Bộ trưởng Giáo dục trả lời nhiều vấn đề “nóng” trước thềm năm học mới

VOV.VN -Phương án thi năm 2017 không phải là phương án đổi mới mà là tiếp tục phương án của năm 2016 nhưng có sự cải tiến tốt hơn.

Bộ GD-ĐT vừa báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự thảo tóm tắt Đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017. Theo đó, từ năm sau, kỳ thi THPT Quốc gia và việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ có một số thay đổi.

Họp báo về Khai giảng Năm học mới 2016-2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 4/9

Trả lời báo chí về phương án thi năm 2017, tại buổi họp báo chiều 4/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, Bộ GD-ĐT có một tổ công tác bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo giáo dục có kinh nghiệm rà soát một cách kỹ lưỡng phương án thi THPT Quốc gia năm 2016 xem những điều gì hợp lý và chưa hợp lý; đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận xã hội và lấy ý kiến trực tiếp từ các Sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ. Việc rà soát và lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân được tiến hành bài bản.

Phương hướng và chủ trương của Bộ GD-ĐT là phương án thi năm 2017 không phải là phương án đổi mới mà là tiếp tục phương án của năm 2016 nhưng có sự cải tiến tốt hơn. Việc thi và tuyển sinh của năm 2016 được đánh giá là thành công, được xã hội đồng tình. Tuy nhiên, có một số điểm xét thấy cần cải thiện để tốt lên.

Việc tổ chức thi có 2 cụm thi do các địa phương và các trường ĐH, CĐ tổ chức nhưng qua thực tế cho thấy, các địa phương hoàn toàn có đứng ra tổ chức thi được.

Về đề thi vẫn có phần học vẹt, học tủ thì năm nay đã được mở rộng, cải tiến mới thay bằng bài thi tổng hợp trắc nghiệm khách quan, ứng dụng công nghệ thông tin chấm điểm bài thi trắc nghiệm. Thời gian qua, việc chấm thi các bài thi theo hình thức tự luận chấm barem nên có độ du di. Chính vì thế, năm 2017, Bộ sẽ áp dụng công nghệ thông tin trong việc chấm điểm các bài thi.

Áp dụng đề thi đánh giá năng lực theo hình thức trắc nghiệm không phải là mới. Hình thức này được tổ chức 3 năm ở ĐH Quốc gia Hà Nội, đã chứng minh là tốt nên nhân rộng một bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Thi trên giấy, chấm trên máy, khắc phục việc không nghiêm túc làm bài, chấm thi và việc học lệch.

Liên quan đến việc xét tuyển, thi tuyển vào các trường ĐH, CĐ, năm nay sẽ vẫn là kỳ thi hướng tới 2 mục đích. Các trường ĐH, CĐ dù theo luật được tự chủ tuyển sinh nhưng nhiều trường không có kinh nghiệm nên Bộ có trách nhiệm kiểm soát chất lượng. Phương thức này không mới mà đã được làm 3 năm, đã tốt và có thể nhân rộng.

Năm nay, phần mềm được đưa vào sử dụng, học sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng.

Đối với việc tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, việc giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐH, CĐ là dựa vào việc xem xét năng lực đào tạo. Năm nay, Bộ sẽ xem xét chỉ tiêu phụ thuộc vào nhu cầu ngành nghề thị trường lao động và điều kiện đào tạo chất lượng. Bộ sẽ kiểm tra đảm bảo chất lượng, tăng cường hỗ trợ thông tin, đào tạo ngành nghề của thị trường để các trường có chỉ tiêu tuyển sinh chính xác hơn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm học mới, Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm đến đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo Dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2017 mà Bộ GD-ĐT vừa báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ năm sau kỳ thi THPT quốc gia và việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ có một số thay đổi.

Nhiều bài thi theo hướng trắc nghiệm

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do các Sở GD-ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ chỉ giữ vai trò giám sát. Vì thế, cả nước chỉ có một loại cụm thi (chứ không có 2 cụm thi tốt nghiệp và ĐH như hiện nay). Để dự thi, thí sinh (TS) hệ THPT sẽ làm 5 bài thi: toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân); TS hệ GDTX làm 4 bài (bớt đi bài ngoại ngữ). TS thi trong một ngày rưỡi: Ngày thứ nhất buổi sáng thi văn, ngoại ngữ; chiều thi khoa học tự nhiên; ngày thứ hai buổi sáng thi toán và khoa học xã hội.

Trừ văn là vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với bài trắc nghiệm, trừ ngoại ngữ có 40 câu hỏi và thời gian làm bài 60 phút, các bài còn lại có 50 câu và thời gian làm bài 90 phút.

Phương án thi như trên sẽ được thực hiện ổn định từ năm 2017 - 2019. Nhưng nội dung thi sẽ có sự thay đổi theo lộ trình, theo đó năm 2017 nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12, năm 2018 lớp 11 và 12, năm 2019 trở đi nội dung thi gồm chương trình cả 3 lớp 10, 11, 12.

4 phương thức xét tuyển ĐH, CĐ

Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, từ năm 2017 các trường ĐH, CĐ xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức sau: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT (1); Dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia (2); Sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (3); Xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác (4).

