Gửi đến Đại hội XII những lời tâm huyết

VOV.VN - Các đại biểu và các Đảng viên, nhân dân tin tưởng, đánh giá cao về sự thẳng thắn trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương. 

Trung ương kiểm điểm rất nghiêm túc

Bên lề phiên khai mạc chính thức Đại hội XII của Đảng ngày 21/1, các đại biểu bày tỏ tin tưởng, với sự thẳng thắn được nêu trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11, Đại hội XII sẽ thành công tốt đẹp, vạch ra những phương hướng cơ bản, toàn diện trong xây dựng Đảng và phát triển đất nước trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.

Các đại biểu đánh giá, báo cáo chung của BCH Trung ương khóa XI do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã được soạn thảo, chỉnh sửa công phu và đặc biệt đã thẳng thắn chỉ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đưa ra được những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII.

Đại biểu dự Đại hội XII

Đại biểu Phan Văn Sử, đoàn Tây Ninh kỳ vọng: “Trực tiếp nghe Báo cáo chính trị cũng như Báo cáo của đồng chí Tổng Bí thư trình bày tại Đại hội, tôi có một niềm tin rất sâu sắc là Đại hội chúng ta sẽ thành công và những Nghị quyết của Đại hội sẽ được triển khai vào cuộc sống một cách có hiệu quả, góp phần thúc đẩy đất nước ta phát triển nhanh hơn, toàn diện và bền vững hơn trong giai đoạn tới”.

Nội dung chống tham nhũng, đẩy lùi những tiêu cực và cơ hội về chính trị, về tinh gọn, kiện toàn bộ máy nhà nước, về công tác luân chuyển cán bộ, quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, những chủ trương đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, theo hướng hiện đại… được các đại biểu đặc biệt đánh giá cao.

Đại biểu Nguyễn Đăng Túc, Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao sự kiểm điểm rất nghiêm túc của BCH Trung ương trong thực hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của nhiệm kỳ vừa qua, nhất là trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng, có một số mục tiêu về kinh tế, xã hội Trung ương cũng đã chỉ ra và chúng tôi hi vọng trong nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ nắm chắc thời cơ, tranh thủ được cơ hội và vượt qua thách thức”.

Nhất trí cao với nội dung làm việc của Đại hội Đảng lần thứ XII, các đại biểu nhận định, chương trình làm việc sẽ phát huy được tinh thần cởi mở, tính tập trung dân chủ trong Đảng. Trong đó đặc biệt là trong chương trình nghị sự của Đại hội đã dành khoảng thời gian hợp lý để thảo luận các văn kiện, thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban chấp hành Trung ương, bỏ phiếu bầu cử và ghi phiếu biểu quyết một số nội dung các văn kiện… Theo các đại biểu, Đại hội sẽ không chỉ phát huy được tính dân chủ mà còn phát huy được cả tâm huyết và trí tuệ của đại biểu.

Đại biểu Hoàng Văn Toàn, đoàn Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Với không khí tập trung dân chủ, các đại biểu sẽ mang hết trách nhiệm của mình, đóng góp cho các văn kiện quan trọng của Đảng, đóng góp cho việc lựa chọn những đồng chí có đủ đức, đủ tài tham gia Ban Chấp hành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tham gia các chức vụ chủ chốt của Đảng và Nhà nước; Tiếp tục lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn thách thức trong giai đoạn hiện nay, để đẩy mạnh phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền quốc gia toàn vẹn lãnh thổ và tập trung củng cố xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh”.

Cán bộ, lãnh đạo phải vượt qua chủ nghĩa cá nhân

Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Đại hội thu hút sự quan tâm theo dõi của các tầng lớp nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI  tại Đại hội XII

PGS-TS Nguyễn An Lương (Hà Nội) đồng tình với những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII được nêu trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng Đảng, rèn luyện cán bộ đảng viên, chống thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí.

Theo PGS-TS Nguyễn An Lương, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng, là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, là yếu tố quan trọng nhất trong sự thành bại của Đảng, của dân tộc: “Đối với những cán bộ công chức, viên chức là cán bộ của Đảng đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng thời phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tụy và phải có năng lực để làm mẫu mực cho toàn hệ thống Đảng, chính quyền, những người cán bộ cấp dưới noi theo. Trong thực tiễn, ở nơi nào người cán bộ tận tâm vì đất nước, không tiêu cực, không tham nhũng thì ở đấy cán bộ đảng viên noi theo phấn đấu. Còn nếu người cán bộ thoái hóa sẽ gây mất đoàn kết và nơi ấy sẽ không thể phát triển được”.

Ông Nguyễn Văn Giai, ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng tâm đắc với nhiều vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày; đặc biệt là vấn đề đoàn kết trong Đảng. Ông Nguyễn Văn Giai cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên nắm giữ những vị trí lãnh đạo cần phải vượt qua chủ nghĩa cá nhân, tận tâm, tận lực vì dân, vì nước.

“Trong tất cả các vấn đề mà Tổng Bí thư phát biểu, tôi tâm đắc nhất là vấn đề đoàn kết trong Đảng, cũng như đoàn kết trong nhân dân. Phải đoàn kết và chung tay góp sức trong Đảng. Thiết tha mong Ban Chấp hành mới tiếp tục truyền thống Đảng mình, đại diện cho Đảng để lãnh đạo nhân dân. Cho nên, người lãnh đạo ở đây phải tỉnh táo, phải có trình độ, có bản lĩnh, không ai cám dỗ được mình để xây dựng Tổ quốc ngày một giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc” - ông Giai bày tỏ.

"Người lãnh đạo phải tỉnh táo, có trình độ, bản lĩnh để xây dựng Tổ quốc ngày một giàu đẹp, văn minh và hạnh phúc"

Theo ông Lê Trúc Ánh, ở phường Phú Lâm,  thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên: Văn kiện trình bày tại Đại hội lần này đã tập trung đánh giá đất nước ta qua 30 năm đổi mới; nêu rõ những tồn tại, hạn chế như đời sống của người dân còn khó khăn, tình trạng suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tình trạng quan liêu tham nhũng chưa được đẩy lùi…

Về vấn đề nợ công, ông Lê Trúc Ánh cho rằng: “Tôi nghĩ nợ công thì nhiều nhưng cân đối lại tài sản, tức là số tiền vay đó đưa vào hiệu quả trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế thì cái đó không lớn lắm. Nhưng mà lo ngại nhất là giữa vốn vay và tài sản mà mình có được không cân đối. Tôi tin tưởng rằng sắp tới nạn tham nhũng sẽ ít đi và như vậy số tiền mà ta vay của các nước sẽ đưa vào sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả hơn”.

Ông Phạm Bá Lữ, 55 tuổi Đảng, cán bộ về hưu ở phường Đa Kao, Quận 1,TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi tâm đắc phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nói lên thực tế mất đoàn kết trong nội bộ của Đảng ta là có thật. Trung ương đã nói thẳng sự thật. Tôi muốn qua đại hội này làm sao kiên quyết đấu tranh, khắc phục, tạo sự đoàn kết nhất trí từ Trung ương đến cơ sở, tạo sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ nặng nề mà Đại hội Đảng lần thứ 12 đề ra”.

Đảng viên Dương Văn Hiếu

Dù đang sinh hoạt, học tập và làm việc ở nước ngoài song các Đảng viên ở ngoài nước vẫn rất quan tâm theo dõi phiên khai mạc của Đại hội Đảng XII qua các phương tiện truyền thông. Các đảng viên ở xa Tổ quốc đều bày tỏ đồng tình và đánh giá cao các Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng và mong muốn sau Đại hội XII sẽ có quyết sách chiến lược quan trọng phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Đảng viên Dương Văn Hiếu, đang là nghiên cứu sinh ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Mongkut, Bangkok, Thái Lan. Qua mạng internet, anh Dương Văn Hiếu đã theo dõi toàn bộ phiên khai mạc của Đại hội Đảng XII, chia sẻ: "Tôi rất tâm đắc với những nhiệm vụ mà Tổng Bí thư đã trình bày báo cáo trước Đại hội. Hy vọng, Đại hội XII lần này sau 5 năm tới sẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ cơ bản mà Tổng Bí thư đã nêu ra”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên