Những ngày cuối năm, khi nhu cầu chi tiêu gia đình mỗi lúc một tăng, thì vợ chồng chị Trần Thị Thanh (Quốc Oai, Hà Nội) lại đều thất nghiệp. Ngồi đợi nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, chị Thanh chia sẻ, cả 2 vợ chồng chị đều làm trong doanh nghiệp chuyên đưa người đi Nhật Bản và Đài Loan lao động. Song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đưa lao động đi nước ngoài bị ảnh hưởng, từ đầu năm đến nay, công ty chị thường xuyên phải nghỉ việc không lương. Từ đầu tháng 12, sau thời gian dài hoạt động không hiệu quả, công ty buộc phải cho một lượng lớn nhân viên nghỉ việc, mỗi phòng ban chỉ giữ lại 1 vài người để vận hành một cách cầm cự.

Tiền thuê nhà, tiền học của các con, sinh hoạt phí hàng tháng là nỗi lo lớn với vợ chồng chị Thanh, đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Nhận số tiền BHTN, chị Thanh phần nào yên tâm hơn về những chi phí trong một vài tháng tới.

“Trong lúc khó khăn, khoản tiền trợ cấp giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn, yên tâm để tìm kiếm những cơ hội việc làm mới, ổn định cuộc sống”, chị Thanh chia sẻ.

Không chỉ riêng gia đình chị Thanh, thời gian qua, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã giúp hàng chục ngàn lao động vượt qua khó khăn khi bị mất việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng như đại dịch Covid-19 thời gian qua, khi nhiều lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, chính sách BHTN đã đóng vai trò nổi bật, giúp lao động có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí...

Thống kê sơ bộ từ Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, chỉ tính đến hết tháng 10/2020, Quỹ BHTN đã chi trực tiếp gần 13.000 tỷ đồng cho người lao động. Dự kiến, hết năm 2020, sẽ có hơn 20.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động; hàng triệu lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động.

Ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BHTN - Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, trong thời kỳ kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chính sách BHTN đã khẳng định được vai trò của mình. Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn do cắt giảm đơn hàng và thu hẹp sản xuất dẫn đến người lao động đã chấm dứt quan hệ lao động của mình tại các doanh nghiệp.

Khi người lao động chấm dứt quan hệ lao động, BHTN đã thực hiện vai trò hỗ trợ đối với người thất nghiệp thông qua 4 chính sách bao gồm: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm và trong thời gian hưởng BHTN thì người lao động được hưởng bảo hiểm y tế. Như vậy, người lao động trong khi thất nghiệp đã được quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ

Ông Trần Tuấn Tú cho biết, với số liệu thực hiện trong thời gian vừa qua, từ năm 2010 - năm bắt đầu triển khai thực hiện giải quyết các chính sách đối với người tham gia BHTN, đến nay số người lao động tham gia BHTN cũng tăng hàng năm. Năm 2009 có khoảng 5,9 triệu người tham gia, nhưng đến đến hết năm 2019 con số này đã tăng lên mức 13,4 triệu người.

Số người được hưởng chế độ BHTN cũng tăng lên hàng năm, đến năm 2019 đã có hơn 835.000 người được hưởng các chính sách BHTN.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, sau  hơn 11 năm thực hiện, chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là “điểm tựa” cho người thất nghiệp, là giá đỡ cho người lao động.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hơn 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Đặc biệt, chính sách BHTN đã chứng minh hiệu quả to lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đến hết tháng 10 năm nay, cả nước đã giải quyết chế độ BHTN cho gần 882.000 người, với số tiền chi trả gần 13.000 tỷ đồng, tăng tới gần 27% so cùng kỳ 2019.

Cũng theo ông Tạ Văn Thảo, trong năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động, số lao động thất nghiệp tăng mạnh. Để giải quyết nhanh gọn, kịp thời, tránh ùn tắc chế độ BHTN cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phải bố trí thêm nhân lực, mở thêm các quầy tiếp nhận giải quyết hồ sơ. Hướng dẫn, phân luồng người lao động tại bộ phận tiếp nhận và giải quyết hồ sơ BHTN.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục đối với người lao động hưởng BHTN để thông tin tuyên truyền cho người lao động nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận và hỗ trợ tốt nhất cho người lao động và phù hợp với chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của cấp trên. Số lượng người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn, lại trong thời gian giãn cách xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã phải hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục online, tránh tiếp xúc gần, không mất công chờ đợi, xếp hàng.

Sau thời gian giãn cách xã hội, Trung tâm tiếp tục tổ chức cho người lao động thực hiện các giao dịch BHTN qua cả 2 hình thức trực tiếp và gián tiếp (qua bưu điện, email). Về kết quả thực hiện, tính đến hết ngày 18/12/2020, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 80.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, 333.340 lượt người đến thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, chính sách BHTN là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Một trong 4 chế độ của chính sách BHTN là chính sách hỗ trợ học nghề đã được quy định rõ trong Luật Việc làm. Chính sách hỗ trợ học nghề nhằm giúp người lao động có thêm kỹ năng nghề để đáp ứng duy trì việc làm, thúc đẩy người lao động sớm trở lại thị trường lao động với kỹ năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Giúp lao động tìm được công việc phù hợp và bền vững hơn.

