giấu niềm tự hào khi giới thiệu về An Bang, Thượng úy Nguyễn Đặng Đình Thi cho biết, điểm đặc biệt nhất của An Bang là bãi cát “chạy vòng quanh đảo” theo mùa, do vậy, việc xây dựng cầu cảng là rất khó. Nhưng chính điều này đã trở thành đặc trưng riêng của đảo và An Bang còn có tên gọi khác là đảo đồng hồ vì bãi cát đảo An Bang xoay tròn, di chuyển như kim đồng hồ.

Trường Sa đã là sóng gió nhưng nếu chưa đặt chân lên tới đảo An Bang thì sẽ không thể cảm nhận được sóng, gió ở quần đảo này khủng khiếp đến mức nào. An Bang - có thể nói cái tên mà kể cả những người đi biển lâu năm nhất cũng phải lắc đầu ngao ngán. Người đi biển vẫn thường truyền nhau câu nói: “Ruồi vàng - bọ chó - gió An Bang” để chỉ cái sóng, cái gió nơi đây.

Sóng gió ở An Bang khiến mỗi con thuyền cập bến nơi đây thực sự là một cuộc vượt ải đầy khó khăn.

Nhiều đợt sóng dữ, các đoàn công tác, chỉ huy các cấp của Vùng 4 Hải quân cũng không thể vào được đảo. Do vậy, đảo An Bang đã thành lập lực lượng kéo xuồng được huấn luyện đặc biệt, gọi là Đội “cảm tử An Bang”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp.

Có trường hợp ngư dân trên tàu Quảng Ngãi gặp nạn, bị thương ở chân phải đưa lên đảo An Bang  để tiến hành chữa trị trong điều kiện sóng lớn. Từ tàu cá, ngư dân bị thương được đưa lên thuyền thúng để vào đảo. Nhưng do sóng lớn, thuyền thúng đã bị đánh đi sang một hướng khác.

“Ngư dân trên thuyền thúng cũng đã cố gắng chèo và tiếp cận bãi cát để vứt dây kéo lên cho lực lượng trên đảo. Lúc đó, mọi thao tác bắt dây phải vô cùng chuẩn xác để đảm bảo thuyền thúng an toàn, tránh sóng tiếp tục đánh và đẩy thuyền ra xa bờ. Lực lượng quân y và các chiến sĩ trên đảo sau đó đã phối hợp đưa ngư dân lên cáng cứu thương lên đảo điều trị.

Ngư dân đã được bó bột ở chân và sau nhiều ngày điều trị được đưa xuống xuồng trở lại tàu cá”, Thượng úy Nguyễn Đặng Đình Thi kể lại câu chuyện cứu hộ ngư dân gặp nạn.

Theo Thượng úy Nguyễn Đặng Đình Thi, sau các đợt thu quân, Chỉ huy đảo sẽ quan tâm, chọn lọc ra những chiến sĩ có sức khoẻ, có trình độ và khả năng bơi tốt để tiến hành bồi dưỡng kỹ năng, các động tác bắt dây xuồng, đón xuồng khi vào bãi cát để làm sao vừa đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ vừa đảm bảo an toàn cho các đoàn công tác, cũng như hỗ trợ khi ngư dân gặp nạn cần vào đảo để khám, chữa bệnh.

Thiếu tá Nguyễn Văn Công, Chính trị viên đảo An Bang cho biết thêm, Đội “cảm tử An Bang” phải đảm bảo 3 yếu tố về tinh thần, thể lực và bơi lội. Các chiến sĩ trong lực lượng phải được tuyển chọn rất kỹ lưỡng và được huấn luyện hằng ngày từ kỹ năng bơi lội, đến việc triển khai các vị trị trong đội hình bắt dây.

Sau mỗi đợt thay quân, lại có những chiến sĩ thay thế và liên tục được huấn luyện để đảm bảo làm tốt nhiệm vụ.

