Bài thơ của Tòng Văn Hân: "Bà chửi trộm hiện lên rất đẹp, rất nhân văn"

VOV.VN - Về bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” trong chùm thơ 3 bài vừa đạt giải B cuộc thi của Báo Văn nghệ, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết bài thơ không vần điệu, ngôn ngữ không đặc biệt nhưng thật thà. Cái hay của bài thơ cũng là ở chỗ đó.

Cuộc thi thơ 2019 – 2020 của Báo Văn nghệ đã khép lại, thế nhưng câu chuyện xoay quanh bài thơ đạt giải B (không có giải A) của tác giả Tòng Văn Hân vẫn chưa đến hồi kết. Bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của ông trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trong giới văn chương và mạng xã hội.

Ban Tổ chức cuộc thi mô tả, "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của tác giả Tòng Văn Hân có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi, nhưng qua đó lại là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được. Về sâu xa, chửi này là chửi có tính triết lý. Nguồn gốc của bài thơ bắt đầu là sự đói kém, nhưng nhân văn, cao thượng vô cùng. 

Bàn về bài thơ này, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ, dù khá nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, thậm chí nghi ngờ về chất lượng 3 bài thơ của Tòng Văn Hân (dân tộc Thái, quê Điện Biên) nhưng cá nhân ông thấy tứ thơ lại rất được. Đó là cách nghĩ chân thành, nhân văn, nhân hậu, thật như đếm, so sánh ẩn dụ thú vị... của người miền núi.

"Lời chửi của 'mẹ tôi' trong bài thơ thật lạ, không giống ai. Đúng ra là mẹ không chửi, mà mẹ mong: "Ta cầu mong cho ngươi/Nuôi được gà đầy đàn/Lứa này tiếp lứa khác.."; "...Thì hãy có nhiều lợn/Đàn tiếp đàn núc ních...". Mẹ giận, mẹ chửi mà đáng yêu như vậy thì 4 câu thơ cuối bài cũng dễ hiểu, không lạc lõng "Thế mà có hẳn bốn nhà/Muốn được tôi làm con dâu của họ" - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết.

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa – thành viên Hội đồng chung khảo cuộc thi này cho biết, chính ông là người đề nghị cuộc thi không có giải A và bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" cũng không phải là "toàn bích" dù "có tứ rất hay".

"Ta thấy bà chửi trộm hiện lên rất đẹp, rất nhân văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói rất đúng 'Lấy ân trả oán thì cái oán sẽ bớt đi. Lấy oán trả oán thì oán càng chồng chất'… Tứ hay. Rất nhân văn. Cách viết mộc, thật thà. Đúng là cách nghĩ cách nói của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, về nghệ thuật bài thơ không có gì. Nhưng để mộc thế này lại hiệu quả. Để viết có vần có ngôn ngữ bóng bẩy chả khó gì. Nhưng như thế sẽ mất đi sự chân phác, đúng là người dân tộc. Cách viết như tác giả là hợp lý. Bài thơ không vần điệu, ngôn ngữ không đặc biệt nhưng thật thà. Cái hay của bài thơ cũng là ở chỗ đó. Tôi cho rằng, đó là bài thơ hay! Nhưng không toàn bích, nếu toàn bích nó đã giải nhất rồi” – nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Đồng tình về ý thơ hay, nhưng nhà văn Hoài Hương cho rằng bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" không có tính mới. "Ý thì được, nhưng không mới. Ngôn từ có chất thi ca  (kể cả gọi là âm hưởng của dân tộc) không có. Tính nhạc điệu trong bài cũng không. Chưa thấy sự sáng tạo nghệ thuật thơ... Nói chung, giải cao thì khó thuyết phục, khi ở Việt Nam được xem là một đất nước của thơ" - bà Hoài Hương nhận xét./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thơ đoạt giải Báo Văn nghệ: Dư luận chê dở, Ban Giám khảo khen độc đáo nhất cuộc thi
Thơ đoạt giải Báo Văn nghệ: Dư luận chê dở, Ban Giám khảo khen độc đáo nhất cuộc thi

Trước ồn ào chê bai về bài "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" đoạt giải B của Báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Trưởng Ban Giám khảo cho rằng, đây là bài thơ hay, độc đáo nhất cuộc thi.

Thơ đoạt giải Báo Văn nghệ: Dư luận chê dở, Ban Giám khảo khen độc đáo nhất cuộc thi

Thơ đoạt giải Báo Văn nghệ: Dư luận chê dở, Ban Giám khảo khen độc đáo nhất cuộc thi

Trước ồn ào chê bai về bài "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" đoạt giải B của Báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Trưởng Ban Giám khảo cho rằng, đây là bài thơ hay, độc đáo nhất cuộc thi.