Lập “siêu ủy ban” quản lý doanh nghiệp nhà nước liệu có khả thi?

VOV.VN - Bên cạnh những ý kiến đồng thuận thì việc thành lập siêu ủy ban cũng gây ra nhiều tranh cãi, nghi ngại về tính khả thi cũng như sự cần thiết.

Tính đến cuối năm 2015, tổng vốn nhà nước tại gần 800 doanh nghiệp có giá trị khoảng 55 tỷ USD và tổng giá trị tài sản khoảng 130 tỷ USD. Tuy nhiên, thực tế, công tác quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước chưa tốt và không rõ trách nhiệm, thậm chí còn xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, tham nhũng, vi phạm pháp luật.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nêu ý kiến về dự thảo lập siêu ủy ban. (Ảnh: KT)
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Dự thảo Nghị định quy định thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước với quy mô vốn và tài sản lên tới trên 100 tỷ USD và quản lý tới 30 tập đoàn, tổng công ty lớn nhất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng thuận, việc thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp cũng gây ra nhiều tranh cãi, nghi ngại về tính khả thi cũng như sự cần thiết của một bộ máy siêu quyền lực.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, việc thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước sẽ giải quyết vấn đề tránh xung đột lợi ích trong việc thực hiện các chức năng của nhà nước.

“Phải tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu ra khỏi chức năng làm chính sách và chức năng điều tiết thị trường của nhà nước. Ba chức năng này là của nhà nước nhưng khi thực hiện, nếu tập trung vào một bộ thì nó xung đột lợi ích, dẫn tới một môi trường kinh doanh không công bằng, không bình đẳng, thiếu cạnh tranh, tạo ra sự méo mó của thị trường, dẫn tới kém hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung khuyến cáo.

Theo Dự thảo, dự kiến 30 doanh tổng công ty, tập đoàn lớn sẽ được chuyển giao cho Ủy ban này quản lý. Đáng chú ý là Ủy ban mới này cũng sẽ quản lý cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – doanh nghiệp được thành lập với chức năng tương tự như của Ủy ban.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đồng tình với việc cần có cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, ông Lưu Bích Hồ cho rằng, việc tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các bộ quản lý ngành hiện nay là một bài toán không đơn giản.

“Khó khăn nhất là số vốn, số doanh nghiệp còn nhiều, manh mún và phân tán. Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp nằm trong Tổng công ty, Tập đoàn nhưng ngay các cơ quan này cũng còn nhiều vấn đề nên bây giờ sắp xếp, chấn chỉnh lại sẽ liên quan đến thể chế, lợi ích nhóm. Do đó, quan trọng nhất là phải tạo ra một sự thống nhất, nhất trí, đồng thuận về nhận thức và quan điểm, từ đó dẫn tới cách tổ chức, phương thức phù hợp, có sự quyết tâm chính trị của lãnh đạo, của các bộ, các địa phương”, ông Lưu Bích Hồ chỉ rõ.

Theo Dự thảo, “siêu uỷ ban” sẽ là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ. Nói cách khác, đây sẽ là “siêu uỷ ban” có quyền lực độc lập và chỉ chuyên chức năng đầu tư, phân bổ vốn, giám sát vốn nhà nước theo mục tiêu do Chính phủ quyết định… Tuy nhiên, khi quyền điều hành được tập trung vào một tổ chức sẽ khó tránh nguy cơ lạm quyền, hình thành những lợi ích nhóm, xung đột gay gắt…Do đó vẫn còn một số ý kiến lo ngại về tính khả thi và hiệu quả của một bộ máy siêu quyền lực này.

GSTS. Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, khi nhập tất cả các doanh nghiệp nhà nước vào một ủy ban dễ gây ra một cảm tưởng chuyển từ một cơ quan hành chính này sang quản lý hành chính khác, không nhấn mạnh được cơ quan đó tập trung kinh doanh vốn.

“Nói cải cách doanh nghiệp nhà nước cuối cùng phải đi đến giảm tỷ lệ của khu vực công và tăng cường quản trị của khu vực công. Nhưng với dự thảo này không rõ ràng lắm trong tín hiệu lập Ủy ban về quản lý vốn như thế này. Theo tôi, nên hết sức thận trọng để chuyển biến từng bước một, nên dùng chữ “công ty quản lý vốn của doanh nghiệp nhà nước”, phân thành từng cụm, sẽ rất là ít hành chính”, GSTS. Nguyễn Quang Thái phân tích.

Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện mô hình này để quản lý doanh nghiệp nhà nước, thành công có, thất bại cũng có. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xem xét rành mạch căn nguyên của những thành bại ấy để rút kinh nghiệm, từ đó có thể áp dụng hiệu quả ở Việt Nam.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đưa Dự thảo ra lấy ý kiến người dân, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế cũng như các bộ ngành và dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét thông qua ngay trong quý III năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lập “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản 100 tỷ USD của DN Nhà nước
Lập “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản 100 tỷ USD của DN Nhà nước

Siêu ủy ban sẽ quản lý vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp lên tới 1,2 triệu tỷ đồng, giá trị tài sản là hơn 3,1 triệu tỷ đồng.

Lập “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản 100 tỷ USD của DN Nhà nước

Lập “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản 100 tỷ USD của DN Nhà nước

Siêu ủy ban sẽ quản lý vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp lên tới 1,2 triệu tỷ đồng, giá trị tài sản là hơn 3,1 triệu tỷ đồng.

“Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Tham vọng lớn, giám sát thế nào?
“Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Tham vọng lớn, giám sát thế nào?

VOV.VN - Dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp đang thu hút dư luận.

“Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Tham vọng lớn, giám sát thế nào?

“Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Tham vọng lớn, giám sát thế nào?

VOV.VN - Dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp đang thu hút dư luận.

Lập “siêu ủy ban” quản lý hàng trăm tỷ USD liệu có cần thiết?
Lập “siêu ủy ban” quản lý hàng trăm tỷ USD liệu có cần thiết?

VOV.VN - Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao về cho một bộ quản lý giám sát tài sản, vốn của doanh nghiệp nhà nước không nhất thiết phải lập “siêu ủy ban”.

Lập “siêu ủy ban” quản lý hàng trăm tỷ USD liệu có cần thiết?

Lập “siêu ủy ban” quản lý hàng trăm tỷ USD liệu có cần thiết?

VOV.VN - Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao về cho một bộ quản lý giám sát tài sản, vốn của doanh nghiệp nhà nước không nhất thiết phải lập “siêu ủy ban”.