Ôtô Nga sẽ có mức giá siêu rẻ 200 triệu đồng tại Việt Nam?

Khả năng cạnh tranh và mức giá của xe ô tô Nga tại thị trường Việt Nam sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực nhận được đông đảo câu hỏi từ phóng viên.

Trong buổi họp báo công bố Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) chính thức có hiệu lực với sự tham gia của Đại sứ các nước trong liên minh và Đại diện Bộ Công Thương Việt Nam, nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề xe Nga xuất xưởng từ liên doanh ô tô Nga - Việt trong thời gian tới đã được xướng lên.

Cụ thể, chính phủ Việt Nam và Nga đã ký Nghị định thư hợp tác về ô tô mà theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (KAMAZ, GAZ, UAZ...) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình (UAZ) và một số loại xe chuyên dụng khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một sự kiện của ngành ô tô Nga. Ảnh: ghhauto.ru

Phía Nga cam kết sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam vào năm 2020 là 25% đối với ô tô chuyên dụng, 30% đối với ô tô tải và 35% đối với ô tô chở người từ 10 chỗ. Tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2025 là 40% đối với ô tô chuyên dụng và ô tô thể thao tiện ích, 45% đối với ô tô tải và 50% đối với ô tô chở từ 10 người.

Về việc có hay không ô tô Nga với mức giá 200 triệu đồng tại Việt Nam sau Nghị định thư trên như một số phương tiện truyền thông đưa tin, Trưởng đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam Kharinov Vyacheslav Nikolaevich cho biết sẽ có nhiều hãng xe Nga thành lập liên doanh tại Việt Nam, trong mỗi hãng lại có nhiều loại xe chuyên dụng để chở hàng, chở khách, tương ứng theo đó là các mức giá khác nhau. 

Do đó, “mức giá xe là bao nhiêu sẽ tùy thuộc và từng mẫu mã cụ thể, tuy nhiên giá cả xe Nga luôn rất cạnh tranh”, ông Kharinov nhấn mạnh. 

Ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng vụ các thị trường châu Âu, Bộ Công thương thì giải thích rằng theo lộ trình thì ban đầu, đơn vị lắp ráp - sản xuất ô tô Nga sẽ thành lập liên doanh tại Việt Nam, sau đó sẽ lên kế hoạch sản xuất, nội địa hóa. Tiếp theo các liên doanh này sẽ nhập linh kiện – ô tô về lắp ráp theo hạn mức đã được phân theo từng năm. 

“Do đó, phải mất một thời gian nữa thì những chiếc xe ô tô đầu tiên theo Nghị định thư mới đến được tay người dùng Việt Nam. Lúc đó mới có thể tính toán chính xác giá của một chiếc xe”, ông chỉ ra. 

Mức độ cạnh tranh của Nga tại thị trường Việt Nam cũng đã là vấn đề được quan tâm. Người dùng Việt Nam vốn đã quen với các mẫu xe có kiểu dáng đẹp của các Hàn Quốc hay Nhật Bản như Toyota, Mazda hay Hyundai. Trong khi, các mẫu xe của UAZ chỉ được đánh giá cao về độ chắc chắn chứ không hề có thế mạnh về thiết kế.

Trước câu hỏi này, ông Kharinov cho biết thị trường Việt Nam đã quen thuộc với nhiều thương hiệu ô tô Nga trong các dòng xe tải, bán tải, chở khách, địa hình và nhiều loại xe chuyên dụng khác. 

Trước khi VN-EAEU FTA có hiệu lực thì liên doanh lắp ráp xe KAMAZ đã cung cấp số lượng lớn phương tiện cho nhiều bộ ngành của Việt Nam như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… 

“Các liên doanh nhập xe Nga vào Việt Nam đương nhiên sẽ phải tính đến yếu tố thị trường để mang vào những xe có thể tiêu thụ, chứ không phải những mẫu xe UAZ thiết kế cổ từ thời xưa”, Trưởng đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam khẳng định./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên