Nạn xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn gia tăng dù luật pháp đầy đủ

VOV.VN -ĐBQH Bùi Thị An: Luật pháp luôn đứng về trẻ em, tuy nhiên tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em vẫn gia tăng báo động trong những năm gần đây.

Với 7 chương, 106 điều, Luật trẻ em đã được Quốc hội thông qua ngày 5/4, trong đó nêu rõ nghiêm cấm các hành vi xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, thông tin từ Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, trong 5 năm qua (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó.

Cháu bé bị thâm tím mặt do cô giáo đánh, ảnh bên là quang cảnh trường học của cháu (Ảnh: Soha)

Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400 đối tượng. Dư luận cho rằng Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh, nhưng công tác thực thi và giám sát thực thi kém hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) thừa nhận, luật pháp luôn đứng về trẻ em, tuy nhiên tình trạng xâm hại, bạo hành, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em vẫn gia tăng báo động trong những năm gần đây. Những thông tin như: bảo vệ trường học xâm hại tình dục hàng chục ở một trường nội trú; cô giáo đánh học sinh thâm tím hai mắt… khiến dư luận rất bức xúc và đau lòng. 

Đại biểu Bùi Thị An nói: “Khi đọc những thông tin này, không phải riêng tôi mà nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng cảm thấy rất xót xa. Đối với những trường hợp này, tôi nghĩ tới đây trong Bộ luật Hình sự cần phải nâng lên chế tài xử phạt những đối tượng xâm hại, bạo hành trẻ em. Bởi hành vi này làm cho các em bị khủng hoảng tinh thần lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ”.

Liên hệ với trường hợp nghệ sĩ Minh Béo, bà Bùi Thị An cho rằng chúng ta cũng nên xem lại luật pháp xử phạt các hành vi xâm hại, quấy rối, bạo lực trẻ em. “Tất nhiên các nước có những luật riêng, ta chỉ tham khảo. Nhưng tôi nghĩ nhân đây cũng nên xem lại luật pháp của ta đã đi vào cuộc sống chưa, nghiêm minh chưa?

Chúng ta không đánh giá cao luật của nước khác, nhưng luật phải đi vào cuộc sống. Tức là phải ngăn chặn được tất cả hành vi đó một cách nhanh chóng, tức thời, bởi nếu để kéo dài thì hậu quả để lại sẽ rất lớn. Cho nên tôi mong rằng luật phải đi vào cuộc sống” - bà An nói.

“Vẫn muốn nâng độ tuổi trẻ em lên 18”

ĐBQH Bùi Thị An
Với 340/397 đại biểu đồng ý với phương án “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”, Quốc hội đã không nhất trí phương án nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị An cho biết, bà thuộc “thiểu số” các đại biểu muốn nâng độ tuổi trẻ em, để phù hợp với quy định của thế giới và bảo đảm quyền lợi trẻ em.

“Thực tế nếu để 16 tuổi thì sẽ đồng bộ với một số bộ luật khác của Việt Nam nhưng tôi lại quan niệm khác, bởi vì xuất phát từ quyền lợi trẻ em. Vị thành niên và trẻ em là khác nhau nên chúng ta cần có luật pháp để bảo vệ trẻ em. Nhưng tôi là trong thiểu số những đại biểu ủng hộ nâng độ tuổi trẻ em nên phải chấp hành theo đa số”.

Bà Bùi Thị An cũng thừa nhận: Luật trẻ em vừa thông qua đã “quét” được hầu hết các đối tượng trẻ em, nhưng trẻ tự kỷ chưa được đưa vào luật bởi nhóm trẻ này hiện là vấn đề rất lớn trong xã hội.

Bên cạnh đó, ai cũng nói “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, trẻ em là nguồn lực của Việt Nam cho nên nếu chúng ta không chăm sóc đầy đủ và chu đáo trẻ em, thì sẽ không có nguồn lực chất lượng cao trong tương lai. Cho nên chăm sóc trẻ em toàn diện là thực hiện đúng quyền được quy định trong Hiến pháp.

“Tôi nghĩ điều này phải đồng bộ hơn nữa trong hạ tầng xã hội như trường học, y tế, sân chơi cho các em… để các em phát triển cả trí lực, thể lực, trí tuệ. Còn nếu để trẻ em thấp còi như hiện nay với tỷ lệ rất cao, khoảng 25%, thì các em không thể nào có trí tuệ, thông minh được. Khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu thì cạnh tranh phải bình đẳng trước sân chơi chung bằng nội lực của mình, mà nguồn lực chính là trẻ em hiện nay” – bà Bùi Thị An khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên