TP.HCM: Công nhân chơi gì sau giờ làm việc?

VOV.VN - 340.000 lao động làm việc tại TP.HCM - nơi được đánh giá là số 1 cả nước về văn hóa giải trí, nhưng phần đông trong số đó lại không được hưởng thụ. 

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 340.000 công nhân lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Trong đó, 70% là người nhập cư, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện: Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè và Quận 7. Với số lượng công nhân lớn như vậy trong khi nguồn lực còn hạn chế thì sức ép về chăm lo đời sống văn hóa cho công nhân đối với các cấp chính quyền và tổ chức công đoàn rất lớn.

Đa số công nhân tại TP.HCM đều không được hưởng thụ văn hóa giải trí. (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Văn Việt, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quốc tế Daiwa Lance, Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7 không ngần ngại chia sẻ đa số công nhân nơi anh ở là xóm trọ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức rất ít được tham gia hoạt động văn hóa. Anh Việt cho biết: “Ở đây không có các hoạt động văn hóa, hỗ trợ cộng đồng. Tôi ở đó được 10 năm rồi mà chưa từng tham gia, có thể do tuyên truyền không tốt, hoặc là có thể do mình không biết. Chủ yếu đi làm về ở nhà thôi”.

Dọc đường Nguyễn Xiển, Quận 9, hàng chục quán nhậu lớn nhỏ chỗ nào cũng đông khách mỗi tối. Anh Khánh Chi, công nhân Công ty Samsung tại Khu công nghệ cao cho biết sau giờ làm một số người về với gia đình, một số người độc thân thì thường đi ăn nhậu hoặc cà phê. Còn những hoạt động như văn hóa, nghệ thuật thì không thấy trên địa bàn.

Những ý kiến trên ít nhiều cũng phán ánh thực tế đời sống văn hóa tinh thần của công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa phong phú. Theo báo cáo của ngành văn hóa thành phố, trên địa bàn hiện có 115 nhà văn hóa, trung tâm học tập công cộng, điểm sinh hoạt văn hóa, câu lạc bộ văn hóa thể thao cấp phường, xã, tụ điểm sinh hoạt cộng đồng ở khu phố, ấp. Thế nhưng, sức hút đối với công nhân không nhiều vì nội dung và chương trình nghèo nàn, khiến nhiều người đến một lần rồi không trở lại.

Một số điểm đã xã hội hóa cho doanh nghiệp thuê để kinh doanh và thu phí cao nên với mức thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng, công nhân cũng đắn đo khi tham gia. Chưa kể tới nhiều công nhân phải làm ca, làm thêm giờ nên khi kết thúc công việc họ dành thời gian để nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe. Những chương trình văn hóa văn nghệ thể thao, hội trại, phiên chợ do ngành văn hóa và công đoàn tổ chức thì chỉ tập trung vào các dịp lễ, tết, mang tính thời vụ nên chưa thỏa mãn nhu cầu của công nhân.

Chủ doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đầu tư xây dựng nhà máy, ít đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đẩy trách nhiệm đó về cho chính quyền địa phương. Vì vậy, công nhân ngoài giờ làm đành tự tìm cho mình cách hưởng thụ văn hóa, giải trí, lành mạnh thì nghe nhạc, xem truyền hình, không thì cờ bạc, ăn nhậu. Ra rạp xem phim, xem ca nhạc, mua sách với số đông công nhân là điều xa xỉ. 

Bà Đặng Hồng Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Gia đình, Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng chủ doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc trong giải quyết vấn đề này. Bà Linh cho rằng chỉ khi có sự hợp lực một cách đồng bộ từ các doanh nghiệp cộng với ngành văn hóa, các tổ chức đoàn thể khác thì mới phát huy hiệu quả nhất trong công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới Liên đoàn Lao động thành phố cũng như các cấp cơ sở đoàn sẽ có những giải pháp mới, thiết thực hơn ngoài việc đổi mới các thiết chế văn hóa. Cụ thể như tổ chức cho công nhân đi xem phim vào cuối tuần, đá bóng… Các công đoàn cơ sở tăng cường các hoạt động cuối tuần. Đối với các khu nhà trọ tập trung đông công nhân thì vận động chủ nhà trọ kết hợp với các chính quyền địa phương dành một khoảng không gian để tạo nên một phòng đọc sách.

340.000 công nhân lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh đang sống trong một môi trường có đời sống văn hóa giải trí được đánh giá là sôi động nhất cả nước, nhưng phần đông không được thụ hưởng nhiều. Công nhân chơi gì sau giờ làm việc? Câu hỏi này không chỉ ngành văn hóa, tổ chức công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội mà các chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm tìm lời giải./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cầm búa đánh công nhân gần chết vì ồn không ngủ được
Cầm búa đánh công nhân gần chết vì ồn không ngủ được

Sau khi sử dụng ma tuý, Châu nằm ngủ trong nhà, khó chịu với tiếng búa ồn ào, Châu giằng lấy búa của công nhân, đánh liên tiếp vào đầu nạn nhân.

Cầm búa đánh công nhân gần chết vì ồn không ngủ được

Cầm búa đánh công nhân gần chết vì ồn không ngủ được

Sau khi sử dụng ma tuý, Châu nằm ngủ trong nhà, khó chịu với tiếng búa ồn ào, Châu giằng lấy búa của công nhân, đánh liên tiếp vào đầu nạn nhân.

Tiếp tục có hàng chục công nhân ngất xỉu vì ngộ độc
Tiếp tục có hàng chục công nhân ngất xỉu vì ngộ độc

VOV.VN - Đây là lần thứ 2 liên tiếp chỉ trong 3 ngày qua, các công nhân của công ty này bị ngất xỉu hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân.

Tiếp tục có hàng chục công nhân ngất xỉu vì ngộ độc

Tiếp tục có hàng chục công nhân ngất xỉu vì ngộ độc

VOV.VN - Đây là lần thứ 2 liên tiếp chỉ trong 3 ngày qua, các công nhân của công ty này bị ngất xỉu hàng loạt mà chưa rõ nguyên nhân.