Một cuộc đối thoại 25 năm trước

VOV.VN -Đồng Euro qua một phần tư thế kỷ đã vượt bao thăng trầm khi phải thường trực cạnh tranh với hai đồng tiền mạnh: đô la Mỹ và bảng Anh.

Buổi giao lưu đối thoại trực tiếp trên truyền hình ấy diễn ra nay đã một phần tư thế kỷ, vậy mà mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn thấy thích. Chuyện của nước ngoài, nóng bỏng thành xa xưa, những người trong cuộc hẳn đã quên rồi, tại sao ta nhớ? Phải chăng do chất sùng ngoại, cái gì tây cũng hơn ta?

Không, không hẳn. Trí tuệ sắc sảo của một nguyên thủ quốc gia, tài năng các  nhà báo “tham chiến”, sự khôn khéo của người dẫn chương trình, kiến thức những người dân được mời đến đối thoại với tổng thống, thêm vào đó vai trò trung gian của phương tiện truyền thông kết nối công chúng với nhân vật - hình thức tác nghiệp nay cũ rích nhưng thời ấy được dư luận hết sức quan tâm - riêng đối với tôi 25 năm trước thật thú vị, đáng học để hành nghề.

Quốc khánh 2-9 năm ấy, 1992, tôi có việc sang Pháp, nhờ vậy được dự buổi họp mặt với đại biểu Việt kiều tại Paris do Đại sứ quán ta tổ chức. Nghe các vị khách mời trò chuyện, người nào cũng háo hức chờ đợi chương trình truyền hình trực tiếp tối mai trên Đài TF1, tôi quyết định mình sẽ không làm bất cứ việc gì dù vội đến mấy, để tự nhốt mình trong phòng khách, giương mắt vễnh tai hướng về màn ảnh nhỏ.

Đọc báo trong ngày còn biết thêm, sự kiện này được Đài truyền hình TF1 chuẩn bị cả tháng nay. Nhiều người dân chính kiến khác nhau được lựa chọn và mời đến giao lưu trực tuyến với đương kim Tổng thống. Nội dung đối thoại: “Nước Pháp cần hay không cần sử dụng đơn vị tiền tệ chung cho châu Âu”. Tổng thống Francois Mitterrand vốn là đảng viên đảng xã hội Pháp, và phe đa số ủng hộ ông trong Quốc hội nhiệt liệt tán thành, hơn thế Tổng thống Pháp cùng Thủ tướng Đức là hai nhân vật năng nổ hơn cả trong cuộc vận động này, trong khi phái hữu Pháp lại cực lực phản đối. Tâm điểm buối đối thoại tóm gọn trong ba từ “oui ou non” (tán thành hay phản đối) - câu hỏi làm nóng đầu mấy trăm triệu người dân châu Âu hồi bấy giờ.

Tổng thống Francois Mitterrand
(Chân dung chính thức treo tại các công sở, ông cầm trên tay cuốn “Tiểu luận” của Montaigne)

Đạo diễn đồng thời người dẫn chính chương trình là một ngôi sao đang lên của truyền thông Pháp: nhà báo Philippe Lallemant. Hai nhà báo khách mời, đại diện hai phái tả và hữu, Serge July và Jean d’Ormesson, còn nổi tiếng hơn.

Serge July sinh năm 1942 là người đã cùng triết gia Jean-Paul Sartre và mấy người bạn nữa sáng lập tờ nhật báo cấp tiến Libération, số 1 ra ngày 4-1-1973. Ông kế nhiệm Jean-Paul Sartre làm chủ nhiệm báo ấy trong hơn 30 năm, từ 1974 đến 2006. Jean d’Ormesson (gọi tắt Jean d’O) còn kỳ cựu nữa. Ông sinh năm 1925, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp từ 1973, lúc này đảm trách chủ bút báo Le Figaro littéraire và phụ trách tạp chí Figaro Magazine. Báo Le Figaro thành lập năm 1826 dưới triều đại vua Charles X, là cơ quan ngôn luận lâu đời nhất của Pháp còn tồn tại và kiên trì quan điểm thiên hữu từ bấy đến nay.

Nhà báo Serge July, Chủ bút nhật báo Libération

Dự kiến số khách mời đại diện cho hai phái đối lập sẽ đông, trường quay Đài TF1 không đủ chỗ, người ta mượn Đại giảng đường Trường đại học Sorbonne làm nơi tác nghiệp. Hơn sáu mươi người làm việc cật lực cả tháng. Phải dỡ hết các dãy ghế trong giảng đường, sắp xếp lại chỗ ngồi cho khách hai phe, chọn vị trí đặt 12 camera truyền hình trực tuyến, thay hệ thống đèn chiếu sáng thích hợp với  trường quay.

Trên “sân khấu” vốn là sàn bục giảng của giáo sư, kê duy nhất chiếc bàn hình chữ nhật. Tổng thống François Mitterrand ngồi đối diện khách mời, cũng là đối diện khán, thính giả truyền hình. Hai phía đầu bàn, ngồi hai nhà báo thuộc hai phái đối lập. Người dẫn chương trình linh hoạt trên chiếc ghế xoay, khi nhìn vào tổng thống đặt câu hỏi, khi quay về phía công chúng, chọn mời người có ý kiến đối thoại với nguyên thủ quốc gia.

Tổng thống François Mitterrand xuất hiện mạnh khoẻ, vẫn chải chuốt như thường lệ dù lúc này tuổi đã ngoại 85, sắp hết nhiệm kỳ thứ hai, sau hơn 12 năm cầm quyền biết bao sóng gió, và nghe nói đang bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối.

Buổi giao lưu khởi đầu với cú ra đòn của phe đối lập. Một khán giả - khách mời, tự giới thiệu là nông dân 47 tuổi, đặt câu hỏi với tổng thống: “Hơn mười năm trước, lúc ngài ra tranh cử rồi đoạt chiếc ghế của tổng thống tại nhiệm hồi ấy là Valéry Giscard d’Estaing, nước Pháp có một triệu người thất nghiệp. Tại buổi tranh luận, ngài bảo ông ta là “vị tổng thống của một triệu người không có việc làm”. Sau mười năm ngài cầm quyền, nước ta có ba triệu người không có việc làm, bốn triệu người nghèo, tôi xin hỏi vậy ngài tự cho mình là tổng thống của những ai?”.

Tổng thống François Mitterrand hùng hồn biện giải. Phía các dãy ghế những người nói oui với đồng tiền chung lúc này chưa có tên, thỉnh thoảng vỗ tay rào rào tán thưởng, trong khi phía dãy ghế bên kia im re, một vài người nhấp nhổm giơ tay đòi cắt ngang lời tổng thống. Người dẫn chương trình yêu cầu tổng thống nói ngắn, trả lời gọn, thẳng vào câu hỏi. François Mitterrand làm ra vẻ phản ứng: “Tôi không thể thiếu tôn trọng người đặt câu hỏi với tôi”. Rồi mỉm cười quay về phía khán giả, ông nói tiếp: “Nhưng hôm nay, ở đây, ông này là nhà chỉ huy, tôi phải tuân lệnh ông ấy. Các bạn đồng tình và thông cảm cho tôi nhé!”.

Tiếp sau phần giao lưu với khán giả, tổng thống đối thoại với hai nhà báo nãy giờ lặng im. Tôi nhớ mãi câu hỏi móc hàm của nhà báo - viện sĩ Jean d’Ormesson: “Chủ quyền quốc gia thể hiện ở chỗ mối nước có quyền quy định và phát hành đơn vị tiền tệ của mình. Nay nước ta tham gia sử dụng đồng tiền chung cho cả châu Âu, vậy còn đâu chủ quyền quốc gia Pháp?”.

Cuộc tranh luận hấp dẫn, không ai nghĩ tới chuyện thời gian trôi qua, cho đến khi người dẫn chương trình quay lại nói với các vị khách hai phe, cũng là thông báo đến 12 triệu khán giả xem chương trình trực tuyến: “Sắp tạm ngưng năm phút, dành cho quảng cáo. Trước khi giải lao, cho phép tôi thay mặt Đài TF1, hỏi tổng thống một câu...”.

Sau mấy phút, Đại giảng đường Đại học Sorbonne sáng bừng trở lại với cách sắp xếp khác. Thay vào cái bàn chữ nhật là bàn tròn. Vị chính khách thủ lĩnh phe đối lập trong Quốc hội, đảng RPR (đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa). Philippe Séguin bước lên sân khấu, ngồi vào chỗ. Tổng thống François Mitterrand vào sau, tươi cười tiến đến thân mật bắt tay đối thủ: “Bonjour Séguin!”

