NS Dương Thụ: Thu tiền tác quyền âm nhạc ở bệnh viện là đương nhiên

VOV.VN - “Bệnh viện thu tiền viện phí rất cao thì việc trả tiền tác quyền nếu sử dụng âm nhạc là điều đương nhiên”, nhạc sĩ Dương Thụ cho biết.

Nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng cần phải lên tiếng về vấn đề thu tiền bản quyền âm nhạc đang gây tranh cãi trong thời gian này.

PV: Liên quan đến vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc ở bệnh viện, bãi đỗ xe…đang gây tranh cãi, là một nhạc sĩ nổi tiếng và có nhiều tác phẩm ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, ông thấy cách thu hiện nay của đơn vị này đã phù hợp chưa?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Đứng về vấn đề kinh tế thị trường, cái gì dùng vào mục đích quảng cáo, kinh doanh thì phải trả tiền. Cái đó không đáng bao nhiêu nhưng phải trả và phải được thu phí. Các nhà hàng mà mở nhạc, mấy quán cà phê của tôi vẫn đóng mấy triệu một năm và tôi cho như thế là đúng.

Nhạc sĩ Dương Thụ. Ảnh: TTVH

Thu tiền tác quyền ít hay nhiều đều đáng quý. Nhiều tác giả âm nhạc của Việt Nam đang rất nghèo, khổ. Nếu mỗi quý, tác giả được 60 - 70 triệu tiền tác quyền thì cũng phải cắt phí cho bên Trung tâm chứ. Điều này là đúng vì chẳng ai đi làm không công cả. Bên Trung tâm cũng phải trang trải các chi phí về nhân sự, cơ sở, tổ chức.

Kể cả việc thu tiền tác quyền qua tivi được sử dụng ở các sảnh khách sạn, phòng lễ tân cũng là xứng đáng. Thử tính xem, đài truyền hình thu bao nhiêu tiền quảng cáo thì sẽ thấy việc trả phí tác quyền chỉ là con số rất bé.

PV: Thu tiền tác quyền âm nhạc ở bệnh viện hiện nay vẫn bị cho là… nhạy cảm, thưa ông?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Bệnh viện bây giờ trang bị cả phòng dịch vụ, tiện nghi không khác gì khách sạn. Âm nhạc phát ở đó là để phục vụ bệnh nhân. Âm nhạc đã góp phần làm tăng chất lượng dịch vụ của bệnh viện. Thực tế, bệnh nhân đã trả viện phí rất cao cho các dịch vụ thì bệnh viện phải trích một phần viện phí để trả tiền tác quyền.

Đấy là tiền mua nhạc để phục vụ. Tiền trả cho âm nhạc cũng giống như tiền trả cho việc sử dụng điều hòa, tủ lạnh, tivi…

Đối với các chủ khách sạn, nhà hàng, các phòng dịch vụ ở bệnh viện, một năm tiền tác quyền âm nhạc có mấy triệu thì không đáng bao nhiêu, không đáng để tranh cãi, bàn tán, thắc mắc. Không đáng gì! Họ đã thu được rất nhiều tiền của dân. Bây giờ họ "tiếp tục bóc lột nhạc sĩ" nữa là không được.

Chúng ta biết ở Việt Nam hiện nay, đi học phải đóng tiền, vào bệnh viện phải đóng tiền, bảo hiểm phải đóng tiền thì âm nhạc được sử dụng vào mục đích kinh doanh phải đóng tiền là dĩ nhiên, không có gì đáng phải bàn cãi ở đây cả.

PV: Nhiều ca sĩ hiện nay thường mua độc quyền các ca khúc của nhạc sĩ. Còn với ông thì sao, các ca sĩ sử dụng ca khúc của ông, tiền tác quyền là bao nhiều?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Với các ca sĩ, tôi cũng đối xử với từng người khác nhau. Có ca sĩ gặp tôi và bảo, cháu muốn sang Mỹ làm CD, cháu có lấy 4 bài của chú sang thu để lấy vốn làm ăn, chú lấy rẻ giúp cháu. Tôi nói chú cho mày hết, không lấy tiền!

Nhưng các cô Mỹ Linh, Hồng Nhung các thứ, mấy chục triệu một lần hát thì các cô phải trả tiền cho tôi rất đàng hoàng. Làm đĩa phải 5 triệu/1 bài trở lên. Ai ý kiến gì, người khác như nào tôi không biết nhưng với tôi là như thế. Họ đã kiếm được rất nhiều tiền từ các ca khúc của mình thì họ phải trả tiền tác quyền xứng đáng.

PV: Theo ý kiến của nhiều người, việc thu tiền tác quyền của VCPMC là không sai, chỉ có cách thu là chưa thực sự phù hợp, ông nghĩ sao?

Nhạc sĩ Dương Thụ: Tôi luôn luôn ủng hộ Phó Đức Phương trong vấn đề thu tiền tác quyền âm nhạc. Nhiều người bảo là Phương giàu lắm, tôi nói Phương giàu là đúng vì Phương quá giỏi, Phương làm được một việc rất khó, mà không phải ai làm cũng được. Phương bỏ cả thời gian ngồi sáng tác khi đang ở độ chín về cảm xúc thì đó là một điều rất đáng ghi nhận.

Thực tế trả cho VCPMC là trả cho nhạc sĩ. Còn nếu VCPMC thu mà không trả cho các tác giả thì lại chuyện khác.

Nhưng tôi tin VCPMC đang làm rất công bằng, minh bạch. Phó Đức Phương là một người có ý thức rất tốt với cộng đồng. Một con người trách nhiệm.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên