Huyện nghèo xây tượng đài cả chục tỷ đồng: “Con gà tức nhau tiếng gáy“

VOV.VN - Không phê phán việc xây dựng tượng đài nếu trong điều kiện ngân sách dư dả, chứ không phải túng thiếu, trông chờ vào Nhà nước

Câu chuyện huyện nghèo Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, bỏ ra gần 50 tỷ đồng xây dựng công trình tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đến nay mịt mù ngày về đích vì thiếu vốn, đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trước đó, hàng loạt địa phương khác xây dựng tượng đài, cổng chào với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thế nhưng những mục tiêu tốt đẹp đó chưa thấy đâu, chỉ thấy nhiều công trình dở dang, phơi nắng, phơi mưa, nợ công địa phương thêm chồng chất, đời sống người dân thêm khó khăn.

Tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh có tổng mức đầu tư 48 tỉ đồng đang trong giai đoạn hoàn thành (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Đáng nói hơn, là những “dự án” dạng này có khuynh hướng nảy nở ở nhiều nơi, bất chấp chủ trương thực hành tiết kiệm mà Chính phủ đang kêu gọi. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên VOV có trao đổi với Tiến sỹ Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa 13.

PV: Ông bình luận gì về việc huyện nghèo Vĩnh Thạnh bỏ ra gần 50 tỷ đồng để xây dựng tượng đài?

Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy hiện tượng này không chỉ có ở một huyện của Bình Định mà gần đây phong trào xây tượng đài, dựng tượng nảy nở, lan ra ở rất nhiều địa phương. Đặc biệt, có những huyện rất nghèo phải nhờ chi viện ngân sách của Nhà nước nhưng cũng vẫn xây tượng đài hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để đến nỗi đang xây dở thì không còn ngân sách.

Tôi không phê phán chuyện xây dựng tượng đài nhưng đó là xây trong điều kiện ngân sách địa phương dư dả, chứ không phải xây trong tình trạng còn đang túng thiếu, đang phải trông chờ vào Nhà nước, trong khi còn biết bao việc cần thiết hơn như người nghèo, y tế, giáo dục, giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19.

Tôi cho đó là hội chứng “con gà tức nhau tiếng gáy”, thấy địa phương khác làm mình cũng phải làm. Tình trạng đó gây ra một hội chứng không tốt, cần phải có cảnh báo, cơ quan cấp trên cũng nên có ý kiến nhắc nhở.

Khi cả nước đang gặp khó khăn trước đại dịch Covid-19, UBND huyện Yên Định đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa việc xây dựng tượng đài Bà Triệu với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Đáng chú ý, Huyện ủy, UBND huyện Yên Định đang nợ nhiều cá nhân trong và ngoài cơ quan tiền công nợ tiếp khách lên đến 52 tỷ đồng. Tại huyện miền núi nghèo Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, một trong những huyện nghèo nhất của cả nước dù chưa kịp chiến thắng tụt hậu và đói nghèo, cũng đã chi đến 14 tỷ đồng để xây tượng đài Chiến thắng Khâm Đức. Ở cấp tỉnh có dự án quảng trường và tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình với tổng mức vốn đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, vẫn đang dở dang sau hơn 10 năm xây dựng.

PV: Đáng tiếc, việc xây dựng tượng đài, cổng chào không phải là cá biệt; không chỉ các tỉnh mà đến nay đã lan xuống cấp huyện. Nhiều địa phương cho rằng, trong số vốn đầu tư đó có một phần là vốn huy động xã hội hóa. Ông nghĩ sao về cách lý giải này?

Ông Lê Như Tiến: Huy động xã hội hóa là cần thiết nhưng xã hội hóa cho những việc cấp bách như trường học, trạm xá, bệnh viện để giảm tải bệnh nhân và những việc cấp thiết khác như hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, an sinh xã hội… thì hợp lý. Gần đây tôi cũng đã cảnh bảo trên báo chí hiện tượng nhiều địa phương xây dựng các bảo tàng rất lớn rồi để đấy, không có người vào xem thì đó là sự lãng phí rất lớn, trong khi các huyện, tỉnh còn rất nhiều việc cấp bách phải làm, thì chúng ta nên lựa chọn những việc cần ưu tiên, chứ không phải cứ theo phong trào là làm.

Ông Lê Như Tiến

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, 13 tôi đã từng cảnh báo, nhiều khi trong xây dựng cơ bản, những đơn vị xây dựng cắt lại cho chủ đầu tư 10%, có nghĩa khi anh xây 100 tỷ, anh sẽ có 10 tỷ, như thế có thể hiểu, số tiền đầu tư càng lớn, số tiền chảy vào túi cá nhân hay nhóm lợi ích càng nhiều.

PV: Như vậy, theo quan điểm của ông, càng nở rộ phong trào xây dựng tượng đài, cổng chào, ngoài mục đích tốt đẹp là hướng giới trẻ về lịch sử quê hương, thì còn có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong đó. Vậy theo ông hậu quả là gì khi một số địa phương chú trọng việc xây dựng mà không chú ý đến nguồn lực cũng như chất lượng công trình, coi trọng dư luận?

Ông Lê Như Tiến: Nhãn tiền là một số tượng đài, cổng chào mới xây dựng xong đã sập đổ hoặc hư hỏng, vừa tốn kém tiền của nhân dân mà còn để dư âm lâu dài. Chưa kể, sau một vài công trình của một số địa phương, một số cán bộ địa phương đã bị vướng vào vòng lao lý như chúng ta đã biết.

PV: Những địa phương quyết định triển khai dự án tượng đài khi chưa bố trí đủ vốn có trái với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công hay không?

Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy việc đó là trái với chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là hướng dẫn của Chính phủ về đầu tư công, không tập trung đầu tư công vào những công trình thiết yếu mà lại xây dựng những công trình chưa thiết yếu, trong khi địa phương còn đang thiếu ngân sách cần hỗ trợ của Trung ương. Đó là việc làm vô lý.

PV: Vậy theo ông cần chấn chỉnh tình trạng này ra sao, để việc xây dựng tượng đài, cổng chào đi vào thực chất?

Ông Lê Như Tiến: Có nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là các cơ quan cấp trên của tỉnh, huyện phải tăng cường thanh, kiểm tra xem việc đó có đúng không. Nếu chưa hợp lý, chưa đúng phải thổi còi. Thứ hai là trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức đó, các địa phương đó xem có đúng với lợi ích của nhân dân thì mới làm. Thứ ba, dù là xây tượng đài, cổng chào, hay quảng trường cũng phải xin ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước, là Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, cao hơn nữa là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến nhân dân. Nếu nhân dân không đồng thuận thì phải dừng lại.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên