Rộn ràng Festival di sản Quảng Nam 2017

VOV.VN - Tối 9/6, tại bãi biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ diễn ra lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017.

Với chủ đề “Quảng Nam- Hành trình kết nối di sản”, Festival lần này không chỉ là dịp để quảng bá di sản biển đảo, nhằm thu hút khách đến với du lịch biển của tỉnh Quảng Nam mà còn lan tỏa đến các làng quê, miền núi để cộng đồng cùng tham gia vào ngày hội lớn của tỉnh.

 Festival là dịp để du khách thưởng lãm nét đẹp đô thị cổ Hội An.

Biển Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam- nơi diễn ra lễ khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017 mấy hôm nay rộn ràng không khí lễ hội. Con đường thuyền thúng trải dài gần 4 km chạy dọc theo 7 thôn của xã Tam Thanh, tạo thành cảnh quan độc đáo với những tác phẩm mỹ thuật sắp đặt vào không gian sống của người dân. Nơi đây còn diễn ra nhiều hoạt động gắn với cuộc sống, sinh hoạt của ngư dân.

 Hội thi hợp xướng quốc tế là hoạt động mở đầu của Festival di sản Quảng Nam 2017.

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: "Festival Di sản Quảng Nam là hoạt động tích cực hưởng ứng Tuần lễ biển đảo Việt Nam năm 2017. Lần này chúng tôi muốn giới thiệu biển, đảo ở Quảng Nam thông qua các hoạt động như: Triển lãm Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam và Quảng Nam; rồi các hoạt động thể thao, du lịch. Quảng Nam biết có 125 km bờ biển, có 2 đảo là đảo Cù Lao Chàm và đảo Tam Hải. Đảo Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Đảo Tam Hải thì đang trong quá trình lập hồ sơ để tiến đến công nhận là Công viên địa chất quốc gia".

Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, cùng với các chương trình biểu diễn nghệ thuật chào đón du khách, nơi đây còn trưng bày chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung. Dự kiến lượng khách đến Mỹ Sơn trong dịp Festival tăng cao nên Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn đã triển khai công tác chuẩn bị bảo vệ đặc biệt đối với các nhóm di tích.

Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho hay: "Chúng ta biết, chủ đề chung của Festival Quảng Nam là “Hành trình kết nối các di sản”, vì vậy, chủ đề trưng bày ở Mỹ Sơn thể hiện nội dung này. Trên dải đất miền Trung từ Bình Thuận cho đến Quảng Nam ra đến Huế còn hiện hữu những di tích tháp Chăm được thể hiện trên sa bàn trưng bày tại Mỹ Sơn. Ngoài ra chúng tôi còn trưng bày tư liệu, hình ảnh liên quan đến từng địa phương trên cả dải đất miền Trung này".

 Cuộc thi diều diễn ra vào sáng ngày 8 tháng 6.

Với 22 sự kiện lớn diễn ra xuyên suốt từ ngày 9 đến ngày 14/6, trải rộng hầu khắp các thành phố, thị xã, huyện đồng bằng đến miền núi, Festival lần này là dịp để cộng đồng cùng hưởng lợi, cùng hòa mình vào không gian lễ hội. Tại Làng Truyền thống Cơ Tu huyện miền núi Tây Giang sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa phục dựng lại nghi thức dựng cây Nêu của đồng bào Cơ Tu, nghi thức rước trâu, cúng thần linh, hát tế trâu và đâm trâu... Trong hơn 1 tháng qua, các nghệ nhân từ 10 xã tập trung về ngôi Làng truyền thống của huyện Tây Giang tham gia chạm trổ, đục đẽo và đã hoàn thiện các công đoạn trang trí cho cặp cây nêu.

Các hoạt động sông nước diễn ra trước thềm lễ khai mạc Festival.

Không khí rộn ràng của lễ hội cũng đã lan tỏa đến huyện miền núi Nam Trà My, nơi tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh. Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: "Điểm nhấn của lễ hội này là phần trình diễn tái hiện nghi thức cúng thần rừng, thần sâm. Đồng thời là dịp để đồng bào Xê Đăng nơi đây bày tỏ lòng biết ơn trước những giá trị văn hóa, kinh tế to lớn mà cây Sâm Ngọc Linh mang lại. Tôi nghĩ trong lễ hội tổ chức theo tôi dự đoán khoảng trên 10.000 người thì việc chuẩn bị của huyện Nam Trà My sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của du khách".

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017 thu hút 33 quốc gia và vùng lãnh thổ giới thiệu, trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật đốc đáo. Những hoạt động thu các đoàn tham gia nhất là Hợp xướng quốc tế, Giải đua thuyền buồm…Ngoài ra, nhiều chuyên gia quốc tế đến tham dự các hoạt động hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đây là cơ hội để tỉnh Quảng Nam giới thiệu, quảng bá thêm các điểm đến, sản phẩm văn hóa, du lịch ở phía Nam của tỉnh như: Quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, địa đạo Kỳ Anh, làng bích họa, con đường thuyền thúng Tam Thanh…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội An mở rộng không gian “Phố đi bộ”
Hội An mở rộng không gian “Phố đi bộ”

VOV.VN - Hội An triển khai đề án "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" nhằm tạo sự khác biệt cho hoạt động du lịch của địa phương.

Hội An mở rộng không gian “Phố đi bộ”

Hội An mở rộng không gian “Phố đi bộ”

VOV.VN - Hội An triển khai đề án "Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ" nhằm tạo sự khác biệt cho hoạt động du lịch của địa phương.

Hội An, Huế chật kín khách trong dịp nghỉ lễ
Hội An, Huế chật kín khách trong dịp nghỉ lễ

VOV.VN -Đến thời điểm này, hơn 6.000 buồng phòng của các khu resort, khách sạn và các loại hình homestay tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đều kín phòng.

Hội An, Huế chật kín khách trong dịp nghỉ lễ

Hội An, Huế chật kín khách trong dịp nghỉ lễ

VOV.VN -Đến thời điểm này, hơn 6.000 buồng phòng của các khu resort, khách sạn và các loại hình homestay tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đều kín phòng.