Philippe Séguin hồi ấy là ngôi sao đang lên của phe hữu trên chính trường Pháp. Ba năm sau, 1995, bầu cử tổng thống, phe hữu thắng, tổng thống mới là Jacques Chirac, nguyên thị trưởng Paris. Philippe Séguin làm Chủ tịch Quốc hội Pháp.

Ban nhạc sống tấu một khúc trong thời gian chờ đợi mọi người trong trường quay yên vị. Người dẫn phần đối thoại này là một nhà báo khác: Gérard Carreyou, sinh năm 1942, ông là người vẫn thay nhà báo nữ Anne Sinclair truyền lửa cho chương trình trực tuyến “7 sur 7” tồn tại cả mấy chục năm mỗi lần bà vắng mặt. Ông mời Philippe Séguin phát biểu.

Ông này nãy giờ ngồi ở hàng ghế khán giả, chăm chú theo dõi cuộc đối thoại của tổng thống với công chúng qua gợi ý của hai nhà báo, và chắc chắn ông chẳng lạ gì tài biện luận sắc sảo của François Mitterrand, cho nên cố tình chuyển trọng tâm sang hướng gay cấn cho đối thủ.

Theo thăm dò dư luận, số người dân được hỏi ý kiến về việc hình thành đồng tiền duy nhất của châu Âu xấp xỉ ngang nhau, yếu tố quyết định cuộc trưng cầu dân ý sắp tới là làm sao tranh thủ những cử tri đang phân vân trước oui ou non nghiêng nhiều về phía non ngày đến hòm bỏ phiếu. Ông trịnh trọng: “Tôi đề nghị ngài tổng thống, chúng ta đi thẳng vào những vấn đề cơ bản (les questions de fond), chớ mãi loanh quanh chuyện thời sự”. - “Những vấn đề gì vậy, thưa ông? -  “Còn có gì hệ trọng hơn trong tất cả những gì hệ trọng nhất đối với mọi người Pháp từ thở xa xưa cho tới nay, là chủ quyền đất nước! Nước Pháp sử dụng hay không sử dụng đơn vị tiền tệ duy nhất chung cho các nước trong Liên minh châu Âu, cơ bản của mọi vấn đề cơ bản hện nay là ở đó.

Nếu chúng ta chấp nhận oui, đồng nghĩa với thực tế là sau mấy năm nữa sẽ biến khỏi thế gian đồng tiền biểu trưng cho chủ quyền đất nước Pháp từ bao đời, qua tên gọi cổ truyền và thân thương của nó: đồng franc! Nếu đa số nghiêng về oui, sẽ vĩnh viến biến mất đồng Franc của La France!”

Đêm hôm ấy tôi chăm chú ghi chép những ý kiến tranh luận hay vào sổ tay. Sáng dậy ra các kiốt bán báo, thấy hầu như tất cả các tờ nhật báo lớn của Pháp vừa phát hành tờ nào cũng dành vị trí trang trọng tường thuật cuộc đối thoại đêm hôm qua trên tại Đại giảng đường Trường Đại học Sorbonne. Báo Libération ngày 4-9-1992, sau cái tít giật gân và mấy câu mào đầu ở trang 1, dành cả hai trang trong đăng bài không phải do “bản báo phóng viên” tường thuật mà của một cây bút khác: Guillaume Durand. Theo “lời tòa soạn”, ông là “nhà sản xuất show lớn châu Âu của Đài TF1” (le producteur du grand show européen de TF1)

“Lại một thủ pháp siêu nữa của tờ nhật báo khuynh tả trước sau vẫn cổ vũ nhiệt liệt cho oui” - tôi nghĩ bụng. Cậy người thuộc cơ quan truyền thông “trung lập” viết bài, phải chăng tòa soạn báo ấy có ý biện bạch: “Chúng tôi luôn khách quan, hơn thế, báo viết chúng tôi tôn trọng bản quyền của truyền hình, qua việc đăng bài của một trong những nhà cầm chịch chương trình tối hôm qua”.

Nhà báo-Viện sĩ Hàn lâm Pháp

Như đã nói, cuộc đối thoại diễn ra đã một phần tư thế kỷ, hơn thế, là chuyện bếp núc nhà người khác. Tôi ghi chép cẩn thận, nhưng nay kể lại chi tiết hơn nữa để làm gì? Rốt cuộc phe oui đã thắng, cho dù phải trả giá cao bằng ngai tổng thống nhường cho phe đối lập, những người thiên về non. Bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 1999, năm cuối thế kỷ XX, đồng Euro trở thành đồng tiền chính thức của Liên minh tiền tệ châu Âu gồm 18 quốc gia trong Liên minh, cùng 6 nước và lãnh thổ không thuộc Liên minh này. Đồng Euro qua một phần tư thế kỷ đã vượt bao thăng trầm khi phải thường trực cạnh tranh với hai đồng tiền mạnh: đô la Mỹ và bảng Anh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo
Ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo

VOV.VN - Sự cương quyết, kiên định trong việc thực thi các nghị quyết của Đảng gần đây đã mang lại hy vọng và niềm tin cho nhiều tầng lớp trong xã hội. 

Ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo

Ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo

VOV.VN - Sự cương quyết, kiên định trong việc thực thi các nghị quyết của Đảng gần đây đã mang lại hy vọng và niềm tin cho nhiều tầng lớp trong xã hội. 

Trịnh Xuân Thanh đang đứng trước lựa chọn sinh tử
Trịnh Xuân Thanh đang đứng trước lựa chọn sinh tử

VOV.VN - "Trịnh Xuân Thanh chỉ đơn thuần là một kẻ tham nhũng, người đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng"

Trịnh Xuân Thanh đang đứng trước lựa chọn sinh tử

Trịnh Xuân Thanh đang đứng trước lựa chọn sinh tử

VOV.VN - "Trịnh Xuân Thanh chỉ đơn thuần là một kẻ tham nhũng, người đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng"

Trần Đăng Khoa: Những chuyện tử tế
Trần Đăng Khoa: Những chuyện tử tế

VOV.VN - Nếu toàn xã hội sát cánh cùng ngành y, đặc biệt là các bệnh nhân thì các thầy thuốc mới hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình. 

Trần Đăng Khoa: Những chuyện tử tế

Trần Đăng Khoa: Những chuyện tử tế

VOV.VN - Nếu toàn xã hội sát cánh cùng ngành y, đặc biệt là các bệnh nhân thì các thầy thuốc mới hoàn thành được sứ mệnh cao cả của mình. 

“Tự nguyện” và “thỏa thuận” là hai tên trộm trong trường học
“Tự nguyện” và “thỏa thuận” là hai tên trộm trong trường học

VOV.VN -Hai kẻ có tên Thỏa Thuận và Tự Nguyện đã đánh cắp niềm tin và sự kính trọng của phụ huynh với một nơi, với những người mà lẽ ra đáng được kính trọng.

“Tự nguyện” và “thỏa thuận” là hai tên trộm trong trường học

“Tự nguyện” và “thỏa thuận” là hai tên trộm trong trường học

VOV.VN -Hai kẻ có tên Thỏa Thuận và Tự Nguyện đã đánh cắp niềm tin và sự kính trọng của phụ huynh với một nơi, với những người mà lẽ ra đáng được kính trọng.

Trần Đăng Khoa: Chúng ta có quá nhiều Tiến sĩ giấy, Thạc sĩ giấy
Trần Đăng Khoa: Chúng ta có quá nhiều Tiến sĩ giấy, Thạc sĩ giấy

VOV.VN - Nếu cứ chạy theo hình thức, hoặc tuyển người theo kiểu mua danh bán chức thì việc đưa đất nước lên đỉnh cao chỉ có được ở trong mơ.

Trần Đăng Khoa: Chúng ta có quá nhiều Tiến sĩ giấy, Thạc sĩ giấy

Trần Đăng Khoa: Chúng ta có quá nhiều Tiến sĩ giấy, Thạc sĩ giấy

VOV.VN - Nếu cứ chạy theo hình thức, hoặc tuyển người theo kiểu mua danh bán chức thì việc đưa đất nước lên đỉnh cao chỉ có được ở trong mơ.

Người Hà Nội nên học người Hội An về văn hóa kinh doanh
Người Hà Nội nên học người Hội An về văn hóa kinh doanh

VOV.VN - Có Văn hoá Kinh doanh không? “Đôi điều về văn hóa kinh doanh” thì bàn được những gì?

Người Hà Nội nên học người Hội An về văn hóa kinh doanh

Người Hà Nội nên học người Hội An về văn hóa kinh doanh

VOV.VN - Có Văn hoá Kinh doanh không? “Đôi điều về văn hóa kinh doanh” thì bàn được những gì?