Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:

“Không quy trách nhiệm của ai thì cái gì cũng là của tập thể“

VOV.VN - Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng có những quy chế không rõ trách nhiệm của ai cả, cái gì cũng là của tập thể.  

Những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới ngày 1-2/8 vừa qua một lần nữa cho thấy quyết tâm của Thủ tướng và và tập thể thành viên Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ liêm chính và hành động.

Để hiện thực hóa quyết tâm ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi yêu cầu Chính phủ, từng thành viên Chính phủ “phải đi đầu trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí... nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác”, ông đã khẳng định “Thủ tướng làm gương, không mua xe mới”. Có thể nói, trong điều kiện khó hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, người dân kỳ vọng và chờ đợi những quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ và tập thể thành viên Chính phủ sẽ chuyển thành hành động trên thực tế.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Ảnh: KT)

Phóng viên VOV trao đổi với ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ về nội dung này.

PV: Thưa ông, theo dõi phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, ông có suy nghĩ gì về những thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới?

Ông Thang Văn Phúc: Những thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng, nó thể hiện tình cảm, trách nhiệm trước trọng trách của Đảng, Nhà nước mà nhân dân giao cho Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ. Tôi thấy đây là một tình cảm thực của Thủ tướng. Thủ tướng đã có một quá trình làm việc vĩ mô ở Chính phủ khoảng 15 năm rồi, kể cả với cương vị Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Đây là một trong những thông điệp tôi cho rằng thiết thực, cụ thể và rõ ràng.

Thực sự, thông điệp mà tôi rất ấn tượng là “Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động và liêm chính” - những yếu tố này tạo ra chất lượng mới của Chính phủ trong thực hiện những nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2016-2021 trước những thách thức không đơn giản kể cả trong nước, quốc tế và quá trình hội nhập. Đây là yếu tố giúp Chính phủ vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội trong những giai đoạn phát triển mới của đất nước.

PV: Rất mạnh mẽ! Rất quyết đoán! Đầy trách nhiệm và tinh thần nêu gương! Đây là những câu cảm thán của người dân nói về Chính phủ nhiệm kỳ mới. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lời một đại biểu Quốc hội “con đường dài nhất ở Việt Nam là từ lời nói tới hành động” và thẳng thắn nhìn nhận nhiều cán bộ, công chức nói chưa đi đôi với làm. Thủ tướng đã làm gương khi cam kết không mua xe công, đồng thời yêu cầu các thành viên chính phủ cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm. Theo ông, làm thế nào để những điều Thủ tướng nói trở thành sự thật?

Ông Thang Văn Phúc: Theo tôi, cũng phải có một số việc cần kiên quyết làm như rà soát lại một số thể chế, quy chế. Có những quy chế không rõ trách nhiệm của ai cả, cái gì cũng là của tập thể. Và cái chính là tính tập thể không đúng, áp dụng tràn lan dẫn tới hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương bị giảm thấp.

Tôi cho rằng cần thay đổi thể chế điều hành, nhất là nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức ở từng vị trí, có như vậy chúng ta mới rà soát được đội ngũ, đội hình, phát hiện những lỗ hổng trong chỉ đạo điều hành, lỗ hổng trong quan hệ của chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

Tôi đọc trong phát biểu tinh thần mới của Thủ tướng là tư duy hiệu quả. Mọi quyết đáp của chúng ta đúng hay như thế nào đều thể hiện kết quả của các quyết định đó ở trong thực tế. Làm sao mà chi phí ít nhất, tiêu tốn tiền của của nhân dân ít nhất, sử dụng tiền thuế hiệu quả nhất. Tôi cho đây là một thông điệp mà bản thân Thủ tướng đang nhằm tới. Đây là điều cần được khuyến khích, là cú hích để làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn.

PV: Tại phiên họp này, Thủ tướng cũng đã yêu thành lập ngay tổ theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng”. Phải chăng, điều này cho thấy, sự chây ỳ đã thành cố hữu và khó thay đổi trong bộ máy lâu nay, thưa ông?

Ông Thang Văn Phúc: Đây không phải vấn đề bây giờ mới phát hiện ra mà từ khi thực hiện 2 chương trình tổng thể cải cách hành chính cũng đã phát hiện rồi. Cái chúng ta triển khai, nhận thức thì đúng, rất sớm nhưng triển khai thì chậm chạp, giữa văn bản, lời nói đến kết quả còn khoảng cách.

Chúng ta đều kêu với nhau đó là sự chậm chạp. Do đó, cần có một cơ quan, một bộ phận để bảo đảm có thể giúp cho Thủ tướng, cho Bộ trưởng giám sát được toàn bộ hoạt động và thực thi pháp luật, thực thi các nghị quyết hay quyết định. Đây là một trong yếu tố tôi cho là tốt, tuy nhiên, làm cái này mà ta lại có thêm tổ chức thì lại khó.

Tôi cho rằng sự tham gia giám sát của người dân, của xã hội rất quan trọng nhằm tạo ra sự phản biện nhưng mặt khác một công cụ cực kỳ quan trọng là hệ thống truyền thông đại chúng sẽ giúp cho Chính phủ phát hiện được lỗ hổng chính sách hay phát hiện những nhân tố mới.

PV: Để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, ông có cho rằng, cũng cần những chế tài nếu người đứng đầu không làm gương, để xảy ra sai sót trong quản lý, thưa ông?

Ông Thang Văn Phúc: Nếu chúng ta thực hiện đúng luật, từng vị trí công chức, xác định được chức trách của họ, công việc, sản phẩm của họ thì chúng ta có điều kiện để kiếm soát được. Tôi nhấn mạnh nếu chúng ta làm được và có chế tài rất cụ thể, quy định rất cụ thể thì giúp bớt đi được sự chung chung, đồng thời, giúp chúng ta nhìn đúng bản chất của sự việc, đánh giá đúng con người, sử dụng đúng con người.

PV: Kiểu quản lý chạy theo sự vụ, chạy theo dư luận cũng là vấn đề tồn tại ở nhiều bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Về vấn đề này, Thủ tướng đã chỉ đạo "Không được để tình trạng Bộ trưởng không biết, không xử lý những vấn đề mới phát sinh bức xúc, dư luận nêu vấn đề rồi mới chạy theo xử lý". Để đáp ứng yêu cầu này, theo ông, bản thân các thành viên Chính phủ cần phải có những hành động nào để thay đổi tư duy và cách làm cũ đã tồn tại lâu nay?

Ông Thang Văn Phúc: Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa mới, Thủ tướng đã giao 10 công việc giao cho các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải thực hiện. Nếu làm được 10 công việc này thì sẽ phúc đáp được những đòi hỏi này. Tức là chúng ta “không bắn chỉ thiên” , chúng ta phải nắm được toàn bộ tiến trình phát triển của xã hội. Vấn đề ở chỗ Chính phủ phải thực hiện đúng vai trò kiểm soát đồng thời là vai trò kiến tạo chính xác.

PV: Với những quyết tâm và vai trò nêu gương của người đứng đầu Chính phủ về  xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân, ông có kỳ vọng chúng ta có thể hóa giải những khó khăn mà đất nước đang vấp phải hiện nay?

Ông Thang Văn Phúc:  Ở đây có 2 khía cạnh, ở khía cạnh tình cảm và lòng tin thì tôi tin. Nếu làm được như vậy thì chúng ta có những bước tiến, sẽ từng bước hóa giải được. Thực ra bây giờ chúng ta có nhiều lỗi, ở nhiều khía cạnh khác nhau mà chúng ta phải gỡ.

Nhưng theo tôi, cái gỡ hiện nay không đơn giản chỉ có mong muốn, ý chí của bản thân người đứng đầu mà cái này cũng rất cần đó là một quyết tâm chính trị của chính bản thân người đứng đầu Chính phủ.

Chúng ta cũng cần phải củng cố hệ thống thể chế. Tôi nghĩ rằng kỳ này phải tổng rà soát lại, cái gì sai, cái gì không đúng thì kiên quyết phải từ bỏ, phải huy động tổ chức bộ máy và cũng phải đề cao trách nhiệm cho dân, không chỉ Thủ tướng, Bộ trưởng mà cả người đứng đầu ở các cấp, huy động cả sự tham gia của người dân.

Sáng kiến, nguồn lực đều ở dân – cái đó thể hiện nguyện vọng, mong muốn của người dân hiện nay. Chính phủ, Nhà nước này phúc đáp được những cái đó thì chúng ta tồn tại, phát triển và đứng vững trước mọi khó khăn, kể cả những vấn đề về an ninh quốc gia. Tôi cho đây là nguồn lực cực kỳ quan trọng, là điểm tựa rất lớn của đất nước chúng ta mà Chính phủ mới cần phải huy động.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên