Việt Nam trong tuần: Thêm một biệt phủ ở Yên Bái gây xôn xao dư luận

VOV.VN -Chỉ trong 1 ngày, Yên Bái đã chuyển đổi hơn 1,3 ha đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, sang đất ở cho gia đình ông Quý, để làm "biệt phủ".

Báo chí thông tin về các quyết định đã được ông Nguyễn Yên Hiền (Phó chủ tịch UBND TP Yên Bái) ký trong ngày 20/7/2015, để chuyển đổi hơn 1,3 ha đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Phạm Sỹ Quý, để làm "biệt phủ".

Chiều 9/6, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành để làm rõ toàn bộ nội dung báo chí nêu về khu đất 1,3ha đứng tên bà Hoàng Thị Huệ là vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái.

Tàu vỏ thép bị rỉ sét: Loại DN làm sai, yêu càu lắp đền máy mới

Liên quan đến việc hàng loạt tàu vỏ thép gần 20 tỷ rỉ sét, công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH Nam Triệu bị loại khỏi danh mục những đơn vị đủ điều kiện đóng tàu theo NĐ 67.

Tàu vỏ thép mới đóng đã hoen rỉ gây bức xúc dư luận.

Tại hội nghị chuyên đề đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/CP về một số chính sách phát triển thủy sản sáng 9/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu thẳng thắn: "Cơ sở đóng tàu đã hợp đồng máy chính hãng Mitsubishi thì phải lắp đặt nguyên đai nguyên kiện máy mới của hãng này.

Hợp đồng đóng tàu là thép Hàn Quốc thì phải làm đúng, chứ không tự động thay bằng thép Trung Quốc. Để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị đóng tàu, tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an vào cuộc điều tra".

Chiều 10/6, Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, Cty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát có địa chỉ ở quận 2 (TP HCM), đơn vị cung cấp máy để lắp vào những chiếc tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 do Cty TNHH MTV Nam Triệu đóng cho ngư dân Bình Định đang hư hỏng, vừa có văn bản cam kết sẽ thay lại toàn bộ máy mới cho những máy không đúng chất lượng được lắp trước đó.

Đưa quan hệ Việt Nam- Nhật Bản đi vào chiều sâu, thực chất

Sự kiện đối ngoại quan trọng,  được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm nhất tuần qua là chuyến thăm  và làm việc tại Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 tại Tokyo từ ngày 4 - 8/6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều hoạt động quan trọng tại Nhật Bản.

Đây là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao thứ 6 của hai nước trong 5 tháng đầu năm 2017, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt - Nhật được đánh giá đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Chuyến công tác 5 ngày với lịch trình dày đặc của Thủ tướng nhằm đưa quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, một trong những đối tác chủ chốt của Việt Nam, đi vào chiều sâu, thực chất.

Với nội dung trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, chuyến thăm được xem là cơ hội góp phần tạo nên làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam.

Hai Thủ tướng trao đổi ý kiến sâu rộng, nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Về kinh tế, hai bên cam kết thúc đẩy mở rộng hợp tác, nhất trí sẽ thúc đẩy thương mại tự do, hợp tác chặt chẽ với nhau để sớm thực hiện Hiệp định TPP cũng như RCEP...

Tình tiết mới vụ tai biến chạy thận ở Hoà Bình

Theo Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, nguyên nhân của vụ tai biến chạy thận nhân tạo đối với 18 bệnh nhân, trong đó 8 người đã tử vong, nghĩ nhiều đến nguồn nước lọc. Một ngày trước khi xảy ra vụ tai biến chạy thận này, Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn có thực hiện sửa chữa bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO phục vụ lọc máu chu kỳ tại khoa Thận nhân tạo của bệnh viện này.

Các nhà chuyên môn nghi ngờ nguồn nước lọc thận cho bệnh nhân có vấn đề.

Theo báo cáo của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và qua việc kiểm tra tại bệnh viện này thì thấy Công ty Thiên Sơn những năm trước đã thực hiện bảo hành, sửa chữa hệ thống lọc nước, nhưng từ năm nay lại phối hợp với đơn vị khác thực hiện việc bảo dưỡng, sữa chữa hệ thống lọc nước. 

Thứ trưởng Bộ VHTT và DL xin lỗi vì ra văn bản “nực cười”

Ngày 5/6, trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết ông nhận trách nhiệm về những sơ suất tại Công văn 2383/BVHTTDL-TCDL.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái

"Tôi nhận trách nhiệm trước Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Tôi cũng đã xin lỗi Hiệp hội du lịch Đà Nẵng và cá nhân anh Huỳnh Tấn Vinh. Tôi mong nhận được sự chia sẻ và thông cảm của nhân dân về sự cố đáng tiếc này. Ngay sau khi ban hành văn bản số 2383, chúng tôi đã phát hiện ra một số sai sót về nội dung và từ ngữ, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, Bộ đã lập tức có văn bản thu hồi văn bản trên trong ngày 4/6", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.

Vụ cháy rừng phòng hộ ở Sóc Sơn

Đám cháy xảy ra khoảng 13h chiều 5/6, kéo dài khoảng 15 tiếng, vào đúng thời điểm nắng nóng cực điểm tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Sáng 6/6 lực lượng Công an TP Hà Nội phối hợp cùng giới chức Sóc Sơn tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy rừng.

Cháy rừng phòng hộ Sóc Sơn, thiệt hại khoảng 100 ha.

Thống kê ban đầu của Sở NN&PTNT Hà Nội cho hay, có khoảng 100ha rừng bị cháy và ảnh hưởng, trong đó diện tích rừng cháy là 50ha. Vụ cháy được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử ở địa bàn Sóc Sơn.

Tuần qua, các phiên họp Quốc hội đã đề cập nhiều nội dung "nóng" với nhiều ý kiến thu hút sự chú ý của dư luận; thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2017.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên