Viết lời cho nhạc, cho dân ca khó hay dễ?

VOV.VN - Viết lời cho nhạc, cho dân ca có người bảo dễ, có người bảo khó. Vậy khó hay dễ?

Trong một cuốn sách của họa sĩ Tạ Tỵ xuất bản năm 1972 ở Sài Gòn đã phê phán một nhạc sĩ trong việc sửa lời bài hát "Ngọn trào quay súng". Khi đi với ta thì viết "Ngọn trào quay súng giết quân Thực dân", khi bỏ ngũ đi với địch thì viết “Ngọn trào quay súng giết quân Việt minh”.

Chỉ hai chữ "Thực dân" và "Việt minh" đã thể hiện những vấn đề trái ngược nhau trong hành động cũng như trong suy nghĩ, mà lúc đó việc kêu gọi phản chiến là hết sức quan trọng, bởi yêu nước hay phản quốc trong bài hát là ở hai từ đó. Từ đó cho thấy, "lời ca" thật là nguy hiểm.

Những năm qua, các nhà xuất bản đã tung ra thị trường và bán rất chạy các tập bài hát mà trong đó không có nhạc, chỉ in phần lời ca (kể cả lịch bỏ túi mỗi khi Tết đến), lại cũng cho hay lời ca thật cần thiết. Dù chưa thống kê và thăm dò, nhưng liệu hiện nay có được 50% người dân thích nghe nhạc không lời hay chưa? Xem ra, xã hội ta còn nặng về phần "lời" nhiều hơn.

Có lẽ chính vì thế mà chúng ta không ngạc nhiên khi những ca khúc mới có lời hay đã chiếm được cảm tình người nghe và có nhiều thư yêu cầu của thính giả gửi về Đài Tiếng nói Việt nam (VOV) trích lời trong các bài hát đó ra để phân tích như:

1. "Màn đêm xuống không trăng sao, lòng tôi nhớ tới hôm nào, từ biệt làng đi chiến đấu đời bộ đội quen với gian lao". ("Quê tôi" của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn).

2. "Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ, ruộng quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày. Đất với người cùng một lòng suy nghĩ, ấy phải làm gì cho tiền tuyến hôm nay, ấy phải làm gì nắm phần thắng trong tay”. ("Bài ca năm tấn" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý).

3. "Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống cuộc đời nhỏ nhoi. Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người, ngày đêm canh giữ đất trời…". ("Một rừng cây, một đời người" của nhạc sĩ  Trần Long Ẩn).

Lấy những ví dụ ấy của các nhạc sĩ chuyên nghiệp để nói lên một điều rằng, ca khúc nhạc mới khi làm lời đã phải chú ý đến vần, vậy thì tại sao soạn lời cho dân ca lại không chú ý đến vần? Các cụ ngày xưa đã từng viết một bài Ca Huế từ đầu đến cuối chỉ một vần "i": “Nước non ngàn dặm ra đi, cái tình chi mượn màu son phấn, đền nợ ô ly. Đắng cay vì, độ xuân thì, hay nợ duyên gì, vàng lẫn theo chì. Khúc biệt ly, mường tượng nghe gì. Thấy chim hồng nhạn bay đi, bóng dương hoa quỳ”. (Điệu Nam Bình - Ca Huế).

Nếu ta không hơn được các cụ ta xưa thì chí ít cũng phải bằng. Muốn vậy khi làm lời là phải suy nghĩ nhiều, phải tốn thời gian, mới mong đạt được yêu cầu tối thiểu. Tôi cũng rất thán phục khi nhớ đến câu thơ Lục Bát trong dân gian truyền lại với 14 từ bằng vần “Ch” rằng: "Chưa chồng chơi chốn chùa chiền - Chanh chua chuối chát chính chuyên chờ chồng".

Tôi lại càng thán phục hơn khi nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã sáng tác bài "Tôi thích thể thao". Tiếng nào trong lời ca cũng bắt đầu từ chữ “T” gồm 248 tiếng: "Tin theo thể thao, thích tập thể thao, tính tình thanh tao, thế thì thật tuyệt, tính tôi thích thể thao"… Nếu không đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ hẳn khó mà sáng tác được như thế.

Theo tôi, việc sáng tác lời cho dân ca (kể cả viết lời cho ca khúc) không chỉ tương tự như vậy mà còn hơn thế. Chúng ta cần và rất cần tôn trọng, đặc biệt chú trọng đến cách tìm hình tượng, tìm vần đúng với thể thơ và nếu có thể cũng phải tự tìm ra cách gieo vần cho hợp lý, cho hay với những bài mẫu lời cổ không có vần.

Bàn về diễn xướng trong dân ca

VOV.VN - Phương thức diễn xướng đồng thời gắn liền với môi trường thẩm mỹ. Môi trường thẩm mỹ là nơi phát sinh, phát triển diễn xướng…

Riêng những bài có vần như "Chiều chiều ra đứng lầu Tây - Thấy cô gánh nước tưới cây ngô đồng" (Lý chuồn chuồn - Nam Bộ), "Xem lên hòn núi Thiên Thai - Thấy đôi chiền chiện ăn xoài chín cây" (Lý Thiên Thai hay còn gọi là lý Thượng - Dân ca khu Năm). "Trúc xinh trúc mọc bờ ao - Chị xinh chị đứng nơi nào cũng xinh" (Cây trúc xinh - Quan họ)… thì khi sáng tác lời mới nhất thiết phải tuân thủ theo đúng vần của thể thơ lục bát, tuyệt đối không được tùy tiện phá vần. Mặc dù câu thơ lục bát đã được biến thể bởi phải thêm các từ đệm vào.

Đây là vấn đề tối thiểu cần nắm vững đối với mỗi người soạn lời, mỗi biên tập viên của các ban biên tập trong đó có phát thanh, truyền hình và các nhà xuất bản, mỗi khi "đụng” đến dân ca và các thể loại ca nhạc cổ truyền như Chèo, Cải lương, ca Huế, hát Văn, hát Tuồng…

Tiếc thay, hiện nay đây đó vẫn còn để "lọt lưới" khá nhiều lỗi tối thiểu này do trình độ của người biên tập. Như thế thì dễ góp phần làm nghèo dân ca, bôi bác dân ca, làm méo mó dân ca và có lẽ đây cũng là một trong những lý do làm cho một số người không thích dân ca chăng ? Nói như vậy cũng không có nghĩa các nhạc sĩ viết lời cho ca khúc của mình đứng ngoài cuộc, mà không chú ý đến yêu cầu tối thiểu của các thể thơ khi phổ nhạc.

Nhân đây, tôi xin lưu ý một vài chi tiết mà cho đến nay chúng tôi đang cố mà vẫn chưa sửa nổi trong phạm vi cả nước. Khi còn sống, nhạc sĩ Nguyễn Viêm đã thừa nhận và đã nhờ chúng tôi sửa lại một chữ cuối trong bài dân ca "Lý Hoài Nam" cho đúng với ngôn ngữ của Bình Trị Thiên quê hương anh: "Chiều chiều dắt bạn qua đèo - Chim kêu bên nớ vượn trèo bên ni" (Ni chứ không phải là Kia - vì kia là tiếng Bắc gần đồng nghĩa với Nớ).

Lại một trường hợp khác mà nhạc sỹ Hồng Thao khi còn sống cũng thấy được "chuyện đã rồi" khó sửa lại. Đó là câu Quan họ "Tay em nâng lấy cơi trầu - Trước mời quý khách, sau hầu đôi bên". Trước đây khi sưu tầm, nhạc sĩ Hồng Thao sợ dùng chữ "hầu" (ví như hầu chuyện, hầu văn, hầu cơm, hầu rượu…) mà sửa lại bằng chữ “mời” cho đỡ “phong kiến, cổ hủ” nhưng lại làm cho câu hát không vần, không đúng yêu cầu của thể thơ truyền thống Lục Bát (6/8).

Sau một số năm tạm gọi là làm nghề soạn lời, chúng tôi thấy có hai cách thông dụng sau đây: cách thứ nhất là bám lấy các nốt nhạc của bản nhạc, đánh đàn lên hoặc xướng âm lên mà sáng tác lời theo nội dung ý tứ đã vạch sẵn (ví dụ “Lý cây đa”: Đồ rê, rê đồ rê mí… chẻ tre đan nón… cho đến hết bài).

Trước đây có nhạc sĩ đã quá câu nệ bám vào từng nốt nhạc (của bài này) đã viết thành: "Chỉ thêu, thêu từng chiếc gối" - giống như "chẻ tre đan nhiều chiếc nón" - cụm ba nốt luyến “rê đồ rê” đáng lẽ chỉ cần một chữ "Đan" thì chẻ thành ba chữ "đan nhiều chiếc" khi hát phải dồn chữ bỏ mất luyến láy mất hay.

Cách thứ hai, cách này phần lớn dành cho những người không biết nhạc dựa theo lời cổ mà soạn lời. Ví dụ: "chẻ tre đan nón" - thì bám theo chữ bài mẫu cổ hoặc bám theo thanh điệu như "huyền không không sắc" hoặc "huyền không không huyền không sắc" cứ thế cho đến hết bài.

Theo chúng tôi cách nào cũng được cả, miễn sao toàn bài sau khi viết xong đạt được những tiêu chuẩn: Nội dung phù hợp với làn điệu; giàu hình tượng văn học, vận dụng tốt ngôn ngữ dân gian; biết sắp xếp vần và đúng vần theo các thể thơ truyền thống.

Còn một vấn đề nữa mà tôi muốn đề cập đến đó là việc vài năm gần đây có rất nhiều điệu dân ca mới được một số nhạc sĩ sáng tác, lại được các hội diễn nghệ thuật sử dụng và cứ thế nghiễm nhiên trở thành dân ca như một loạt dân ca Nam Bộ, một loạt dân ca khu Năm, một loạt dân ca Bắc Bộ, một loạt dân ca Nghệ Tĩnh… mà phần lớn là trích trong các vở ca kịch.

Nhiều vị giám khảo trong đó có cả tôi cũng đành "tặc lưỡi" cho qua để khỏi gây tranh luận rắc rối nó là dân ca hay là sáng tác mà đơn vị nào cũng có thể tự bảo vệ, cho đó là dân ca của vùng mình mới được sưu tầm. Muốn tìm ra nguồn gốc hẳn phải tốn công tốn của tốn thì giờ lắm. Vậy thì nên chăng, chúng ta cần phối hợp tổ chức một cuộc thi sáng tác các điệu hát dân ca mới, để chọn lấy những điệu hay mà phổ biến rộng rãi?

Làm lời khó lắm thay! Tôi muốn chứng minh cho sự nhọc nhằn, vất vả của cái sự làm lời sao cho hay, cho đẹp, cho vào lòng người, trong đó bao gồm cả việc viết lời cho các ca khúc, sao cho nhạc hay, lời cũng hay. Bởi đây thực sự là một nghề bao gồm cả văn học và nghệ thuật - làm vui cho đời, làm giàu và đẹp thêm nền âm nhạc Việt Nam, đáp ứng được thẩm mỹ của người thưởng thức các nhạc phẩm ngày càng đa dạng và phong phú./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tiêu Châu Như Quỳnh xin phép Mr Đàm để ra mắt “Tình bơ vơ“
Tiêu Châu Như Quỳnh xin phép Mr Đàm để ra mắt “Tình bơ vơ“

VOV.VN - Tiêu Châu Như Quỳnh chính thức gửi tới người mộ điệu ca khúc Tình bơ vơ, mở đường cho album vol 2 của cô.

Tiêu Châu Như Quỳnh xin phép Mr Đàm để ra mắt “Tình bơ vơ“

Tiêu Châu Như Quỳnh xin phép Mr Đàm để ra mắt “Tình bơ vơ“

VOV.VN - Tiêu Châu Như Quỳnh chính thức gửi tới người mộ điệu ca khúc Tình bơ vơ, mở đường cho album vol 2 của cô.

Uyên Linh lo lắng khi lần đầu song ca với Trọng Tấn
Uyên Linh lo lắng khi lần đầu song ca với Trọng Tấn

VOV.VN - Lần đầu tiên, Uyên Linh song ca cùng Trọng Tấn trong chương trình hòa nhạc Giáng sinh "Imagine" diễn ra tối 24/12 tại Cung VHHN Việt Xô, Hà Nội.

Uyên Linh lo lắng khi lần đầu song ca với Trọng Tấn

Uyên Linh lo lắng khi lần đầu song ca với Trọng Tấn

VOV.VN - Lần đầu tiên, Uyên Linh song ca cùng Trọng Tấn trong chương trình hòa nhạc Giáng sinh "Imagine" diễn ra tối 24/12 tại Cung VHHN Việt Xô, Hà Nội.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chặng đường 60 năm đồng hành cùng dân tộc
Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chặng đường 60 năm đồng hành cùng dân tộc

VOV.VN - Sáng 7/12 tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 60 năm đồng hành cùng dân tộc với sự tham gia của đông đảo các nhạc sĩ tên tuổi.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chặng đường 60 năm đồng hành cùng dân tộc

Hội Nhạc sĩ Việt Nam và chặng đường 60 năm đồng hành cùng dân tộc

VOV.VN - Sáng 7/12 tại Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học 60 năm đồng hành cùng dân tộc với sự tham gia của đông đảo các nhạc sĩ tên tuổi.

“Em gái mưa” được phát nhiều nhất trong tháng 11
“Em gái mưa” được phát nhiều nhất trong tháng 11

VOV.VN - Theo báo cáo của Aibiz, ca khúc “Em gái mưa” của Hương Tràm đang dẫn đầu về độ phủ sóng trên truyền hình.

“Em gái mưa” được phát nhiều nhất trong tháng 11

“Em gái mưa” được phát nhiều nhất trong tháng 11

VOV.VN - Theo báo cáo của Aibiz, ca khúc “Em gái mưa” của Hương Tràm đang dẫn đầu về độ phủ sóng trên truyền hình.