Phương thức 3 thiết kế cho những trường có yêu cầu sàng lọc cao để tuyển chọn những TS có năng lực phù hợp cho các ngành nghề đào tạo của trường mình. Với phương thức này, các trường có thể tự tổ chức thi hoặc hình thành nhóm trường để cùng tổ chức thi.

Với những trường tự tổ chức thi, Bộ yêu cầu các trường phải công khai cấu trúc bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả thi THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Việc tham gia vào nhóm trường của mỗi trường là tự nguyện. Sau khi tham gia nhóm, các trường cùng lựa chọn và công bố công khai tổ hợp các môn chuyên biệt dùng để xét tuyển trong số các môn toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.

Các trường tham gia nhóm thi đánh giá năng lực chuyên biệt chung sẽ sử dụng phương thức xét tuyển chung. Số nguyện vọng đăng ký của TS không giới hạn vào các ngành của các trường trong nhóm và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Phương thức 4 dành cho những trường muốn sử dụng kết quả thi của trường hoặc nhóm trường khác để xét tuyển. Trường sẽ phải công bố rõ phương thức sử dụng kết quả, công khai tên trường hoặc nhóm trường mà mình sẽ sử dụng kết quả thi để xét tuyển.

Phương án thi từ năm 2020 trở về sau

Từ năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của trường ĐH, CĐ sẽ không còn. Kỳ thi sẽ chỉ do Sở GD-ĐT với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức khảo thí độc lập. Số bài thi giảm xuống còn 3 bài (môn Toán được gộp vào bài thi khoa học tự nhiên, Ngữ văn được gộp vào bài thi khoa học xã hội) và đều thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng môn Ngoại ngữ sẽ hướng tới đánh giá cả 4 kỹ năng nghe nói đọc viết và có thể thi liên tục trong năm. Mỗi thí sinh sẽ làm cả 3 bài thi trong một ngày nào đó của tháng 6 và không phải thi đồng loạt trên cả nước (mỗi địa phương sẽ tự chọn ngày phù hợp cho mình).

Việc xét công nhận tốt nghiệp do Sở GD-ĐT thực hiện theo phương thức tính điểm sau: 70% điểm từ 3 bài thi + 30% điểm từ trung bình kết quả học tập THPT (Tỷ lệ này ở các năm như sau: 2017: 50% + 50%; 2018: 60% + 40%; 2019: 70%+30%)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giáo viên kỳ vọng gì ở Thông tư 30 sửa đổi?
Giáo viên kỳ vọng gì ở Thông tư 30 sửa đổi?

VOV.VN -Vẫn còn những  ý kiến băn khoăn Thông tư 30 sửa đổi vẫn chưa hết bất cập nhất là khi đánh giá học sinh vào cuối kỳ và cuối năm. 

Giáo viên kỳ vọng gì ở Thông tư 30 sửa đổi?

Giáo viên kỳ vọng gì ở Thông tư 30 sửa đổi?

VOV.VN -Vẫn còn những  ý kiến băn khoăn Thông tư 30 sửa đổi vẫn chưa hết bất cập nhất là khi đánh giá học sinh vào cuối kỳ và cuối năm. 

Hơn 48.000 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1
Hơn 48.000 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1

VOV.VN - Số liệu này cho thấy rất nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào 1 trường duy nhất và bình quân mỗi thí sinh chỉ đăng ký 3 nguyện vọng.

Hơn 48.000 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1

Hơn 48.000 thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1

VOV.VN - Số liệu này cho thấy rất nhiều thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển bổ sung vào 1 trường duy nhất và bình quân mỗi thí sinh chỉ đăng ký 3 nguyện vọng.

Xét tuyển bổ sung đợt 1: Các trường mỏi mắt tìm thí sinh
Xét tuyển bổ sung đợt 1: Các trường mỏi mắt tìm thí sinh

VOV.VN -Qua 10 ngày nhận hồ sơ, số lượng thí sinh đến đăng ký xét tuyển ở các trường khu vực Hà Nội rất ít, mỗi trường chỉ nhận được khoảng vài trăm hồ sơ.

Xét tuyển bổ sung đợt 1: Các trường mỏi mắt tìm thí sinh

Xét tuyển bổ sung đợt 1: Các trường mỏi mắt tìm thí sinh

VOV.VN -Qua 10 ngày nhận hồ sơ, số lượng thí sinh đến đăng ký xét tuyển ở các trường khu vực Hà Nội rất ít, mỗi trường chỉ nhận được khoảng vài trăm hồ sơ.

Kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1: Không còn thí sinh để tuyển
Kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1: Không còn thí sinh để tuyển

VOV.VN - Sau đợt xét tuyển bổ sung đợt 1, nhiều trường đại học cao đẳng tại TP HCM nhận được lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển ít hơn so với chỉ tiêu cần tuyển.

Kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1: Không còn thí sinh để tuyển

Kết thúc xét tuyển bổ sung đợt 1: Không còn thí sinh để tuyển

VOV.VN - Sau đợt xét tuyển bổ sung đợt 1, nhiều trường đại học cao đẳng tại TP HCM nhận được lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển ít hơn so với chỉ tiêu cần tuyển.