Qua quan sát thực tế từ hoạt động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội về vấn đề này, ông Tạ Văn Thảo cho rằng, hiện nay, mức chi hỗ trợ học nghề chưa đa dạng. Vì vậy, chưa kích thích được các cơ sở nghề quan tâm để tham gia đào tạo nghề cho lao động đang hưởng chế độ BHTN. Cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hơn nữa về hỗ trợ học nghề cho người lao động. Trình độ kỹ năng nghề của người lao động hưởng BHTN rất đa dạng, nhu cầu cũng phong phú. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố Hà Nội có số lượng lao động rất lớn, nên cần có chế độ, chính sách phù hợp, thời gian tham gia khóa học linh hoạt để đáp ứng với số lượng lớn lao động có nhu cầu học nghề.

Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh mức hỗ trợ học nghề tăng để thu hút các cơ sở nghề dạy những nghề có kỹ năng cao, công nghệ hiện đại tham gia để tăng thêm lựa chọn cho người lao động. 

Ông Trần Tuấn Tú cũng cho rằng, hiện nay, theo báo cáo của các địa phương, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật, và thủ tục đăng ký rất đơn giản. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm, đặc biệt từ sau khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.

Cụ thể, từ 2010 mới có 270 người được hỗ trợ học nghề, đến năm 2015 có 24.363 người được hỗ trợ học nghề, năm 2017 có 28.537 người năm 2019 số người được hỗ trợ học nghề là 41.906 người, 11 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tạm ngưng hoạt động (đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội) nên số người được hỗ trợ học nghề giảm.

Tính đến hết tháng 11/2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251.000 người, với tổng chi là hơn 482 tỷ đồng. Số người được hỗ trợ học nghề chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, nằm trong dự tính phương án tài chính khi xây dựng chính sách BHTN trong Luật Việc làm.

Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ người được hỗ trợ học nghề không nhiều, ông Tú cho rằng, đa số lao động thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, lao động tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...các đơn vị thâm dụng, sử dụng rất nhiều lao động và có biến động lao động thường xuyên. Số lao động này thường có đời sống khó khăn, không có nguồn dự trữ hoặc hỗ trợ khác nên khi bị mất việc người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vì vậy, tâm lý chung là dành thời gian kiếm sống tìm các công việc khác để duy trì cuộc sống rồi mới tính đến việc học nghề.

Mặt khác, một số công ty ở các khu công nghiệp khi tuyển dụng chủ yếu là tuyển lao động phổ thông, nên người lao động có thể tìm kiếm được việc làm mới ngay sau khi mất việc mà không cần học nghề khác. Hoặc nếu có học nghề, người lao động cũng chỉ được doanh nghiệp bố trí công việc và trả lương theo vị trí lao động phổ thông.

“Mức hỗ trợ học nghề hiện nay thấp, hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ ngắn tối đa 6 tháng nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên. Mặt khác, tại một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề,... Đồng thời, chưa thực hiện hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề. Do đó, chưa hấp dẫn người lao động tham gia học nghề. Bên cạnh đó, trong thời gian học nghề thì vẫn phải trang trải cuộc sống mà lại không có đủ tài chính nên đa số không thật sự “mặn mà” với việc học nghề, dẫn đến những hạn chế’, ông Tú thẳng thắn chỉ rõ.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Tuấn Tú, người lao động nghỉ việc có xu hướng chuyển về quê tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, hợp lý hóa gia đình. Ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa thì cơ sở hạ tầng phục vụ việc dậy nghề, học nghề cho lao động chưa đáp ứng được nên cũng dẫn đến những hạn chế nhất định.

Ông Trần Tuấn Tú cho hay, hiện nay, Bộ LĐ-TB-XH cũng đang căn cứ báo cáo của các địa phương để đưa ra các giải pháp tăng số người được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, còn một số quy định trong luật hiện đang cần nghiên cứu sửa đổi như danh mục nghề được hỗ trợ đào tạo, về thời gian hỗ trợ học nghề,... cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ cho các khóa đào tạo ngắn hạn.

Thời gian vừa qua, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 61 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28. Theo đó, đã nới lỏng, tạo điều kiện cho người lao động thất nghiệp tham gia hỗ trợ học nghề như cho phép người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tại địa phương này nhưng lại đề nghị học nghề tại một địa phương khác...

Để tạo điều kiện đối với người thất nghiệp tham gia học nghề, Bộ LĐ-TB-XH đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN (thay thế Quyết định 77/2014/QĐ-TTg ngày 24-12-2014). Theo đó, mức hỗ trợ học nghề của người lao động được nâng lên so với quy hiện hành.

Ngoài ra, Cục Việc làm cũng đang nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến chế độ hỗ trợ học nghề theo hướng nâng mức hỗ trợ, đa dạng các hình thức hỗ trợ, linh hoạt về thời gian hỗ trợ, cải tiến quy trình hỗ trợ học nghề bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính...; phối hợp các cơ quan liên quan để xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế về việc hỗ trợ học nghề cho người lao động nhằm tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp./.


Thứ Tư, 14:24, 30/12/2020