Vào An Bang đều sẽ phải dùng xuồng CQ cùng xuồng tải để đưa đoàn và hàng hoá từ tàu lớn vào đảo.

Theo Đại úy Phạm Văn An, Thuyền trưởng Tàu 561, vào được An Bang, đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ năng để tính toán sóng, hướng gió, dòng chảy của thủy triều, để đưa ra phương án tốt nhất: “Đầu tiên phải tính được khoảng cách giữa tàu và sóng, tiếp theo căn cứ vào hướng gió để tàu lớn di chuyển hợp lý, che gió cho các xuồng, hạn chế sóng biển đánh vào xuồng nhỏ”.

Thuyền trưởng Phạm Văn An cho biết, việc tàu tiếp cận đảo ở vị trí quá xa sẽ bị trôi, giảm hiệu quả che gió; còn quá gần, sóng sẽ đánh tàu vào gần bãi đá ngầm.

Đối với các xuồng CQ cũng phải lựa theo thời tiết, sóng và gió mới di chuyển được vào trong đảo. Xuồng đi vào An Bang quan trọng nhất là đi thật chậm, có sự liên lạc, phối hợp chặt chẽ với tàu lớn và đồng đội trên xuồng chuyển tải, lựa chọn thời điểm quăng dây mồi vào trong đảo, để phối hợp kéo dây.

Điều khiển chuyến xuồng vào An Bang, Thiếu tá, Quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Khánh chia sẻ: “Sau khi nhận được lệnh xuất phát từ chỉ huy tàu vào đảo, căn cứ vào tình hình sóng, chiều gió, tôi sẽ đưa ra quyết định lựa chọn con nước nào hợp lý nhất để xuồng di chuyển. Đối với lực lượng trên đảo, việc bắt được dây kéo cũng quan trọng không kém, nếu bắt trượt xuồng sẽ trôi dạt ra xa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị sóng vỗ, gây nguy hiểm cho người trên xuồng”.

Nói thêm về những kỷ niệm lái xuồng CQ cùng xuồng tải vào An Bang, Đại úy Nguyễn Văn Quyết, Phó Thuyền trưởng Tàu 561 cho biết, khi kéo theo xuồng tải, việc điều khiển xuồng CQ sẽ khó khăn hơn nhiều. Bởi người lái sẽ phải điều khiển để cập xuồng tải trước, rồi mới đến xuồng chính CQ.

Để điều khiển thuần thục, an toàn xuồng CQ kéo theo xuồng tải đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm. Để cập được xuồng tải sẽ rất khó vì phải căn được đà, trớn nước hay lựa khi tàu bị xoay trái-phải theo chiều gió.

“Khi vào đảo như An Bang, với sóng gió to, đưa đoàn vào sẽ phải dùng xuồng CQ kéo theo xuồng tải. Đồng thời lợi dụng trớn nước và quăng dây để xuồng tải lao lên bãi. Từ đó, các chiến sĩ trên bãi sẽ kéo xuồng tải vào bờ. Lúc đẩy xuồng tải ra cũng sẽ dễ dàng hơn”, Đại úy Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.

Cũng theo Phó Thuyền trưởng Tàu 561, trong quá trình đưa đón đoàn, nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn cao, kíp xuồng sẽ đề nghị với đài chỉ huy dừng hoạt động, nhất là trong tình huống gặp dông trên biển hay khoảng cách di chuyển xa sẽ buộc phải quay xuồng lại.

Vào An Bang thành công mang theo quà Tết Giáp Thìn 2024, mang theo hơi ấm đất liền, đội Tàu 561 và đoàn công tác không khỏi bùi ngùi khi chia tay các cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Nhưng cũng đồng thời, khẩn trương chuẩn bị cho chặng đường vượt sóng lớn trở lại tàu. Và đúng như những gì đã dự báo trước, con sóng lớn chùm đầu đã tiễn đoàn công tác rời An Bang. 

Tác giả: Lê Hoàng - Trình bày: Kiều An

Thứ Hai, 07:05, 12/02/2024