Nhiều trường cao đẳng, trung cấp lo âu vì đổi mới

VOV.VN - Nhiều trường cao đẳng, trung cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa hết lo lắng, băn khoăn do có quá nhiều thay đổi. 

Từ ngày 1/1/2017, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã bàn giao quyền quản lý hơn 500 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp về cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nửa năm sau khi thay đổi cơ quan chủ quản, đến nay, nhiều trường cao đẳng, trung cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa hết lo lắng, băn khoăn do có quá nhiều thay đổi. 

Đến thời điểm hiện tại, đa phần các trường cao đẳng, trung cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc chuyển đổi chương trình đào tạo và gửi văn bản cho Tổng cục Dạy nghề chờ cấp phép hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi nghĩ về khung chương trình đào tạo mới theo yêu cầu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trước kia vẫn chưa hết lo âu.

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo hệ cao đẳng sẽ giảm xuống còn từ 2 đến 2,5 năm thay vì 3 năm như trước kia. Hệ trung cấp có thời gian đào tạo từ 1 đến 1,5 năm với 35 tín chỉ cho học viên đã tốt nghiệp trung học phổ thông và 50 tín chỉ cho học viên vừa hoàn tất bậc trung học cơ sở.

Bà Lâm Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Vạn Tường, cho rằng: yêu cầu rút gọn chương trình như hiện tại đang làm khó các trường. Điều này thể hiện rõ thông qua phép so sánh chương trình đào tạo của trường này trước và sau khi thay đổi cơ quan chủ quản. Khi còn thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo, với chương trình đào tạo hệ trung cấp kéo dài 2 năm, Trường Trung cấp Vạn Tường dạy tổng cộng hơn 1.500 tiết. Trong khi đó, chương trình đào tạo hiện nay đối với hệ này là 35 tín chỉ. Một tín chỉ tương đương 15 tiết nên chương trình mới chỉ còn 525 tiết, giảm gần 1/3 thời lượng so với trước kia. 

Với chương trình xây dựng lại như thế, bà Lâm Thị Bích Ngọc cho hay: " Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn; phải cắt giảm chương trình, phải điều tiết các môn học ra sao cho thật phù hợp. Cuối cùng, người học sau khi hoàn thành chương trình trung cấp sẽ làm được gì với thời lượng ngắn như vậy”.

Không chỉ băn khoăn về việc rút gọn khung chương trình, đại diện nhiều trường cao đẳng, trung cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh còn lo rằng việc thay đổi mô hình đào tạo từ niên chế qua tín chỉ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề kinh phí hoạt động. Sự ra đời của 15 thông tư trong vòng 6 tháng với quá nhiều thông tin mới mẻ cũng khiến nhiều trường bối rối tìm cách thích nghi do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, việc cơ quan chủ quản mới yêu cầu các giảng viên phải có chứng chỉ kỹ năng nghề cũng khiến nhiều người ái ngại. Tuy nhiên, mối lo lớn nhất hiện nay của các trường lại là vấn đề liên thông. 

Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết: “Khi trường chúng tôi còn trực thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo, các em học sinh sau khi tốt nghiệp bậc trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp thì phải học trong thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm. Như vậy sau khi tốt nghiệp, các em được quy tương đương với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ đó các em có thể liên thông lên các bậc học cao hơn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại theo quy định của Tổng cục Dạy nghề thì đối tượng tốt nghiệp hệ trung cấp mà đầu vào là tốt nghiệp trung học cơ sở thì khả năng liên thông còn vướng mắc”.

Vướng mắc nằm ở chỗ nếu áp dụng khung chương trình mới, hệ trung cấp có đầu vào tốt nghiệp trung học cơ sở chỉ học 15 tín chỉ văn hóa nên khi học viên tốt nghiệp không được công nhận tương đương tốt nghiệp trung học phổ thông như chương trình cũ. Do vậy, mặc dù trên danh nghĩa đã hoàn thành chương trình trung cấp, học viên thuộc nhóm này vẫn không thể theo học các chương trình liên thông lên cao đẳng. Cơ hội liên thông từ cao đẳng lên đại học của sinh viên giờ đây cũng khó khăn hơn vì chưa có sự thông nhất giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong vấn đề này.

Còn theo bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, đổi mới là điều phải làm để thay đổi chất lượng nguồn nhân lực. Để thích ứng với các yêu cầu của cơ quan chủ quản mới, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trước kia cần chấp nhận sự thay đổi ngay từ bây giờ: “Theo quan điểm của tôi, trung cấp và cao đẳng là những cấp độ đào tạo ra người lao động trực tiếp có tay nghề, kỹ năng và thái độ. Chương trình đào tạo đúng nghĩa như vậy thì thực hành phải chiếm tỷ trọng chủ yếu, giáo viên phải có khả năng dạy tích hợp tức là vừa lý thuyết vừa thực hành, cơ sở vật chất phải được đầu tư phòng thực hành…”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thay vì lo âu, các trường cần mạnh dạn đổi mới toàn diện: Các trường phải tự cứu lấy mình bằng cách tự bơi trong công tác tuyển sinh, tự bơi trong cách điều chỉnh chiến lược phát triển trường như xây dựng lại chương trình đào tạo phù hợp hơn, nâng cao chất lượng tốt hơn và làm sao giải quyết đầu ra để 100% học sinh sau khi tốt nghiệp đều có việc làm.

Thời gian không còn nhiều, hiện các trường cao đẳng, trung cấp đang chạy nước rút cho quá trình đổi mới. Điều các trường mong đợi nhất bây giờ là Bộ Giáo dục – Đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm thống nhất chuẩn đầu ra nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có thêm nhiều cơ hội học liên thông. Bên cạnh đó, các trường cũng mong nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ cơ quan chủ quản trong quá trình tuyển sinh để tránh tình trạng phải ngưng hoạt động hay giảm ngành đào tạo do không đủ chỉ tiêu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Làm rõ phản ánh sai phạm tại Trường trung cấp nghề Hưng Yên
Làm rõ phản ánh sai phạm tại Trường trung cấp nghề Hưng Yên

VOV.VN - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch tỉnh Hưng Yên chỉ đạo làm rõ phản ánh của báo chí về sai phạm của Trường trung cấp nghề Hưng Yên.

Làm rõ phản ánh sai phạm tại Trường trung cấp nghề Hưng Yên

Làm rõ phản ánh sai phạm tại Trường trung cấp nghề Hưng Yên

VOV.VN - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch tỉnh Hưng Yên chỉ đạo làm rõ phản ánh của báo chí về sai phạm của Trường trung cấp nghề Hưng Yên.

Thủ tướng: Lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chủ yếu
Thủ tướng: Lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chủ yếu

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chủ yếu.

Thủ tướng: Lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chủ yếu

Thủ tướng: Lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chủ yếu

VOV.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần lấy đào tạo nghề nghiệp, thực hành làm định hướng chủ yếu.

​TP HCM tham khảo kinh nghiệm đào tạo nghề của Đức
​TP HCM tham khảo kinh nghiệm đào tạo nghề của Đức

VOV.VN - Hệ thống đào tạo nghề của Đức góp phần quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao

​TP HCM tham khảo kinh nghiệm đào tạo nghề của Đức

​TP HCM tham khảo kinh nghiệm đào tạo nghề của Đức

VOV.VN - Hệ thống đào tạo nghề của Đức góp phần quan trọng vào việc đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao