Hạn, mặn tấn công ĐBSCL: Xem hạn hán, xâm nhập mặn là thiên tai

VOV.VN - Vấn đề đặt ra nếu không có những giải pháp căn cơ thì khả năng hạn, mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gay gắt hơn

Trong các bài viết trước chúng tôi đã đề cập tới tình hình hạn, mặn diễn biến bất lợi và một số nguyên nhân mà các chuyên gia, nhà khoa học đã nhận định.

Trước thực tế nguy cấp này, vấn đề đặt ra nếu không có những giải pháp căn cơ thì khả năng hạn, mặn sẽ xảy ra thường xuyên hơn và gay gắt hơn. Từ đó, phá hỏng thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt của ĐBSCL và tạo ra những hậu quả khôn lường.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích sâu những giải pháp đặt ra từ góc độ địa phương và trung ương trong phòng chống hạn, mặn.

Đồng khô, cỏ cháy, đẩy người dân đối phó với điều kiện sản xuất bất lợi (Ảnh Thanh Tùng).

Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết trước đây mặn chỉ xâm nhập sớm từ biển Tây. Còn năm nay mặn vào cả từ biển Đông. Ở thị xã Ngã Bảy, trong dịp Tết vừa qua, độ mặn tại sông đo được là 2%chưa từng có trong lịch sử. Mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng và đến sớm hơn 1 tháng, hậu quả làm cho khoảng 400 ha diện tích lúa bị mất trắng; đồng thời tiếp tục đe dọa cả vườn cây ăn trái và cây mía.

Kênh nội đồng vùng Gò Công bị cạn đáy (Ảnh Nhật Trường).

Theo ông Trần Công Chánh, nếu chỉ hạn hán xảy ra còn dễ đối phó, bởi sau đó có khi có nguồn nước là có thể khôi phục sản xuất. Còn khi mặn đã xâm nhập thì 10 năm sau kinh tế không phát triển được bởi những tác động xấu đến môi trường, đất đai. “Chúng tôi đã có chỉ đạo các giải pháp đồng bộ. Thường trực tỉnh ủy đã có một chỉ thị trên cơ sở quán triệt Chỉ thị 04 của Chính phủ và của Bộ NN và PTNT. Chúng tôi ra chỉ thị, tổ chức thực hiện ngay các giải pháp đồng bộ để phòng chống hạn, mặn. Chứ chờ họp để ra chỉ thị nữa thì không kịp.

Tại tỉnh Kiên Giang, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nêu rõ, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động hiểu được tác hại của hạn hán, xâm nhập mặn. Trên cơ sở đó cơ cấu lại sản xuất, sử dụng nước tiết kiệm, bố trí lịch thời vụ cho hợp lý. Tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp sớm vận hành hệ thống cống ven biển Tây; đắp khoảng 80 đập ngăn mặn thời vụ ở các địa phương. Bên cạnh đó, sớm triển khai các công trình ngăn mặn; theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn, triều cường để chủ động lấy nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Về lâu dài, ông Mai Anh Nhịn kiến nghị: “Chính phủ, các ngành hữu quan cần nghiên cứu, xem xét mở rộng các nội dung chi tiết của các chương trình phòng chống thiên tai để địa phương mạnh dạn, chủ động trong việc sử dụng nguồn kinh phí này. Đồng thời, cần có chương trình dài hạn để ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp”.

Trước diễn biến phức tạp của hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh phải xem tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở ĐBSCL hiện nay là một trong những thiên tai ở cấp độ 1, 2. Từ đó xác định trách nhiệm phòng, chống chủ yếu do các địa phương thực hiện và các cơ quan trung ương hỗ trợ.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây là trận thiên tai nghiêm trọng trong vòng 100 năm qua. Đợt hạn, mặn lần này, người dân và chính quyền các địa phương phải đối mặt suốt 6 tháng, thậm chí lâu hơn. Vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng các giải pháp lâu dài là hết sức quan trọng. Trong đó, đề nghị các địa phương củng cố Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai theo đúng luật; đồng thời có phân công cụ thể và có sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp.

“Trong chỉ đạo, lấy phương châm phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính. Chính quyền các cấp phải có kế hoạch cụ thể từ nay đến hết tháng 6 để ứng phó với hạn, mặn, nhất là về sản xuất, về cấp nước sinh hoạt cho người, gia súc, cho ngành công nghiệp, dịch vụ. Tôi quan ngại nhất không chỉ bảo vệ lúa đông xuân còn 1 triệu ha trên đồng mà theo truyền thống nếu thu hoạch xong đông xuân mà xuống giống ngay hè thu mà không biết rằng tháng 3 mặn sẽ sâu hơn, nặng hơn thì lúa hè thu sẽ thất bại. Không chỉ lúa, ngay cả tôm nuôi xuống giống cũng sẽ thất bại”.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương ĐBSCL dừng các cuộc họp chưa thật sự cấp bách, tập trung đối phó với hạn, mặn xâm nhập.

Tại hội nghị Phòng chống hạn mặn, xâm nhập các tỉnh ĐBSCL diễn ra mới đây tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tình hình mực nước thấp dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang diễn ra nghiêm trọng, là thiên tai đặc biệt nghiêm trọng. Từ đó, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, cung cấp nước sinh hoạt của vùng.

Chính vì thế, vấn đề đặt ra đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ về tình hình nghiêm trọng hiện nay để chủ động đề ra giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Bên cạnh đó, có bước đi, lộ trình và tầm nhìn dài hạn để xử lý vấn đề như tăng vốn đầu tư; sử dụng ngân sách hiệu quả, kịp thời cho công cuộc chống thiên tai đặc biệt. Mặt khác, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của toàn bộ nhân dân.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "các bộ, ngành, địa phương có nhận thức đúng đắn về sự nghiêm trọng của hạn hán, xâm nhập mặn. Coi phòng chống thiên tai là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để có chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài; dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho ngăn mặn xâm nhập. Các địa phương tập trung chăm lo đời sống cho nhân dân với phương châm không để người dân đói, thiếu nước, dịch bệnh do hạn hán. Các địa phương tiếp tục triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn  như nạo vét kênh mương, theo dõi diễn biến nguồn nước, vận hành, điều tiết công trình thủy lợi, ngăn mặn”.

Hạn và mặn ở ĐBSCL hiện nay được xác định là thiên tai, trăm năm mới có một lần. Thiên tai lần này được nhận định nghiêm trọng, kéo dài đến giữa năm nên cần tập trung mọi nỗ lực để ứng phó. Vấn đề đặt ra theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là các địa phương, bộ ngành và nhân dân cần bình tĩnh để có những giải pháp thích ứng trong ngắn hạn kết hợp với những bước đi lâu dài như xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ, rà soát điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi./.                                 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đồng bằng sông Cửu Long “gồng mình” chống hạn hán, xâm nhập mặn
Đồng bằng sông Cửu Long “gồng mình” chống hạn hán, xâm nhập mặn

VOV.VN -Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra với quy mô lớn đã khiến người dân ở vùng ĐBSCL thiệt hại nặng nề trong trồng trọt, sản xuất…

Đồng bằng sông Cửu Long “gồng mình” chống hạn hán, xâm nhập mặn

Đồng bằng sông Cửu Long “gồng mình” chống hạn hán, xâm nhập mặn

VOV.VN -Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra với quy mô lớn đã khiến người dân ở vùng ĐBSCL thiệt hại nặng nề trong trồng trọt, sản xuất…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn tại Hậu Giang
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn tại Hậu Giang

VOV.VN -Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo địa phương tập trung triển khai các giải pháp cấp bách để phòng chống hạn, mặn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn tại Hậu Giang

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn tại Hậu Giang

VOV.VN -Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo địa phương tập trung triển khai các giải pháp cấp bách để phòng chống hạn, mặn.

Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Đâu là nguyên nhân?
Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Đâu là nguyên nhân?

VOV.VN -Hiện mới bước vào đầu mùa khô năm 2016 nhưng tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã diễn biến cực kỳ phức tạp.

Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Đâu là nguyên nhân?

Hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt ở ĐBSCL: Đâu là nguyên nhân?

VOV.VN -Hiện mới bước vào đầu mùa khô năm 2016 nhưng tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đã diễn biến cực kỳ phức tạp.