Cảnh giác với tội phạm giả công an để lừa đảo,​chiếm đoạt tiền

VOV.VN - Thời gian gần đây, nhiều người dân ở TP HCM liên tục bị nhóm đối tượng giả danh công an gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Qua tuyên truyền, người dân cũng đã chủ động cảnh giác nhưng vẫn có nhiều người bị sập bẫy.

Sáng ngày 7/4, bà Phạm Thị Sang, một người dân ở TP HCM nhận được một cuộc gọi vào số máy đăng ký nhà riêng, người gọi xưng là nhân viên tổng đài VNPT thông báo: bà đứng tên đăng ký một thuê bao điện thoại tại Hà Nội và đang nợ số tiền cước hơn 30 triệu đồng. Do không thanh toán tiền cước, nên hồ sơ đã được chuyển sang Công an Hà Nội để điều tra và yêu cầu bà Sang giữ máy để gặp "trung tá Trần Hoàng Minh, Công an Hà Nội".

Thẻ ATM bị làm giả.

Qua trao đổi, đối tượng giả danh nói với bà Sang đang bị công an điều tra vì liên quan đến nợ cước điện thoại và bị truy nã cùng với băng nhóm hơn 500 người, yêu cầu bà Sang hợp tác để điều tra.

Sau khi dò hỏi, biết bà Sang có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, chúng cho rằng số tiền này liên quan đến vụ án điều tra nên đề nghị giao nộp để giám định, nếu không nộp sẽ bị bắt giam. Tuy nhiên, để tạo sự an tâm cho nạn nhân, chúng cũng cam kết sẽ trả lại nếu giám định là tiền sạch.

Do thiếu bình tĩnh và mất tự chủ, bà Sang đã vội vàng đến ngân hàng rút hơn 2 tỷ đồng và chuyển vào tài khoản cho các nhóm lừa đảo. Đến chiều cùng ngày, khi bà phát hiện bị lừa thì đã quá muộn, số tiền đã bị rút sạch. Bà Sang nói: “Mình quá chủ quan, những tên lừa đảo này đã có nghiên cứu rất kỹ để nói chuyện khiến cho mình hoàn toàn tin đó là sự thật”.

Cũng với thủ đoạn tương tự, mới đây, bà Lê Thị Ngọc Bích và chị Trần Thị Minh Anh, ở TP HCMcũng bị các đối tượng lừa đảo hù dọa chuyển số tiền gần 3 tỷ đồng. Trong trường hợp chị Minh Anh, bọn lừa đảo đã thay tên đổi họ, mượn thông tin của người khác để lập nhiều tài khoản và yêu cầu chị Minh Anh chia nhỏ số tiền, gửi vào 4 tài khoản khác nhau. Chúng làm như vậy để tránh sự phong tỏa nếu nạn nhân kịp thời phát hiện.

Chị Minh Anh cho biết: Chị bị một số đối tượng giả danh Công an Hà Nội dọa rằng có liên quan đến đường dây mua bán tài khoản, có người đã dùng chứng minh nhân dân của chị lập tài khoản tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Nội và cho rằng, trong tài khoản này có hơn 10 tỷ đồng.

Khi chị khẳng định không có chuyện này thì chúng chuyển máy cho một người tự xưng là Trung tá Trần Trung Kin, Phó phòng Điều tra thuộc Công an Hà Nội. Người này nói với chị là trong vụ án bầu Kiên có 2 nhân viên ngân hàng bị sa thải đã ăn cắp hồ sơ, trong đó có hồ sơ của chị. Hiện chị đang bị nghi ngờ đã lập tài khoản để bán cho băng nhóm lừa đảo lấy 100 triệu đồng. Tài khoản này được băng nhóm tội phạm sử dụng để chuyển tiền chiếm đoạt của các nạn nhân khác nên trong tài khoản mới có số tiền lớn như vậy.

Để tạo niềm tin, chúng còn hướng dẫn chị cách để tháo gỡ vụ việc, chị Minh Anh kể lại: “Sau đó ông này hướng dẫn mình cách đi giám định số tiền để chứng minh, ông này kêu mình kê khai hết  tất cả sổ tiết kiệm mình có, số tài khoản cá nhân có bao nhiêu tiền, mình có sử dụng thẻ hay không, rồi chỉ dẫn mình đến ngân hàng rút hết tiền của mình bằng tiền mặt rồi chuyển vào các tài khoản ông này cung cấp”.

 Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong số hàng trăm trường hợp bị lừa đảo bằng chiêu thức thông báo nợ cước và hù dọa nạn nhân để nạn nhân phải chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Theo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm Kinh tế và chức vụ, Công an TP HCM, loại tội phạm này xuất hiện và hoạt động mạnh.

Từ năm 2014 đến nay, đã có trên 100 trường hợp người dân bị lừa đảo và phần lớn là phụ nữ. Nếu các băng lừa đảo qua mạng xã hội, facebook là người Nigieria, hoặc người gốc Phi thì băng nhóm lừa đảo qua điện thoại kiểu này có những tên cầm đầu từ Đài Loan - Trung Quốc sang Việt Nam cấu kết với người địa phương để thực hiện hành vi lừa đảo.

Vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm lừa đảo, bắt giữ trên 100 đối tượng. Trung tá Trần Minh Thanh, Điều tra viên, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an TP HCM cho biết: “Gần đây tình hình tội phạm này có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại. số lượng vụ thì ít hơn trước nhưng mà thiệt hại lại rất lớn. Những năm trước nạn nhân chỉ bị lừa khoảng 1 tỷ nhưng giờ có vụ bị lừa vài tỷ, một số vụ lên đến 5 đến 6 tỷ đồng”.

Để tiếp tục triệt phá loại tội phạm này, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP HCM nói:  “Sắp tới khả năng bọn tội phạm này ngày sẽ hoạt động tinh vi hơn và diễn biến phức tạp, Công an thành phố cũng đã nhận định được vấ đề này và trong thời gian tới sẽ có một lực lượng chuyên trách về đấu tranh tội phạm công nghệ cao”.

Để chủ động phòng ngừa, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng - qua điện thoại, người dân cần phải cảnh giác, thận trọng với những thông tin trao đổi qua điện thoại liên quan đến chuyển tiền, thông báo đòi tiền không hợp lý.

Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại cá nhân, thông tin về nhân thân, tài khoản cá nhân cũng như không được mua bán, cho mượn chứng minh nhân dân với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai, sử dụng vào mục đích gì. Khi có nghi vấn, mọi người cần trao đổi với người thân, hoặc nhanh chóng báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời truy bắt các đối tượng lừa đảo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dân tố  Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy lừa đảo
Dân tố Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy lừa đảo

VOV.VN - Công ty này có hành vi lừa đảo khi mời người dân tham gia dịch vụ khám chữa bệnh bằng hình thức huy động vốn, số tiền bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Dân tố  Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy lừa đảo

Dân tố Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy lừa đảo

VOV.VN - Công ty này có hành vi lừa đảo khi mời người dân tham gia dịch vụ khám chữa bệnh bằng hình thức huy động vốn, số tiền bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Du học sinh vỡ mộng du học Nhật Bản: trung tâm Phan Hi có lừa đảo?
Du học sinh vỡ mộng du học Nhật Bản: trung tâm Phan Hi có lừa đảo?

VOV.VN - Bỏ ra hàng chục triệu đồng làm thủ tục du học Nhật Bản, nhưng phụ huynh, học sinh vỡ mộng khi nhận thông báo từ chối lưu trú vì hồ sơ sai sót.

Du học sinh vỡ mộng du học Nhật Bản: trung tâm Phan Hi có lừa đảo?

Du học sinh vỡ mộng du học Nhật Bản: trung tâm Phan Hi có lừa đảo?

VOV.VN - Bỏ ra hàng chục triệu đồng làm thủ tục du học Nhật Bản, nhưng phụ huynh, học sinh vỡ mộng khi nhận thông báo từ chối lưu trú vì hồ sơ sai sót.

Trung tâm du học Phan Hi mượn bóng pháp nhân để lừa đảo
Trung tâm du học Phan Hi mượn bóng pháp nhân để lừa đảo

VOV.VN - Mặc dù không có tư cách pháp nhân, Trung tâm trợ giúp du học Nhật Bản Phan Hi vẫn đứng ra tuyển sinh, ký hợp đồng lừa đảo khách hàng

Trung tâm du học Phan Hi mượn bóng pháp nhân để lừa đảo

Trung tâm du học Phan Hi mượn bóng pháp nhân để lừa đảo

VOV.VN - Mặc dù không có tư cách pháp nhân, Trung tâm trợ giúp du học Nhật Bản Phan Hi vẫn đứng ra tuyển sinh, ký hợp đồng lừa đảo khách hàng